Dựa vào kết quả nghiên cứu thực nghiệm, tác giả đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp nhằm góp phần ổn định và gia tăng hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Việt Nam như sau:
Mở rộng quy mô ngân hàng
Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô ngân hàng tác động thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM, nghĩa là các ngân hàng sở hữu quy mô lớn thì lợi nhuận và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó càng tốt. Vì vậy, có thể gia tăng quy mô ngân hàng bằng cách gia tăng nguồn vốn. Ưu điểm của việc này là nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, gia tăng năng lực cạnh tranh cho ngân hàng và xây dựng lòng tin với khách hàng. Đồng thời, việc phát triển thêm các chi nhánh, phòng giao dịch ở những
vị trí chiến lược, khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp để tăng sự phổ biến của ngân hàng
đến với khách hàng. Đối với các ngân hàng lớn có khả năng tài chính mạnh có thể phát triển và mở rộng các chi nhánh, phòng giao dịch tại các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi mở rộng quy mô ngân hàng cần chú ý đến số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, tránh hiện tượng mở rộng mạng lưới quá nhiều nhưng số lượng và trình độ nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh kinh doanh. Khi ngân hàng tăng vốn sẽ có điều kiện thu hút và phát triển nguồn nhân lực, mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ, tiếp cận những kinh nghiệm quản trị kinh doanh theo chuẩn quốc tế.
Kiểm soát hoạt động tiền gửi của ngân hàng
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tiền gửi khách có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của các NHTM. Khi nhu cầu tín dụng thấp nhưng áp lực trả nợ của ngân hàng cao, ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất huy động để hạn chế lượng tiền gửi từ khách hàng vào ngân hàng, việc này giúp ngân hàng kiểm soát được tiền lãi phải trả cho khách hàng nhằm hạn chế chi phí phát sinh và góp phần duy trì, gia tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ giúp gia tăng doanh thu từ dịch vụ nhằm chi trả cho các khoản tiền lãi huy động. Từ đó hạn chế sự sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng do các chi phí lãi gây nên.
Nâng cao quy mô vốn chủ sở hữu
Theo kết quả nghiên cứu, quy mô vốn chủ sở hữu có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Vì vậy, để tăng vốn chủ sở hữu, các ngân hàng cần phải xây dựng cơ cấu tài chính hợp lý, đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn Basel II. Các ngân hàng có thể gia tăng nguồn vốn thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tuỳ vào điều kiện của mỗi ngân hàng, giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu và tăng cường quản lý rủi ro. Tuy đây là khoản mục tốn chi phí rất lớn trong hoạt động kinh doanh, nhưng nó có thể tiết kiệm được triệt để các chi phí quản lý như khoản chi phí lễ tân và tiếp khách. Ngoài ra, có thể phát hành thêm cổ phần trong nước và nước ngoài, tăng góp vốn từ các cổ đông chiến lược hoặc chủ động giữ lại lợi nhuận. Bên cạnh việc tăng quy mô vốn, ngân hàng phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, quản trị vốn tốt và tránh tình trạng dư thừ quá nhiều vốn không sinh lời.
Giảm tỷ lệ nợ xấu
Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa tỷ lệ nợ xấu và hiệu quả hoạt động của các NHTM. Do đó, ngân hàng cần thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu để giảm tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng và ngăn chặn nợ xấu phát sinh. Một trong các yếu tố gia tăng chất lượng tín dụng là nâng cao quá trình phân tích tín dụng , đảm bảo tính cụ thể, chính xác và thẩm định đúng quy định. Để đạt được điều đó, các NHTM cần nâng cao nghiệp vụ định giá tài sản, thẩm định, tiếp xúc từng đối tượng khách hàng một cách rành mạch và độc lập nhằm tránh những vi phạm đạo đức không đáng có, ngăn ngừa tình trạng
nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Ngoài ra, cần đánh giá khách hàng trước
và sau cho vay, nguyên nhân là bởi hiệu quả khách hàng cũng là hiệu quả của ngân hàng trong quá trình kinh doanh ngân hàng. Khi khách hàng kinh doanh có hiệu qủa thì mới có khả năng chi trả nợ cho ngân hàng đúng hạn (cả gốc lẫn lãi), từ đó sẽ không xảy ra nợ xấu. Thêm vào đó, ngân hàng nên đưa ra những biện pháp nhằm dự phòng những rủi ro khi nợ xấu xảy ra, thúc đẩy tiến độ bán và xử lý các tài sản bảo đảm của những khoản nợ xấu để thu hồi lại vốn. Khi xuất hiện khoản nợ phát sinh, NHTM cần rà soát những khoản vay, trao đổi và làm việc với khách hàng để đánh giá, phân tích thực trạng, từ đó tìm ra nguyên nhân và đưa ra những phương án xử lý nợ hợp lý.
Quản lý tỷ lệ cho vay
Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ cho vay tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM, nghĩa là để hiệu quả hoạt động ngân hàng tốt hơn cần phải tăng dư nợ cho vay. Ở hoạt động cho vay cá nhân, việc quảng bá rộng rãi, thiết kế những sản phẩm cho vay đa dạng, phù hợp với từng đối tượng giúp thu hút được lượng khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng cần tận dụng chính sách hỗ trợ của NHNN nhằm giúp khách hàng nhận được những ưu đãi góp phần tạo thiện cảm cũng như giữ được mối quan hệ lâu dài và trung thành với khách hàng. Với những khách hàng vay vốn giúp tạo ra khoản thu nhập phi lãi cho ngân hàng trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và những sản phẩm đi kèm. Đối với hoạt động cho vay doanh nghiệp, ngân hàng cần tìm ra một mức cho vay phù hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tư vấn cũng như hỗ trợ những doanh nghiệp
có phương án, dự án kinh doanh hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần xem xét đánh giá điều kiện nào không thể bỏ qua được
thì bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện, còn những chỉ tiêu không quá cấp thiết có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Lạm phát
Kết quả nghiên cứu cho thấy lạm phát có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Từ kết quả này có thể đưa ra một số kiến nghị cho Ngân hàng và Chính phủ.
Đối với các NHTM, đặc biệt là các nhà quản trị cần chú trọng đến việc dự báo lạm phát để có những bức tranh toàn cảnh, từ đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh thích hợp nhằm giữ vững và nâng cao hiệu qủa hoạt động ngân hàng. Việc dự báo tốt có thể điều chỉnh tốt lãi suất danh nghĩa cho các hoạt động cho vay và đi vay để đạt được lợi tức tốt hơn.
Đối với Chính phủ, cần đưa ra những chính sách điều hành hiệu quả lãi suất, tỷ giá
và thị trường tiện tệ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn dễ dàng, nâng cao quản lý ngân sách nhà nước; thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, Chính phủ nên có những chính sách cho vay ngoại tệ từ các NHTM để nhập khẩu mặt hàng công nghệ cao hay những mặt hàng trong nước chưa thể sản xuất, giám sát
kỹ lưỡng việc cho vay ngoại tệ từ các chủ thể trong nền kinh tế; thu hút nguồn tiền gửi từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc cho phép nguồn vốn không ổn định di chuyển tự do có thể làm tăng độ bất ổn tài chính. Chính vì thế, NHNN và Chính phủ nên thực hiện tốt công tác điều hành, dự báo thị trường, rút kinh nghiệm và học hỏi từ những hệ thống tài chính đi trước để một phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển.