CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM SOÁT NỘI BỘ CHI PHÍ XÂY LẮPTRONG DOANH NGHIỆP XÂY LẮP
1.2. KHÁI QUÁT VỀ CHI PHÍ XÂY LẮP TRONG DOANH NGHIỆP XÂY LẮP
1.2.1. Khái niệm và phân loại chi phí xây lắp
Chi phí xây lắp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí về lao động sống và lao động vật hóa cần thiết để xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình mà doanh nghiệp xây lắp đã chi ra trong một kỳ nhất định (quý, năm) [9, tr. 6].
1.2.1.2. Phân loại chi phí xây lắp
Chi phí xây lắp có thể được phân loại theo nhiều tiêu thức khác nhau. Mỗi tiêu thức phân loại có ý nghĩa riêng đối với các hoạt động của đơn vị. Có thể phân loại chi phí xây lắp như sau:
Phân loại theo tính chất kinh tế
Các chi phí xây lắp được phân loại thành các yếu tố chi phí, trong mỗi yếu tố chi phí bao gồm những chi phí chung có cùng tính chất kinh tế, hay nói cách khác, phân loại chi phí xây lắp theo tính chất kinh tế là sắp xếp những chi phí có chung tính chất kinh tế vào một yếu tố, bất kể chi phí đó phát sinh ở đâu, dùng vào mục đích gì trong giá thành công trình. Theo cách phân loại này thì toàn bộ các chi phí xây lắp được chia ra thành năm yếu tố chi phí cơ bản như sau:
- Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu
- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp, khoản trích theo lương như BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ
- Chí phí công cụ dụng cụ, lán trại -Chi phí khấu hao TSCĐ
- Chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác
Phân loại chi phí xây lắp theo yếu tố giúp ta biết được những chi phí gì đã sử dụng vào sản xuất và tỉ trọng của từng khoản chi phí đó trong giá thành để phân tích, đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi phí thi công, dự toán chi phí nhận thầu… từ đó cung cấp những tài liệu để tính toán.
Phân loại chi phí theo mục đích và công dụng kinh tế
Căn cứ vào ý nghĩa chi phí trong giá thành công trình đồng thời để có thể so sánh, kiểm tra chi phí xây lắp thực tế so với dự toán nội bộ. Chi phí xây lắp được phân chia theo mục đích và công dụng của chi phí.Theo cách phân loại này thì căn cứ vào mục đích và công dụng của chi phí xây lắp được chia ra các khoản mục chi phí khác nhau. Mỗi khoản mục chi phí bao gồm những chi phí có cùng mục đích và công dụng, không phân biệt chi phí đó có nội dung kinh tế và công dụng như thế nào. Vì vậy, phân loại này còn được gọi là phân loại chi phí theo khoản mục được chia ra thành các khoản mục chi phí như sau:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là chí phí của các nguyên vật liệu chính, vật kết cấu, vật liệu phụ, phụ liệu luân chuyển, bán thành phẩm… cần thiết để tạo nên sản phẩm xây lắp. Chi phí này chiếm tỉ trọng rất lớn khoảng từ 55% đến 70% giá trị công trình.
- Chi phí nhân công trực tiếp là toàn bộ chi phí về tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương của công nhân trực tiếp thi công xây lắp.
Khoản mục chi phí này thường chiếm khoảng 10% đến 20% giá trị công trình. Đối với công trình cải tạo, nâng cấp thì chi phí nhân công thường chiếm tỉ trọng lớn hơn.
- Chi phí sử dụng máy thi công là những chi phí phát sinh liên quan đến việc sử dụng máy thi công để thực hiện khối lượng xây lắp. Bao gồm các khoản mục chi phí về vật tư, lao động, khấu hao, nhiên liệu, phụ tùng… phục vụ cho hoạt động thi công. Chi phí này còn được phân loại ra chi phí tạm thời và chi phí thường xuyên.
+ Chi phí tạm thời: Là những chi phí có liên quan đến việc tháo lắp, chạy thử, vận chuyển máy đến công trình tạm thời phục vụ cho máy thi công. Chi phí này được phân bổ dần theo thời gian máy ở công trường.
+ Chi phí thường xuyên: Là những chi phí hằng ngày cần thiết cho việc sử dụng máy thi công như: Khấu hao máy móc thiết bị, chi phí thuê máy móc thiết bị, lương công nhân vận hành, nhiên liệu, phí tổn sửa chữa... và các chi phí khác.
Trong chi phí máy thi công không bao gồm các khoản mục tiền lương của công nhân vận chuyển, phân phối nhiên liệu cho máy, chi phí lắp đặt lần đầu, chi phí sử dụng cho sản xuất phụ, chi phí sửa chữa thường xuyên, đại tu máy móc thiết bị và các khoản trích theo lương của công nhân vận hành máy thi công.
- Chi phí sản xuất chung là lương của nhân viên quản lý đội xây dựng, các khoản trích theo tiền lương theo tỷ lệ quy định (19%) của nhân viên quản lý đội và nhân công trực tiếp tham gia xây lắp, chi phí khấu hao TSCĐ dùng chung cho hoạt động của đội, chi phí vật liệu, chi phí CCDC và các chi phí khác phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động của đội…
Ngoài ra, trong xây lắp thường phát sinh các khoản thiệt hại về ngừng sản xuất, do thiên tai, phá đi làm lại. Đây là những khoản chi phí không có trong kế hoạch và dự toán, là một nhân tố làm tăng giá thành sản phẩm xây lắp. Đối với các khoản thiệt hại do thiên tai và phá đi làm lại do không đúng thiết kế, vượt quá định mức thì không được tính vào chi phí xây lắp.
Việc phân loại chi phí theo đúng mục đích và công dụng kinh tế có tác dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý chi phí theo định mức dự toán, cung cấp số liệu cho việc tính giá thành công trình, phân tích tình hình thực hiện kế hoạch giá thành.
Phân loại chi phí theo phương pháp tập hợp chi phí và mối quan hệ với đối tượng chịu chi phí
- Chi phí trực tiếp là những chi phí có quan hệ trực tiếp tới việc xây lắp công trình, hạng mục công trình hoặc với một khối lượng công việc nhất định. Căn cứ vào số liệu từ chứng từ kế toán để ghi nhận trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí.
- Chi phí gián tiếp là những chi phí có liên quan đến việc xây lắp nhiều công
trình, nhiều hạng mục công trình, nhiều khối lượng công việc. Những chi phí này phải phân bổ cho các đối tượng chịu chi phí thông qua những tiêu thức thích hợp.
Cách phân loại chi phí xây lắp có ý nghĩa trong việc xác định phương pháp kế toán thích hợp và phân bổ chi phí cho các đối tượng một cách đúng đắn và hợp lý.