CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.7. THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÂN TÍCH
Dựa vào kết quả nghiên cứu trên, hiệu quả hoạt động của NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2020 chịu tác động của các yếu tố sau: quy mô ngân hàng SIZE, tỷ lệ tiền
gửi DEP, quy mô vốn chủ sở hữu CAP, tỷ lệ nợ xấu NPL, tỷ lệ cho vay LOAN và tỷ lệ lạm phát INF. Tác giả tổng hợp được mối quan hệ giữa các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của NHTM cụ thể như sau:
Bảng 4.9. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu Biến
độc lập Kỳ vọng Kết quả
ROA ROE NIM
SIZE + + + +
DEP + - - Không có ý nghĩa
CAP + + Không có ý nghĩa +
NPL - - Không có ý nghĩa Không có ý nghĩa
LOAN + + + +
LIQ - Không có ý nghĩa Không có ý nghĩa Không có ý nghĩa GDP + Không có ý nghĩa Không có ý nghĩa Không có ý nghĩa
INF + + + +
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Quy mô ngân hàng – SIZE tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các
NHTM được đo lường bằng biến phụ thuộc ROA, ROE và NIM. Kết quả của cả ba mô hình cho thấy biến SIZE có ý nghĩa thống kê trên mô hình với mức ý nghĩa 1% tới ROA
và ROE và 5% tới NIM. Kết quả này thoả mãn với kỳ vọng mà tác giả đề ra và được ủng
hộ bới các nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng (2008), Derger Alper và Adem Anbar (2011), Gul, Irshad và Zaman (2011), Tze San Ong và Boon Heng The (2013), Noman và cộng sự (2015). Điều này cho thấy ngân hàng càng lớn thì tỷ suất sinh lời càng cao do năng lực cạnh tranh và khả năng ứng phó với rủi ro tốt hơn các ngân hàng nhỏ. Thực tế hiện nay các NHTM Việt Nam sở hữu quy mô lớn thường có nhiều chi nhánh nên có lợi thế hơn trong việc huy động nguồn vốn, phát triển các sản phẩm và dịch vụ, khả năng tiếp cận với khách hàng cao hơn, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của ngân hàng có quy mô lớn sẽ mạnh hơn
so với các ngân hàng có quy mô nhỏ, do đó việc gia tăng quy mô ngân hàng sẽ làm tăng
lợi nhuận của ngân hàng. Điển hình là khối NHTM có vốn nhà nước chiếm đa số như Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Tỷ lệ tiền gửi khách hàng – DEP có mối quan hệ ngược chiều với ROA, ROE và
có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 1%, nhưng không tìm thấy được tác động có ý nghĩa với biến phụ thuộc NIM. Kết quả này không trùng với dấu kỳ vọng của tác giả và cũng không phù hợp với các bài nghiên cứu trước đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tỷ lệ tiền gửi khách hàng tăng 1% thì tỷ suất sinh lời ROA giảm 1.65% và ROE giảm 14.6%. Điều này có nghĩa rằng khi có quá nhiều khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì áp lực trả
nợ của ngân hàng ngày càng cao trong khi nhu cầu tín dụng hiện nay của khách hàng thấp
và với tình hình dịch Covid-19 khiến cho các ngân hàng siết chặt tín dụng để hạn chế rủi
ro. Khi đó, doanh thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng giảm và chi phí không thay đổi dẫn đến lợi nhuận của ngân hàng giảm theo.
Quy mô vốn chủ sở hữu – CAP có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của
các NHTM Việt Nam đối với biến phụ thuộc ROA và NIM với cùng mức ý nghĩa thống
kê 1%, nhưng chưa tìm thấy được tác động có ý nghĩa với ROE. Điều này trùng khớp với
kỳ vọng của tác giả khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản càng cao thì hiệu quả hoạt động ngân hàng sẽ tăng lên. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng (2008), Syafi (2012), Tze San Ong và Boon Heng The (2013), Noman và cộng sự (2015), Hirindu Kawshala và cộng sự (2017). Trong giai đoạn này, các NHTM có xu hướng tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu để nâng cao khả năng chống chịu rủi ro tài chính, khai thác
cơ hội đầu tư và giảm chi phí phá sản nên khả năng sinh lời thể hiện qua ROA, NIM sẽ tăng lên. Tại Việt Nam, có thể thấy lượng vốn nắm giữ của ngân hàng là mối quan tâm hàng đầu của người gửi tiền, qua đó ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều hơn sẽ thu hút các khoản tiền gửi với lãi suất thấp hơn và ổn định hơn, tác động tích cực đến lợi nhuận. Nếu ngân hàng gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu bằng cách tăng vốn chủ sở hữu thì ngân hàng
sẽ tăng được nguồn vốn để cho vay mà không phải trả lãi suất do đó ngân hàng sẽ tiết kiệm được phần chi lãi suất tiền gửi và gia tăng doanh thu.
Tỷ lệ nợ xấu – NPL có kết quả tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động ngân
hàng theo mô hình ROA và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 10%, tuy nhiên, không
tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê thông qua mô hình ROE và NIM. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với dấu kỳ vọng của tác giả và kết quả các nghiên cứu trước của Nguyễn Việt Hùng (2008), Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013), Muhammad Ali (2016). Khi một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao đồng nghĩa với việc ngân hàng phải lên kế hoạch trích lập dự phòng lớn cho các khoản nợ này, đồng thời nợ xấu nhiều có thể dẫn đến rủi ro tín dụng cao và khả năng không thu hồi được nợ làm giảm đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.
Tỷ lệ cho vay – LOAN có tác động đáng kể đến hiệu quả lợi nhuận của các NHTM
Việt Nam. Qua kết quả nghiên cứu, có thể thấy tỷ lệ cho vay có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả hoạt động của các NHTM với biến phụ thuộc ROA, ROE và NIM và có ý nghĩa thống kê lần lượt là 5%, 5% và 1%. Điều này cho thấy nếu tỷ lệ cho vay tăng lên thì hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam sẽ tăng theo. Kết quả này trùng khớp với lỳ vọng ban đầu của tác giả và cũng tương đồng trong nghiên cứu của Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013), Nguyễn Công Tâm và Nguyễn Minh Hà (2012), Gul, Irshad và Zaman (2011). Có thể thấy, hoạt động cho vay được xem là một trong những hoạt động chính mang lại hiệu quả cho các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, khi ngân hàng gia tăng các khoản cho vay từ nguồn vốn huy động tức là hiệu quả sử dụng nguồn vốn được gia tăng từ
đó lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng theo.
Tỷ lệ lạm phát – INF có tương quan thuận chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh
của NHTM. Nghĩa là nếu tỷ lệ lạm phát tăng thì hiệu qủa hoạt động của các NHTM Việt Nam sẽ tăng lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lạm phát có ý nghĩa thống kê trong cả
ba mô hình ROA, ROE và NIM với mức ý nghĩa lần lượt là 10%, 10% và 1%. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng của tác giả và tương tự với kết quả nghiên cứu của Kosmidou và các công sự (2005), Gul, Irshad và Zaman (2011), Noman và cộng sự (2015), Serhat Yüksel
và cộng sự (2018). Điều này cũng có thể giải thích rằng khi nền kinh tế bị lạm phát cao khiến cho các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền gửi, trong khi lãi suất vẫn là nguồn thu nhập chính của các NHTM Việt Nam. Vì vậy, việc dự đoán trước sự thay đổi của tỷ lệ lạm phát sẽ giúp điều chỉnh mức lãi suất phù hợp, điều này có khả năng làm tăng doanh thu nhanh hơn chi phí, tăng khả năng sinh lời dẫn đến tăng hiệu quả hoạt động của NHTM.
Nhờ đó, các NHTM tại Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nền kinh tế với tỷ lệ lạm phát phù hợp ở Việt Nam.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Trong chương 4, tác giả đã lựa chọn mô hình phù hợp và phân tích tác động của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Việt Nam. Qua việc trình bày về thống
kê mô tả nghiên cứu, phân tích tương quan mô hình, kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, kiểm định hiện tượng phương sai thay đổi, kiểm định hiện tượng tự tương quan. Đồng thời, tác giả còn sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (GLS) để khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan, đảm bảo độ tin cậy cho kết quả nghiên cứu.
Kết quả hồi quy cho thấy mối tương quan giữa các yếu tố đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Việt Nam như sau: quy mô ngân hàng (SIZE), quy mô vốn chủ sở hữu (CAP), tỷ lệ cho vay (LOAN), tỷ lệ lạm phát (INF) có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Bên cạnh đó, tiền gửi khách hàng (DEP) và tỷ lệ nợ xấu (NPL) ảnh hưởng ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả không tìm thấy ý nghĩa thống kê của yếu tố tỷ lệ thanh khoản (LIQ) và tốc
độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trong mô hình nghiên cứu này.
Dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu đạt được, tác giả sẽ đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam ở chương 5.