CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.2.5. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam
Theo Phạm Hoàng Hộ (2000) trong “Cây cỏ Việt Nam”, loài Dây thường xuân H. nepalenis var. sinensis được mô tả: dây bò. Lá không lông, hình thể hơi biến thiên, thon hình thoi, chót nhọn, gân từ đáy 3, gân - phụ 2-3 cặp, mặt
trên màu ôliu đậm, mặt dưới màu ôliu nâu. Phát hoa mang tán như hoa đầu nhiều hoa, có lông sét. Trái tròn, màu cam đỏ [6].
Trong “Danh lục thực vật Việt Nam”, tập II của tác giả Nguyễn Tiến Bân có mô tả loài H. nepalensis var. sinensis: dây bò dài tới 20m, có nhiều dễ
móc khí sinh ở các mắt, lá đơn; cụm hoa có lông màu đỏ nâu. Mọc rải rác trong rừng thưa, ở độ cao 100-1600m [2].
Trong cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, Đỗ Huy Bích và các tác giả đã mô tả Dây thường xuân có dây leo nhỏ, luôn xanh, dài 10-12, mọc bám nhờ những rễ phụ mọc từ các mấu. Thân mềm nhẵn, màu lục nhạt hoặc nâu nhạt, có nốt sần. Lá mọc so le, rất đa dạng, dài 5-10 cm ở cành có hoa; nhỏ và ngắn hơn ở cành bất thụ; phiến dài, nhẵn, không chia thùy, gốc hẹp; cuống lá mảnh. Cụm hoa mọc ở đầu cành thành tán tròn hoặc 2-6 tán dạng ngù, cuống có lông hình sao; hoa có cánh hình tam giác, mọc cong xuống. Qủa mọng, hình cầu, đường kính 7,5 mm, màu vàng lục hoặc vàng cam, có thịt nạc. Mùa ra hoa là khoảng tháng 10 [3].
Theo Võ Văn Chi (2012), Dây thường xuân là cây leo thường xanh có
nhiều rễ móc khí sinh, không có gai. Lá đơn không có lá kèm, phiến lá phân thùy, dài 5-10cm, rộng 3-8cm; gân chân vịt. Cụm hoa chùy, gồm nhiều tán, có
lông hình sao. Hoa nhỏ, màu vàng trắng và lục trắng, gốc rộng, có một mào cuốn ở giữa; nhị 5; bầu 5. Qủa hạch tròn, khi chín màu đen [5].
Có thể thấy việc mô tả trong các tài liệu đã công bố chưa có sự thống nhất về dạng quả và màu của quả khi chín. Phải chăng có sự khác nhau này là do trong quá trình nghiên cứu các tác giả đã mô tả loài Dây thường xuân Việt Nam ở những vùng khác nhau.
1.2.5.2. Thành phần hóa học
Theo Đào Duy Hoàng (2014), thành phần hóa học lá Dây thường xuân thu hái ở Việt Nam H. Nepalensis var. sinensis gồm có các nhóm hợp chất như:
saponin, courmarin, acid hữu cơ, tinh dầu, các hợp chất sterol và caroten với saponin là thành phần chính. Kết quả này khá giống với các nghiên cứu trên thế giới về H. helix L.,( Araliaceae) tuy nhiên loài Dây thường xuân thu hái ở Việt Nam không có flavonoid và alkaloid. Dù vậy, với thành phần chính được
dùng làm thuốc giống nhau là saponin, Dây thường xuân ở Việt Nam vẫn có
nhiều tiềm năng để sử dụng làm thuốc [7].
1.2.5.3. Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền, Dây thường xuân đã được sử dụng từ lâu đời trong yhọc cổ truyền để phòng và chữa bệnh. Ở mỗi quốc gia, Dây thường xuân có
tên gọi khác nhau. Ở Việt Nam, Dây thường xuân còn được gọi là Bách cước ngô công [1]. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thân, rễ, quả tươi hoặc phơi khô.
Về tính vị quy kinh, Dây thường xuân có vị đắng, tính mát thường có tác dụng trong khu phong, giải độc, hoạt huyết, tiêu sưng; quả vị ngọt, tính ấm được dùng để trừ phong huyết. Công dụng của Dây thường xuân là chữa đơn sưng như chế rượu với lá đã giã nhỏ, gạn lấy dịch uống, phần bã còn lại đắp vào chỗ sưng đau. Khi gặp vấn đề về mụn lở thì lấy thân hoặc rễ cây sắc hoặc ngâm với rượu uống. Sắc hoặc ngâm rượu còn có công dụng chữa huyết bế trong bụng, giúp giảm các triệu chứng đau lưng, mỏi gối ở người già [3].
1.2.5.4. Đặc điểm phân bố ở Việt Nam
Dây thường xuân phân bố ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới ẩm châu Á từ vùng cận Himalaya thuộc Ấn Độ, qua Tây - Nam Trung Quốc xuống Bắc Việt Nam. Dây thường xuân là cây ưa khí hậu ẩm ướt, hơi chịu bóng, mọc bám trên đá, rải rác trong rừng thưa, ở độ cao 1000 - 1.600m. Ở Việt Nam, Dây thường xuân có phân bố ở các khu vực có độ cao lớn, các mẫu thu được ghi nhận ở độ cao khoảng 1500m trở lên: Sơn La (Mộc Châu), Lào Cai (Sa Pa), Hòa Bình (Mai Châu, Hang Kia), Lai Châu (Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên), Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc), Lạng Sơn (Mẫu Sơn).
Hình 1.3. Phân bố địa lý của Dây thường xuân