3. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI
3.1.5. Nhận xét chung về tình hình cơ bản của thành phố Cao Bằng
Nền kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm qua tương đối phát triển, tuy nhiên cùng với sự gia tăng dân số, mật độ phân bố dân cư không đồng đều đã dẫn đến mức độ sử dụng đất khác nhau trong từng khu vực, gây áp lực đối với quỹ đất đai của thị xã. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các ngành kinh tế, xây dựng cải tạo và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng... dự báo sẽ có những thay đổi lớn so với thực tế sử dụng đất hiện nay, đồng thời đặt ra vần đề có tính bức xúc trong việc bố trí sử dụng đất của thành phố được thể hiện ở một số mặt sau:
Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ phải dành một quỹ đất không nhỏ cho mục đích đất ở và các công trình công cộng phục vụ nhu cầu đời sống của dân số tăng thêm. Diện tích trên phải sử dụng nhiều vào đất nông lâm nghiệp. Để đạt được mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cần tăng nhanh tỷ trọng của các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch. Theo dự kiến quỹ đất dành cho mục đích xây dựng, mở rộng và phát triển các công trình công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các khu du lịch, các công trình dịch vụ - thương mại… chủ yếu vẫn phải lấy đất nông - lâm nghiệp. Vì vậy, cần tận dụng triệt để không gian, tiết kiệm đất và hạn chế lấy vào đất nông nghiệp có hiệu quả sử dụng cao.
Nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố (giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước, các công trình phúc lợi công cộng...) cũng gây sức ép lớn đối với đất đai. Quỹ đất dành cho mục đích này khá lớn, cần có quy hoạch bố trí sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm.
Việc mở mới các điểm dân cư tập trung tiếp tục được hình thành, mở rộng làm mất đi một phần diện tích đất nông lâm nghiệp. Bên cạnh đó, để cải thiện nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng nhu cầu đô thị hoá nông thôn, ngoài việc tận dụng nâng cấp, cải tạo các công trình hiện có, cần dành một diện tích đất thoả đáng để xây dựng thêm các công trình văn hoá thể thao, khu vui chơi giải trí... trong các điểm dân cư trên địa bàn các xã.
Như vậy, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây cũng như dự báo phát triển trong tương lai, áp lực đối với đất đai của thành phố đã và sẽ ngày càng gay gắt hơn (đặc biệt ở các khu vực trọng điểm kinh tế phát triển) dẫn đến thay đổi hiện trạng sử dụng đất hiện nay. Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, cần xem xét nghiêm túc việc khai thác sử dụng đất theo hướng khoa học trên cơ sở tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả cao, bố trí sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội về hiện tại cũng như tương lai.