1.3. Cơ sở thực tiễn
1.3.4. Một số nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực của đề tài
- Qua nghiên cứu “Đánh giá tác động của công tác giải phóng mặt bằng đến kinh tế, xã hội, môi trường ở một số dự án trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” năm 2017 của tác giả Mai Chiến Thắng. Từ dự án đường Vũ Thê Lang và hạ tầng hai bên đường và dự án quy hoạch đất ở để giao và đấu giá QSD Đất khu vực Đồi Măng là hai dự án trọng điểm của thành phố Việt Trì được tỉnh và thành phố rất quan tâm chỉ đạo, phương án bồi thường GPMB đã được lập đầy đủ các nội dung và áp giá theo đúng chính sách quy định. Tác động của công tác bồi thường, GPMB đến kinh tế của người dân: Tạo cơ hội tăng thu nhập cho lao động trong ngành phi nông nghiệp. Cụ thể, có 18,18% hộ được phỏng vấn ở hai dự án cho rằng thu nhập của họ có tăng sau khi bị thu hồi đất. Tác động của công tác bồi thường, GPMB đến xã hội của người dân: Tạo cơ hội cho các lao động tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp [31].
- Qua nghiên cứu “Đánh giá công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện một số dự án trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn năm 2016” tác giả Dương Thị Thu Thủy đã cho thấy Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn qua dự án nghiên cứu: Dự án Tái định cư khối 2, phường Vĩnh Trại áp dụng thống nhất theo luật; các văn bản dưới luật và Quyết định, quy định của UBND tỉnh. Đồng thời khẳng định tác động dự án đã làm giảm tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp giảm đi, tỷ lệ lao động trong ngành phi nông nghiệp và tỷ lệ lao động không có việc làm sau khi bị thu hồi đất cũng tăng. Thu nhập của hộ dân sau khi bị thu hồi đất 1 năm có xu hướng tăng [30].
- Theo Phạm Văn Hùng (2015) [7] cho thấy: Công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra với nhiều nguyên nhân. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn buông lỏng, nhiều vướng mắc còn tồn đọng khá dai dẳng nhưng không kịp thời giải quyết. Không ít các trường hợp Nhà nước phải mặc nhiên công nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Việc điều tra, đo đạc, lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính còn nhiều hạn chế. Những hạn chế của công tác này làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Những nơi chưa có quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý đất đai yếu kém, số liệu không đảm bảo độ tin cậy, việc khoanh định các loại đất, định hướng sử dụng không sát với thực tế thì ở đó công tác GPMB gặp nhiều khó khăn phức tạp, hiệu quả thấp. Các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về đất đai nói chung, trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nói riêng thiếu tính thực tế, không ổn định và chưa thực sự hoàn chỉnh. Chính quyền các cấp không có đầy đủ hồ sơ quản lý, không cập nhật biến động thường xuyên và không quản lý được những vụ việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép. Chính điều này gây khó khăn cho người thi hành đồng thời làm mất lòng tin trong dân. Là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc trong công tác giải quyết các mối quan hệ đất đai nói chung và GPMB nói riêng [7].
- Theo ông Lê Anh Quân (2014) cho thấy: Thực tế triển khai GPMB trên địa bàn huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, về việc thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân gây nhiều khó khăn.
Thứ hai, giữa quyết định thu hồi đất và phương án được duyệt phải được thực hiện trong vòng 1 ngày gây nhiều khó khăn cho địa phương.
Thứ ba, GPMB xong mới giao đất cũng nảy sinh nhiều bất cập. Theo chúng tôi nên GPMB đến đâu, giao đất đến đó.
Thứ tư, về quy định cưỡng chế kiểm đếm khá phức tạp, mất nhiều thời gian, vật chất.
Thứ năm, về dự thảo phương án hỗ trợ có thể gây ra khiếu kiện kéo dài nếu có sự điều chỉnh theo hướng giảm.
Thứ sáu, về vấn đề giá đất. Tuy theo chủ trương sát giá thị trường nhưng trên thực tế, người dân không bao giờ thông báo giá thật để tránh nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng. Nên quy định giá đất đền bù khi được địa phương báo cao lên dù cao hơn từ 1-2 lần vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều, dẫn đến hiện tượng người dân không đồng ý với phương án giá đền bù, gây chậm trễ cho công tác GPMB.
- Theo Hà Thanh Tùng (2013) cho thấy: Công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh ban hành để bồi thường giải phóng mặt bằng có giá đất còn thấp hơn giá đất thị trường [31].
Việc quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương từ những năm trước đây còn chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất không rõ nguồn gốc, gây nhiều khó khăn cho việc xác định diện tích từng loại đất.
Công tác GPMB liên quan đến quyền lợi trực tiếp, thiết thực của nhiều người dân, trình độ dân trí nhiều nơi còn có hạn, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước còn phức tạp, thay đổi nhiều, trong khi công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương chính sách nhiều nơi chưa tốt dẫn đến người dân còn có cách hiểu khác nhau về chính sách của Nhà nước làm kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, có nơi còn xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất trật tự trị an.
Trong quá trình thực hiện, nhiều hạng mục, nội dung phát sinh, các quy định của Nhà nước chưa điều chỉnh hết, các cấp các ngành phải bàn bạc, thống nhất đề xuất UBND tỉnh xử lý, nên kéo dài thời gian công tác giải phóng mặt bằng;
Một số dự án về giao thông liên quan đến nhiều tỉnh khác nhau, trong khi chính sách bồi thường của các tỉnh chưa đồng nhất, như: Giá đất, chính sách hỗ trợ... dẫn đến người dân so sánh và có nhiều ý kiến với cơ quan nhà nước làm kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng (dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai…).
Chức năng tham mưu tổ chức thực hiện, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có thay đổi (chuyển từ ngành Tài chính sang ngành Tài nguyên và Môi trường), nhưng hầu hết cán bộ chuyên môn không chuyển giao nên cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường phải đảm nhận thêm nhiệm vụ, trong khi biên chế và tổ chức chưa tương xứng.
Lực lượng cán bộ chuyên môn thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư của các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã còn mỏng, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công tác này.
- Theo Lê Minh (2012) [11], Công tác GPMB ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, lý do:
Cơ chế chính sách, pháp luật về đền bù GPMB còn nhiều bất cập và chậm thay đổi. Cụ thể là giá đất đền bù theo quy định thường thấp hơn giá thị trường từ 2 -3 lần, giá bồi thường vật kiến trúc, nhà cửa, cây cối, tài sản trên đất hiện thấp hơn giá thị trường 20%. Chính sách áp giá đền bù không thống nhất giữa các công trình khiến nhiều hộ dân không đồng tình. Các quy định về đền bù, hỗ trợ, cấp đất tái định cư (TĐC) đối với các hộ dân bị thu hồi nhiều đất, hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, đông con, hộ gia đình ở vị trí thuận lợi chưa phù hợp, thỏa đáng.
Quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn luôn lập dự toán đền bù GPMB thấp hơn so với thực tế nên khi triển khai phải điều chỉnh lại. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong GPMB chưa thường xuyên, tích cực và thiếu sự chủ động.
Bên cạnh đó, việc thiếu khu TĐC, các khu TĐC này được thiết kế với vị trí chưa tương xứng với vị trí hiện tại của các hộ dân bị thu hồi đất khiến nhiều hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng khiến công tác GPMB thêm phần khó khăn.
Mặt khác, một bộ phận nhân dân thiếu hợp tác, cá biệt có trường hợp lôi kéo các hộ dân khác không đồng tình với chính sách của nhà nước theo ý chí chủ quan của mình. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, đặc biệt là thiếu năng lực, kinh nghiệm trong vận động, thuyết phục, đối thoại với nhân dân.
Chương 2