3.1. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Vân Đồn
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý.
Vân Đồn là một huyện miền núi hải đảo nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, được hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu và Vân Hải, có khoảng 600 hòn đảo trong vịnh Bái Tử Long. Với toạ độ địa lý.
Từ 20040’ đến 21012’ Vĩ độ bắc
Từ 107015’ đến 1070 42’ Kinh độ đông
Phía Bắc giáp huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, phía Đông giáp huyện đảo Cô Tô, phía Nam giáp thành phố Hạ Long, phía tây giáp thành phố Cẩm Phả.
Hình 3. 1: Sơ đồ địa giới hành chính huyện Vân Đồn
Huyện Vân Đồn là khu kinh tế đặc biệt theo diện tích thống kê năm 2015 có tổng diện tích đất tự nhiên là 58.183,28 ha (đây là diện tích nổi) gồm thị trấn Cái Rồng và 11 xã trong đó có 5 xã đảo (Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi).
Hình 3. 2: Vị trí huyện Vân Đồn trong tỉnh Quảng Ninh Thị trấn Cái Rồng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Vân Đồn nằm cách thành phố Hạ Long 50 km về phía Đông và cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái theo khoảng 80 km. Huyện có tỉnh lộ 334 chạy qua và cảng biển tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giao lưu hàng hoá với các khu vực trong cả nước và nước ngoài. Huyện Vân Đồn có tổng diện tích đất tự nhiên là 58.183,28 ha gồm thị trấn Cái Rồng và 11 xã trong đó có 5 xã đảo: Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi (UBND huyện Vân Đồn, 2013b).
3.1.1.2. Địa hình, địa mạo:
Vân Đồn có địa hình đa dạng và phức tạp, có nhiều đồi núi, chủ yếu là núi đá vôi độ cao từ 200 m - 300 m. Địa hình thấp dần từ phía đông xuống phía tây, độ cao trung bình từ 40 m so với mực nước biển, độ dốc trung bình 250
- Vùng núi trong đất liền có độ cao từ 100 đến 150 m so với mặt nước biển, bị chia cắt mạnh có độ dốc lớn (từ 18-250), thường bị xói mòn, rửa trôi làm giảm độ phì của đất, nhất là những nơi có ruộng bậc thang nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
- Địa hình trên biển đa dạng có nhiều hòn đảo khác nhau, như đảo đá vôi có vách đứng, đỉnh hình răng cưa, sườn dốc có nơi thấp thoải tuỳ thuộc vào sự bào mòn của nước mưa. Đảo Cái Bầu cao về phía Đông Nam, thấp về phía Bắc, có đỉnh núi cao như: Nàng Tiên cao 450,0 m, Vạn Hoa cao 397,0 m, Bằng Thông cao 366,0 m, Cái Đài cao 302,0 m.
Vân Đồn là huyện miền núi hải đảo bị chi phối bởi khí hậu duyên hải, ảnh hưởng và tác động của biển, tạo ra những vùng sinh thái hỗn hợp miền núi ven biển. Theo tài liệu số liệu của trạm dự báo khí tượng thuỷ văn ở khu vực Cửa Ông, Cẩm Phả thì Vân Đồn có những đặc trưng như sau:
- Nhiệt độ trung bình hàng năm đạt 23,3 oC, Ở những vùng thấp dưới 150,0 m có nhiệt độ trung bình là 23,80C, vùng trên 150,0 m nhiệt độ trung bình 23,0 0C, nhiệt độ tối cao tuyệt đối lên tới 36,20C, về mùa đông nhiệt độ tối thấp tuyệt đối đạt 40C.
- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 84%. Sự chênh lệch độ ẩm giữa các vùng trong huyện không lớn lắm nhưng có sự phân hoá theo mùa khá rõ rệt.
Vào mùa mưa độ ẩm không khí đạt tới 90%, về mùa khô thấp nhất đạt 78% vào tháng 12.
- Nắng ở Vân Đồn tương đối cao, trung bình số giờ nắng dao động từ 1600 đến 1700 h/năm, nắng tập trung từ tháng 5 đến tháng 11.
- Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2095,30 – 2339,50 mm/năm, mưa phân theo 2 mùa rõ rệt:
+ Mùa mưa nhiều: Kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, lượng mưa tập trung chiếm 83-86% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 8.
+ Mùa mưa ít: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa nhỏ chỉ chiếm 14
- 17% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 1.
- Vân Đồn thịnh hành 2 loại gió chính là gió Đông bắc và gió Đông nam:
+ Gió Đông bắc: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau thịnh hành là gió bắc và gió đông bắc, tốc độ gió từ 2 - 4 m/s. Gió mùa đông bắc tràn về theo đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 đến 5 ngày, trong những đợt gió mùa đông bắc đạt tới cấp 5, cấp 6, ngoài khơi cấp 7 đến cấp 9. Đặc biệt gió mùa đông bắc tràn về thường lạnh, giá rét, ảnh hưởng đến mùa màng, gia súc và sức khoẻ con người.
+ Gió Đông nam: Thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 9, gió thổi từ biển vào mang theo nhiều hơi nước tạo nên không khí thoáng mát. Tốc độ gió trung bình từ 2- 4 m/s.
- Bão:
Vân Đồn là huyện miền núi hải đảo nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển vào. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10, tốc độ gió từ 20 –
40 m/s, bão thường kèm theo mưa nhiều gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Sương muối.
Về mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp hay xuất hiện sương muối gây thiệt hại trực tiếp đến hoa mầu và một số loại cây trồng. Sương muối thường xuất hiện vào tháng 1, tháng 2 và kéo dài mỗi đợt từ 1 đến 3 ngày. Đặc biệt ở Vân Đồn vào tháng
2 đến tháng 4 thường xuất hiện sương mù gây ảnh hưởng tới giao thông trên biển.
Nhìn chung khí hậu Vân Đồn có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông, lâm - ngư nghiệp, với số giờ nắng, lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ không khí đảm bảo cho cây trồng vật nuôi phát triển quanh năm với nhiều giống loài đa dạng. Tuy nhiên do địa hình bị chia cắt bằng nước biển nên ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của nhân dân.
* Hải văn: Chế độ thuỷ triều ở Vân Đồn là chế độ nhật triều thuần nhất, trong một ngày đêm mực nước giao động khá đều đặn. Trong một tháng số lần nhật triều chiếm 26-28 ngày, càng lên phía bắc độ lớn thuỷ triều càng tăng và ngược lại về phía nam thuỷ triều giảm. Triều mạnh trong năm thường vào các tháng I, VI, VII, XII, triều yếu vào các tháng III, IV, VIII, IX, tốc độ dòng triều xấp xỉ 1m/s.
* Thuỷ Văn: Vân Đồn có tổng số 26 hồ chứa nước, đập dâng; trong đó có một số đập khá lớn nằm ở các xã như sau:
- Hồ đập Khe Mai xã Đoàn Kết có diện tích trên 26,0 ha - Đập Khe Bòng xã Bình Dân có diện tích trên 4,0 ha - Đập Vòng Tre xã Đài Xuyên có diện tích trên 12,0 ha - Đập Lòng Dinh xã Quan Lạn có diện tích khoảng 25,0 ha - Đập Cẩu Lẩu xã Ngọc Vừng có diện tích trên 10,0 ha.
Vân Đồn là huyện ít sông suối, chỉ có 1con sông lớn là sông Voi Lớn có chiều dài 18 km. Hệ thống sông suối ở Vân Đồn thường nhỏ, ngắn và dốc. Chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển.
Hệ thống hồ đập, sông suối ở Vân Đồn thường thiếu nước về mùa khô cho nên có ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người.
3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên:
Tài nguyên đất
Đất đai Vân Đồn được đánh giá, điều tra, phân loại theo tài liệu phân hạng đất năm 2005 của Viện điều tra quy hoạch và thiết kế nông nghiệp như sau:
*Nhóm đất cát (C) Diện tích 5.653,66 ha gồm có:
- Bãi cát ven sông, biển; thường nằm sát mép nước và cửa sông ngòi bãi biển thuộc các xã như: Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen, Hạ Long, Đông Xá, Vạn Yên, với diện tích trên 4.525,06 ha.
- Đất cồn cát trắng vàng điển hình; Phân bố nhiều ở các xã đảo: Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn, có chất lượng tốt làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thuỷ tinh... diện tích 574,0 ha.
- Đất cát biển điển hình; Diện tích 554,60 ha, được phân bố ở các xã ven biển:
Hạ Long, Đông Xá, Đài Xuyên, Bình Dân, Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn, là loại đất do quá trình sóng biển thuỷ triều xô đẩy đọng lại khi biển lùi dần tạo thành những bãi cát ven biển.
*Nhóm đất mặn (M):
Có diện tích khoảng 4.533,41 ha, là loại đất được hình thành do sản phẩm của sông biển bồi tụ, bị nước biển xâm nhập nên bị mặn đồng thời trong lòng đất có xác động vật, rễ sú vẹt thối mục thải ra các khí CH2 pH3 H2S, a xít hữu cơ làm cho đất bị nhiễm mặn và chua.
