CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ NGHIỆP VỤ HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2 HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2.6 Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của
a) Khách hàng: Tâm lý và thói quen thích sử dụng tiền mặt của khách hàng là rào cản khiến huy động vốn từ khách hàng cá nhân gặp khó khăn. Việt Nam là một đất nước đông dân đồng thời cũng là thị trường tiềm năng để các Ngân hàng thu hút tiền gửi. Vì vậy, Ngân hàng cần phải có những chính sách, chủ trương, chiến lược phù hợp để khai thác tốt nhóm khách hàng này.
b) Môi trường kinh tế - xã hội: Hoạt động của NHTM nằm trong hoạt động kinh tế chung của đất nước, vì thế mọi sự thay đổi về nền kinh tế - xã hội đều có ảnh hưởng đến hoạt động của NHTM.
Tốc độ phát triển kinh tế ảnh hưởng đến mọi cá nhân, tổ chức. Kinh tế tăng trưởng cao, ổn định trong thời gian dài tạo điều kiện đời sống người dân được nâng cao, tích lũy được nhiều hơn là cơ sở để NHTM huy động vốn được nhiều hơn.
Ngược lại, nền kinh tế trì trệ khiến đời sống người dân gặp khó khăn thì lượng vốn huy động của NHTM cũng bị thu hẹp.
Một yếu tố khác của môi trường vĩ mô cũng tác động lớn đến hoạt động huy động vốn của NHTM là lạm phát. Khi lạm phát cao, người dân sẽ không tiếp tục gửi tiền vì lo sợ mất giá. Vì vậy, để đối phó với lạm phát, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương thực thi các chính sách vĩ mô trong khi NHTM tính toán và điều chỉnh lãi suất sao cho phù hợp.
c) Môi trường pháp lý: Sự thay đổi các chính sách của Nhà nước về tài chính, tiền tệ, tín dụng, lãi suất sẽ ảnh hưởng đến khả năng hút vốn và chất lượng nguồn vốn của NHTM. Sự ổn định về chính trị hay chính sách ngoại giao cũng sẽ tác động đến nguồn vốn của NHTM với các quốc gia trên khu vực và trên thế giới.
1.2.6.2 Nhân tố chủ quan
Là những nhân tố tồn tại bên trong của Ngân hàng, là những nhân tố Ngân hàng có thể thay đổi.
a) Uy tín của Ngân hàng: Đối với hoạt động của Ngân hàng, uy tín là điều cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của một Ngân hàng. Uy tín của Ngân hàng thể hiện ở khả năng sẵn sàng thanh toán, chi trả cho khách hàng, thể hiện ở chất lượng hoạt động có hiệu quả của Ngân hàng. Chính vì vậy mà các NHTM phải không ngừng nâng cao và đảm bảo uy tín của mình trên thương trường, từ đó có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh, thu hút được nhiều nguồn tiền nhàn rỗi từ khách hàng. Ngoài ra, một Ngân hàng có bề dày lịch sử hoạt động cũng là một thế mạnh để thu hút khách hàng. Vì theo tâm lý khách hàng thì họ nghĩ rằng một Ngân hàng hoạt động lâu thì có thế lực, uy tín trên thị trường, có kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghiệp vụ và có khả năng thanh toán cao.
b) Chính sách lãi suất cạnh tranh: Bao gồm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đây là chính sách quan trọng của bất kì NHTM nào, nó đòi hỏi Ngân hàng phải có sự linh động vừa hấp dẫn người gửi vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng. Để duy trì và thu hút thêm nguồn vốn, Ngân hàng cần ấn định các mức lãi suất cạnh tranh, thực hiện những ưu đãi về giá cho các khách hàng lớn, gửi tiền thường xuyên. Tuy nhiên, hệ thống lãi suất cần linh hoạt, phù hợp với quy mô và cơ cấu nguồn vốn. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng cần phải chú ý nhiều đến lãi suất tiền vay để có hoạt động kinh doanh hợp lý, đem lại các khoản thu nhập cao cho Ngân hàng nhằm bù đắp được các khoản chi phí đã bỏ ra và mang lại lợi nhuận cho Ngân hàng.
c) Chính sách marketing: Đóng vai trò quan trọng đối với tất cả mọi ngành nghề trong mọi lĩnh vực và tất nhiên là không ngoại trừ ngành Ngân hàng.
Marketing tham gia vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế cơ bản của hoạt động kinh doanh Ngân hàng, là cầu nối gắn kết hoạt động của Ngân hàng với thị trường, góp phần tạo vị thế cạnh tranh cho Ngân hàng. Đặc biệt, trong hoạt động huy động vốn việc tuyên truyền, quảng cáo hình ảnh, thông tin của Ngân hàng cho mọi tầng lớp dân cư biết là điều cần thiết. Một Ngân hàng nếu có chính sách marketing mạnh sẽ giúp khuếch trương hình ảnh và củng cố vị thế của Ngân hàng trên thương trường.
d) Tổ chức nhân sự: Mặc dù trong thời đại hiện nay, các trang thiết bị, công nghệ ngày càng đổi mới nhưng vẫn không thể xóa bỏ được tầm quan trọng của con người. Con người vẫn luôn khẳng định vị trí trung tâm, vừa là chủ thể vừa là mục tiêu cuối cùng của các hoạt động kinh doanh. Việc chú trọng vào trình độ quản lý nhân sự, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tác phong thái độ phục vụ đối với khách hàng của các nhân viên sẽ góp phần xây dựng những hình ảnh đẹp của Ngân hàng trong mắt khách hàng, tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn từ khách hàng vì khách hàng không thể gửi tiền vào Ngân hàng mà họ không tin tưởng hay cảm thấy mình không được coi trọng và phục vụ tốt.
e) Công nghệ thông tin: Giữ vai trò không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Hệ thống công nghệ thông tin càng hiện đại thì càng phục vụ hữu ích cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức trong việc tìm kiếm, quản lý thông tin về khách hàng, thị trường cũng như toàn bộ Ngân hàng.
Tóm tắt chương 1
Trong chương 1, tác giả đã trình bày những cơ sở lý thuyết về Ngân hàng thương mại; đặc điểm, chức năng và các nghiệp vụ chủ yếu của Ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã trình bày khái quát về nguồn vốn, vai trò, sự cần thiết của việc huy động vốn đối với Ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường. Song song đó là các nghiệp vụ huy động vốn, hiệu quả huy động vốn cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của Ngân hàng thương mại.