CHƯƠNG 3: NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CỦA CPTPP ĐỐI VỚI VIỆT NAM
3.1. Tác động của cơ chế giải quyết tranh chấp CPTPP đối với Việt Nam
3.1.1. Cơ hội
Về cơ bản, quy trình giải quyết tranh chấp theo Cơ chế này gần giống với quy trình của Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước trong WTO bao gồm các bước: tham vấn, ban hội thẩm, cơ quan phúc thẩm và thực thi phán quyết của ban hội thẩm.
Một điểm mới trong hiệp định này đó là hiệp định cho phép sự tham gia của công chúng vào quá trình giải quyết tranh chấp. Cụ thể, công chúng được tiếp cận các văn bản
mà các bên đệ trình lên Ban hội thẩm cũng như Báo cáo cuối cùng của cơ quan này; được tham dự các phiên điều trần; các tổ chức phi chính phủ có thêm quyền được yêu cầu gửi các bình luận bằng văn bản cho Ban hội thẩm trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Đáng chú ý, các bên thứ ba là thành viên của hiệp định nhưng không phải là một trong hai bên tranh chấp được phép tham dự các phiên điều trần, gửi các bình luận bằng văn bản và thậm chí được trình bày quan điểm trực tiếp với Ban hội thẩm, được nhận các bản
đệ trình của các bên tranh chấp108.
Như vậy, các thành viên hiệp định nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều cơ hội được tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp nhằm đảm bảo quyền lợi đáng kể của mình liên quan đến vấn đề mà ban hội thẩm xem xét kể cả trong trường hợp tranh chấp không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba. Đây là điểm khác biệt so với cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Để kiểm soát việc thực thi phán quyết của thành viên, CPTPP thành lập Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương nhằm xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến việc thực thi và vận hành Hiệp định và Cơ chế giải quyết tranh tranh chấp cấp Nhà nước. Hội đồng đảm bảo việc thực thi các phán quyết đối với các bên tham gia tranh chấp tạo sự công bằng, minh bạch cho tất cả thành viên109.
108 Điều 28.13 CPTPP.
109 Tóm tắt Chương 28 - Giải quyết tranh chấp – VCCI.
Với ba cơ chế giải quyết tranh chấp bao gồm:
- Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước giữa các nước Thành viên CPTPP
- Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài
- Các nội dung liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp song phương
Các vụ tranh chấp sẽ được giải quyết theo các cơ chế đặc thù mang tính chuyên môn hóa cao, tạo được sự hiệu quả nhất định khi xử lý các vụ tranh chấp. Cụ thể, ở chương Lao động, trong Thư song phương giữa Việt Nam và 10 nước đối tác CPTPP, Việt Nam đạt được thỏa thuận bảo lưu riêng về thời hạn sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp cũng như cách thức sử dụng biện pháp trừng phạt trong một số tranh chấp lao động110. Nước ta sẽ có sự linh hoạt trong việc giải quyết tranh chấp đối với các quốc gia thành viên khác trong CPTPP để phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta.
So với các cơ chế đảm bảo thực thi của WTO thì các cơ chế đảm bảo thực thi trong hiệp định này đa dạng hơn và chặt chẽ hơn. Điều này tạo cho các nước thành viên CPTPP khả năng giám sát tốt hơn việc thực thi của các nước khác, đồng thời cũng đặt mỗi nước thành viên dưới sức ép phải thực thi đúng CPTPP. Điều này sẽ giúp Việt Nam được đảm bảo các quyền lợi mà chúng ta kỳ vọng trước khi tham gia vào CPTPP.
Đối với các doanh nghiệp của nước ta, nếu doanh nghiệp thấy một nước CPTPP nào không thực hiện đúng cam kết của họ trong CPTPP thì có thể thông báo ngay cho các
cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam để các cơ quan này xem xét và lựa chọn công
cụ can thiệp cần thiết, kịp thời nhằm đảm bảo lợi ích của Việt Nam theo hiệp định111.
Với cơ chế giải quyết tranh chấp của CPTPP, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để tham gia và đóng góp ý kiến với ban Hội thẩm trong các vụ tranh chấp. Từ đó có thể rút
ra được bài học kinh nghiệm trong việc thực thi các nghĩa vụ trong hiệp định này.
3.1.2. Thách thức
Bên cạnh những cơ hội mà CPTPP đem lại, Hiệp định này cũng đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong việc tiếp cận và thực thi cơ chế giải quyết tranh chấp của CPTPP.
Đối với chính phủ
110 Chương 19, CPTPP.
Thứ nhất, việc cải cách thể chế là một trong những thách thức lớn nhất đối với
Việt Nam khi ký kết CPTPP. Để phù hợp với những luật chơi mà CPTPP áp dụng, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp có những đặc điểm khác biệt như đã phân tích ở các phần trên thì yêu cầu về việc nâng cao hệ thống pháp lý quốc gia là cần thiết. Một trong những triết lý phù hợp với CPTPP là “triết lý mở”112, vì vậy làm sao để mở một cách hợp
lý, từ tư duy cho đến hành động là một bài toán khó với chính phủ.
Thứ hai, tiềm lực đất nước dành cho việc thay đổi cơ chế cũng là một vấn đề mà
chính phủ cần quan tâm. Tiềm lực ở đây được được thể hiện trên cả khía cạnh kinh tế và con người. Ngân sách dành cho việc nâng cấp và sửa đổi hệ thống pháp luật tương đối lớn, đòi hỏi sự cân đối giữa việc sửa đổi và phục vụ những nhu cầu khác của đất nước. Đồng thời với vấn đề về kinh tế, nhân lực dành cho việc cải cách cơ chế cũng đòi hỏi những người có chuyên môn và tầm nhìn sâu rộng, có khả năng dự đoán những bước đi của Việt Nam trong quá trình chuyển mình, hội nhập với CPTPP.
Thứ ba, quá trình sửa đổi phải đi đôi với quá trình đưa CPTPP vào đời sống thực
tiễn để doanh nghiệp, người lao động, nhà đầu tư,…có khả năng tiếp cận với những điểm mới, đặc biệt là những cơ chế mới trong giải quyết tranh chấp của CPTPP. Việc đưa CPTPP lại gần hơn với những hoạt động thực tế trong thương mại quốc tế cũng đòi hỏi một quá trình dài, song hành với việc cải cách để CPTPP từ từ trở thành một Hiệp định được áp dụng rộng rãi, tận dụng được những cơ hội phát triển và loại bỏ những thách thức còn tồn tại.
Đối với doanh nghiệp
Thứ nhất, khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn kém so với tiêu
chuẩn mà CPTPP đặt ra, công nghệ lạc hậu, công tác tổ chức sản xuất, kiểm soát thị trường,…của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước thành viên khác.113 Trong khi đó, CPTPP lại đặt ra các tiêu chuẩn cao về minh bạch hoá, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Nếu doanh nghiệp không chủ động tìm hiểu và thay đổi để phù hợp với những quy định của CPTPP thì cơ hội tiếp cận sẽ bị hạn chế và khả năng xảy
ra tranh chấp sẽ thường xuyên hơn. Việc không theo kịp một cơ chế mới rất dễ khiến
112 Thuỷ Tiên, “2 cơ hội chính với CPTPP và áp lực thay đổi tư duy của Chính phủ, doanh nghiệp”, Stockbiz, Ngày 03/05/2019, xem tại: https://www.stockbiz.vn/News/2019/5/3/721109/2-co-hoi-chinh-voi-cptpp-va-ap-luc- thay-doi-tu-duy-cua-chinh-phu-doanh-nghiep.aspx (truy cập ngày 22/11/2019).
113 Nguyễn Mạnh Hùng, “Cơ hội và thách thức với Việt Nam sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực”, Tạp chí tài chính, ngày 02/01/2019, xem tại: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/co-hoi-va-thach-thuc-voi-viet-nam- sau-khi-hiep-dinh-cptpp-co-hieu-luc-301336.html (truy cập ngày 22/11/2019).
doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị bất ngờ và dễ phạm sai lầm trong các giao dịch thương mại quốc tế, gây ra tranh chấp và khiến doanh nghiệp bị thiệt hại về nhiều mặt.
Thứ hai, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong
tính “mở” của Hiệp định. Khi CPTPP có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước phải đối diện với một phạm vi cạnh tranh rộng hơn, trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Cạnh tranh cũng diễn ra quyết liệt không chỉ ở các thị trường trong nước mà còn ở thị trường các nước thành viên trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi tư duy, nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân trên thị trường quốc tế thì khả năng bị lép vế, chịu áp lực lớn thậm chí ngay trên “sân nhà” của mình là rất lớn. Thêm vào đó, khi khả năng cạnh tranh trên thị trường yếu thì khi xảy ra các tranh chấp, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế, đặc biệt trong cơ chế giải quyết của CPTPP không bao gồm giai đoạn phúc thẩm.
Thứ ba, doanh nghiệp khó có thể trông chờ Chính phủ bỏ qua hoặc không thực
hiện một cam kết nào đó trong CPTPP để mang lại lợi ích của doanh nghiệp khi cần thiết bởi các cơ chế đảm bảo thực thi trong CPTPP đa dạng hơn và chặt chẽ hơn, từ đó tạo cho các nước thành viên CPTPP khả năng giám sát tốt hơn việc thực thi CPTPP của các nước khác, đồng thời cũng đặt mỗi nước CPTPP dưới sức ép phải thực thi đúng CPTPP. Ví dụ
về những quy định bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của CPTPP có tính bắt buộc cao, CPTPP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành khởi kiện ra cơ quan trọng tài quốc tế trong một số trường hợp khi quyền lợi của nhà đầu tư bị chính quyền nước sở tại xâm phạm trái với các tiêu chuẩn được hiệp định đặt ra, trong trường hợp nước nhận đầu tư bị thua kiện mà không tuân thủ phán quyết của trọng tài vẫn có cơ chế buộc nhà nước phải thực thi bản án. Theo đó, nhà nước nơi nhà đầu tư mang quốc tịch có quyền yêu cầu thành lập ban hội thẩm để xem xét việc không tuân thủ này. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với hệ thống cơ quan quản lý về đầu tư, kinh doanh của nước
ta.114
114 Tố Uyên, “CPTPP: Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài – thách thức lớn với Việt Nam”, Thời báo tài chính Việt Nam, Ngày 04/02/2019, xem tại: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-02-04/cptpp-co-che-