*Nhóm đất phèn (S ):
Phân bố hầu hết trên địa bàn huyện có diện tích 85,70 ha, loại đất này có phản ứng rất chua (pHKCl < 4 ở tất cả các tầng đất), hàm lượng hữu cơ ở tầng mặt khá, càng xuống sâu hàm lượng hữu cơ càng giảm.
*Nhóm đất phù sa (P):
Đất phù sa là những dải đất hẹp chạy dọc theo bờ sông, có diện tích khoảng 76,20 ha chiếm 0,14% diện tích tự nhiên của Huyện, đây là đất phù sa không được bồi ở khu vực Đài Xuyên, Bình Dân, Đoàn Kết.
*Nhóm đất xám (X ):
Đất xám hình thành và phát triển chủ yếu trên phù sa cổ, đất cát, hầu hết nằm
ở địa hình vùng đồi núi có độ cao từ 25 m- 175 m, địa hình dốc thoải là loại đất phát triển trên phiến thạch sét, đá sa thạch, đá lẫn sa thạch. Diện tích 443,10 ha, ở hầu hết các xã trong huyện, được phân theo 2 loại đất sau:
- Đất xám điển hình (xh) có diện tích 150,30 ha.
- Đất xám glây (xg) có diện tích 292,38 ha.
*Nhóm đất nâu tím (N):
Loại đất này có phản ứng chua (pHKCl :4,4 ở tầng mặt). Hàm lượng chất hữu cơ ở tầng mặt giàu nhưng rất nghèo ở tầng dưới, diện tích 3.748,70 ha chiếm 6,8%
diện tích tự nhiên của Huyện, được phân bố ở các xã như: Đài Xuyên, Bình Dân, Đoàn Kết, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá.
*Nhóm đất vàng đỏ (F):
Phân bố ở những dải núi có độ cao từ 175.0 m trở lên với diện tích 34.081,32 ha, nằm ở các xã: Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá, Bản Sen, Ngọc Vừng...
Đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, đất bị xói mòn rửa trôi mạnh. Loại đất này có ở vùng núi cao và có độ dốc lớn >100 nên phù hợp với trồng rừng phòng hộ và khoanh nuôi bảo vệ rừng đầu nguồn.
*Nhóm đất nhân tác:
Đất hình thành do tác động của con người trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là các ruộng bậc thang, diện tích có 52,10 ha. Đất có sự thay đổi về chế độ nhiệt, chế độ không khí, chế độ nước, chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên đây là loại đất tốt ở địa hình bằng thoải, hầu hết có độ phì nhiêu khá cao.
Tài nguyên nước:
- Nguồn nước mặt: Lượng nước ở Vân Đồn do địa hình chia cắt thành các đảo nên sông suối rất ít, dòng chảy nhỏ, mùa mưa chiếm 75-85% lượng mưa cả năm.
Cho nên lượng nước mặt ở Vân Đồn chủ yếu là nước mưa và nước ở các hồ chứa bao gồm các hồ đập: Vòng Tre, Khe Bòng, Khe Mai,...
- Nguồn nước ngầm tương đối phong phú với trữ lượng đã tìm kiếm thăm dò tại khu vực Kế Bào khoảng 14.200 m3/ngày đêm, có nơi đào khoảng 3- 4 m đã đến mạch nước ngầm. Hiện tại cũng như trong tương lai nước ngầm là nguồn nước sạch chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tài nguyên rừng và thảm thực vật:
*Tài nguyên rừng
Là huyện miền núi hải đảo nên có diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn chiếm khoảng trên 53% diện tích tự nhiên của huyện.
Rừng ở đây phong phú về nhiều chủng loại, đặc biệt vườn Quốc gia Bái Tử Long gồm những khu rừng nguyên sinh quý giá như; rừng Bãi Dài, rừng trâm Minh Châu, rừng Ba Mùn...
Rừng Vân Đồn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan sinh thái hấp dẫn thu hút khách đến du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng.
*Thảm thực vật:
- Vùng đồi núi có hệ sinh thái đa dạng đã hình thành và phát triển một thảm thực vật phong phú có nhiều lớp thực vật sinh trưởng và phát triển. Do sự can thiệp
của con người trong quá trình khai thác rừng trước đây đã làm cho thảm thực vật dần bị cạn kiệt. Đến nay được sự quan tâm bảo vệ của các cấp chính quyền nên các thảm thực vật đang ở giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh
- Vùng đất bằng: Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thảm thực vật chủ yếu là các loại cây trong nhóm nông nghiệp phục vụ nhu cầu về lương thực, nhờ có sản xuất nông nghiệp mà vùng này luôn được thay đổi làm cho thảm thực vật trở nên phong phú và đa dạng.
- Vùng cửa sông, ven biển: Thảm thực vật chủ yếu là thông, phi lao và cây sú, vẹt ngập mặn, trong lòng sông chủ yếu là rong tảo sinh sống, đây là vùng chịu nhiều tác động của con người trong quá trình khai thác sử dụng tài nguyên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, nhất là môi trường nước.
Tài nguyên biển
Vân Đồn có thềm lục địa rộng lớn 1,620.83 km2 (gấp 3 lần diện tích đất nổi của Huyện) nằm trong vịnh Bái Tử Long, có nhiều vũng vịnh, bãi triều ven biển và rừng ngập mặn tạo nên nguồn lợi thủy, hải sản khá phong phú như: Mực ống, tôm, cua, cá, nhuyễn thể, bào ngư, ốc biển, ngọc trai... có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Tập trung nhiều ở vùng quần đảo Vân Hải, khả năng cho phép khai thác hàng năm từ 10-15 ngàn tấn; trong đó khai thác cá nổi khoảng từ 7- 9 ngàn tấn/năm.
Ngoài những loài hải sản quý hiếm có giá trị trên biển Vân Đồn còn có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trong vịnh Bái Tử Long với những hang động kỳ thú, tiếp giáp với Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận tạo lên Tour du lịch biển hấp dẫn thu hút cho du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Tài nguyên du lịch:
Vân Đồn là một quần đảo nằm giữa đảo Cô Tô và vịnh Hạ Long có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ với những hình thù đa dạng tạo nên một vẻ đẹp huyền diệu, thêm vào đó sự hấp dẫn bởi các làng đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen... với những bãi cát dài phẳng, sạch đẹp rất thích hợp cho việc tắm biển, lướt ván. Ở đây còn có các di tích lịch sử khảo cổ như trên đảo Quan Lạn có Nghè thờ Trần Khánh Dư uy nghiêm, khu mộ cổ thôn Đá Bạc ở đảo Minh Châu.
Khu Thương Cảng sầm uất đầu tiên của nước ta cách đây hàng ngàn năm nằm
trong vịnh Bãi Tử Long thơ mộng bên cạnh vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Vân Đồn được xếp vào một trong 4 trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Ninh, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhiều lượt khách du lịch đến với Vân Đồn thăm quan nghỉ mát tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và được biết thêm về mảnh đất lịch sử mà cha ông ta ghi lại trong các thời kỳ chống giặc ngoại xâm bảo vệ và xây dựng đất nước xưa và nay.
Tài nguyên nhân văn
Địa danh huyện Vân Đồn được hình thành và biết đến từ thời vua Hùng Vương 279- 258 TCN thuộc Bộ Ninh Hải, nước Văn Lang, qua các thời nhà Thục, Triệu, Đinh, Lý, Trần....đến nay đã trải qua biết bao biến cố của lịch sử và được đổi thành rất nhiều tên, nhân dân các dân tộc trên huyện đảo Vân Đồn giàu lòng yêu nước được ghi thành những trang sử vẻ vang trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và cải tạo thiên nhiên xây dựng đất nước. Năm 1938 các nhà Khảo cổ học Thụy Điển, Pháp đã có những công trình nghiên cứu đầu tiên về di chỉ Ngọc Vừng, sau đó là di chỉ hang Soi Nhụ. Những năm thập niên 60-70 các nhà Khảo cổ sử học Việt Nam lại tiếp tục nghiên cứu chứng minh Vân Đồn là địa bàn cư trú của người Việt cổ thuộc thời đại đồ đá mới.
Khu vực Thương Cảng Vân Đồn là một Thương Cảng cổ xưa nhất của Việt Nam đã hình thành và phát triển phồn thịnh hàng mấy trăm năm suốt từ thời Lý (1149) đến thời Trần, Lê, Mạc… Đến nay dấu tích của Thương Cảng này còn rất phong phú, tồn tại ở các vùng đảo Cống Đông, Cống Tây, Hải Vân, Quan Lạn... và những địa danh như bến thuyền cổ Cống Đông, Cái Làng, Con Qui, Cái Cống, Cống Yên, Cống Cái, Cống Hẹp... đều được ghi vào lịch sử. Các nhà Khảo cổ học còn phát hiện hàng vạn mảnh gốm sứ đặc trưng cho các thời kỳ; nhà Lý, Trần, Lê, Mạc...đã chứng minh sự thật về sự tồn tại sầm uất của một Thương Cảng Vân Đồn xưa trải qua hàng ngàn năm, số người đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất biển Vân Đồn ngày càng thêm đông đúc và lập lên các làng mạc trù phú mang đậm bản sắc văn hoá của vùng biển đảo.
Tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng: