1.1. Lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền thời kỳ tiếp quản và khôi phục kinh tế (1954-1957)
1.1.2 Lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền các cấp phục vụ nhiệm vụ khôi phục kinh tế (1955-1957)
Ngay khi hoà bình lập lại, bên cạnh một loạt các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, Đảng đã chú trọng đến công tác chính quyền, coi công tác củng cố chính quyền nhân dân là một công tác cần thiết để củng cố miền Bắc. Nghị quyết của Bộ Chính trị họp từ ngày 5 đến 7-9-1954 đã nêu lên nhiệm vụ công tác chính quyền: đối với chính quyền thành thị, cần cải tổ và cải tạo qua những bước nhất định làm cho nó thực sự trở thành chính quyền của nhân dân. Đối với vùng nông thôn, bước đầu chỉnh đốn cơ sở chính quyền theo từng bước, chuẩn bị cho việc cải cách ruộng đất sau này [117, 293].
Tiếp đó, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy mở rộng (họp từ ngày 3 đến 12-3-1955) chỉ rõ phương hướng củng cố chính quyền
nhân dân: “một mặt phải tiếp tục kết hợp với phát động quần chúng cải cách
ruộng đất để chỉnh đốn chính quyền cấp xã và cấp huyện, làm cho chính quyền cấp xã thật sự là chính quyền của nông dân lao động, đồng thời chỉnh đốn và cải tạo từng bước chính quyền ở vùng mới giải phóng; xây dựng chính quyền ở các thành thị một cách vững vàng và rộng rãi. Làm cho các cơ quan chính quyền gần gũi quần chúng nhân dân hơn và kiên quyết dựa vào quần chúng để thi hành chính sách. Cải thiện quan hệ giữa Đảng và chính quyền
để đảm bảo những chính sách của Đảng được các cơ quan chính quyền thông suốt và chấp hành đúng, đảm bảo Đảng lãnh đạo chính quyền một cách chặt chẽ” [118, 213]. Việc xây dựng và củng cố chính quyền ở các thành thị mới
giải phóng “phải dựa vào công nhân và nhân dân lao động và phải tiêu biểu
cho các tầng lớp xã hội ở thành thị” [118, 147].
Ngày 9-11-1955, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 45-CT/TƯ về chỉnh đốn các cơ quan chỉ đạo cấp tỉnh trong cải cách ruộng đất. Mục đích làm cho
cơ quan này vững mạnh để chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất, phục hồi và phát triển kinh tế, xây dựng, củng cố miền Bắc, làm cơ sở cho đấu tranh thống nhất nước nhà. Phủ Thủ tướng ban hành Thông tư số 694-TTg ngày 11-2-
1956, về chỉnh đốn chính quyền huyện và tỉnh trong cải cách ruộng đất, Thông tư số 1155-TTg ngày 1-12-1956 về kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ các cấp tỉnh, huyện ở những nơi đã qua cải cách ruộng đất. Năm 1956, sau khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, để đảm bảo làm tốt công tác sửa chữa sai lầm, Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 1169/TTg ngày 8-12-1956 về việc kiện toàn chính quyền xã trong sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức [156, 430-433], nhằm hướng dẫn quy định việc tăng cường uy tín và năng lực của chính quyền xã,
đề bạt những cán bộ tốt vào uỷ ban.
Về thành phần Uỷ ban hành chính xã, vẫn áp dụng theo Thông tư số 314/TTg ngày 14-10-1953 của Thủ tướng Chính phủ: hơn nửa số uỷ viên phải
là bần cố nông, số còn lại là trung nông và người ở các tầng lớp khác. Nếu Chủ tịch là bần cố nông thì Phó chủ tịch là trung nông, hoặc ngược lại, nếu Chủ tịch là trung nông thì Phó chủ tịch là bần cố nông.
Về số lượng uỷ viên trong uỷ ban, áp dụng theo Thông tư số 557/TTg ngày 15-9-1955 do Thủ tướng Chính phủ ban hành: Tuỳ xã to hay nhỏ mà định số lượng uỷ viên trong ủy ban, có thể từ 5 đến 9 người. Về thành phần
Uỷ ban hành chính xã cũng giống như Thông tư số 314/TTg nhưng căn cứ vào tình hình thực tế ở nông thôn trong cải cách ruộng đất thì Thông tư số 1169/TTg quy định lại có thể 2/3 số uỷ viên trong uỷ ban là bần cố nông, 1/2
là trung nông và các thành phần lao động khác; Thông tư 1169/TTg còn quy định mỗi uỷ ban xã phải có ít nhất là một uỷ viên nữ và những vùng có nhiều dân tộc thì mỗi dân tộc sẽ có một uỷ viên trong uỷ ban xã. Đối với hội đồng nhân dân xã ở những nơi đã báo cáo và kiểm tra lại cải cách ruộng đất thì những uỷ viên trong các Uỷ ban hành chính cũ được phục hồi chức vụ, ai chưa có tên trong Hội đồng nhân dân thì đương nhiên coi như hội viên Hội đồng nhân dân.
Tháng 3-1957, trong Đề án kế hoạch tiếp tục kiện toàn bộ máy chính quyền, Bộ Nội vụ đã chỉ rõ cán bộ cần thấu suốt đường lối nông thôn của Đảng và Chính phủ trong việc kiện toàn chính quyền xã: “Dựa hẳn vào bần
cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, ngăn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới”
[89, 9].
Ngày 28-12-1957, Phủ Thủ tướng ra Thông tư số 634-TTg về tổ chức chính quyền thành phố nhằm ấn định điều lệ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn,
lề lối làm việc của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các thành phố trực thuộc Trung ương, để hướng dẫn Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng hoạt động [157, 1014-1016].
Đối với công tác bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, ngày 20-7-1957, Chính phủ ban hành Sắc luật số 004-SLt về bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp [148, 519]. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ra nghị định và thông tư, nêu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, phương châm lãnh đạo bầu cử… Ngày 28-9-1957, Ban chấp hành Trung ương
đã ra Chỉ thị số 52-CTTƯ về việc lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các thành phố. Theo đó, các cấp uỷ Đảng ở thành phố cần phân công cán bộ có năng lực phụ trách các cơ quan tổ chức bầu cử, nhất là Hội đồng bầu cử, và phải quan tâm lãnh đạo thường xuyên. Để giúp cấp uỷ Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác bầu cử, ở các thành phố sẽ thành lập các Ban lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính (Ban phụ trách bầu cử).
Trước tình hình thực tế của chính quyền Hà Nội, thực hiện đường lối chính sách của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà Nội chủ trương lãnh đạo củng
cố và xây dựng chính quyền vững mạnh nhằm đảm bảo việc thực hiện hai nhiệm vụ công tác chính yếu: phục hồi nền kinh tế thành phố nhằm mục đích chuyển một thành phố thuộc địa chủ yếu mang tính thương mại và tiêu thụ sang một thành phố có cơ cấu kinh tế phù hợp, từng bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và tích cực đấu tranh chống đế quốc Mỹ tiếp tục can thiệp vào Đông Dương, phá hoại đình chiến, chống bọn tay sai của chúng vi phạm hiệp định Giơnevơ và cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để củng cố hoà bình thực hiện thống nhất toàn quốc tiến lên hoàn thành độc lập và dân chủ.
Ngày 18-1-1955, Đảng bộ Hà Nội đã họp và ra Nghị quyết về nhiệm vụ công tác củng cố chính quyền nhân dân thành phố:
- Đề cao vai trò của Uỷ ban hành chính thành phố, đề nghị Trung ương
bổ sung thêm người vào Uỷ ban để Uỷ ban thiết thực phụ trách các ngành, cơ quan, tránh tình trạng việc to nhỏ đều qua Đảng uỷ.
- Chấn chỉnh bộ máy các công sở của thành phố, cải tiến dần lề lối làm việc ở công sở, sắp xếp điều chỉnh các nhân viên hợp lý làm cho bộ máy công sở hoạt động được mạnh mẽ để phục vụ cho công cuộc phục hồi Thủ đô [11, 19].
Đối với chính quyền các xã ngoại thành, Đảng bộ Hà Nội chủ trương kết hợp xây dựng Uỷ ban hành chính các xã trong công tác cải cách ruộng đất.
Đảng bộ nêu ra mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc xây dựng chính quyền xã nhằm: “Nâng cao nhận thức tư tưởng của cán bộ và nhân dân lao động về
chính quyền dân chủ nhân dân, làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ tính chất
và nhiệm vụ của chính quyền. Xây dựng Uỷ ban hành chính vững mạnh, trong sạch làm chỗ dựa vững chắc cho nông dân đấu tranh cải cách ruộng đất. Mỗi
uỷ ban có từ 5-7 uỷ viên, trong đó 2/3 là bần cố nông, 1/3 là trung nông và nhân dân lao động khác” [10, 1].
Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Thực hiện Thông tư số 1169/TTg ngày 8-12-1956 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-12-1956, Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội ra nghị quyết về việc củng
cố và kiện toàn tổ chức cấp xã trong thời gian sửa sai. Điều động thêm các đồng chí lãnh đạo về các quận ngoại thành để lãnh đạo công tác. Theo đó, đồng chí Nguyễn Xuân Bảy về nhận công tác ở quận V, đồng chí Nguyễn Lan (tức Hoàng Hiển) về nhận công tác ở quận VII. Tiếp đó, ngày 5-4-1957, Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội ra Thông tư số 110-VP/ĐBHN về việc kiện toàn chính quyền xã:
- Trong công tác cần chú trọng bồi dưỡng giúp đỡ dìu dắt cho cán bộ chính quyền xã để cán bộ chính quyền xã có thể đảm nhiệm công tác được tốt, chú trọng động viên, giải quyết, giúp đỡ đoàn kết nội bộ chính quyền, đồng thời giáo dục về chính sách và lề lối làm việc cho cán bộ chính quyền xã.
Chính quyền quận cần có những cuộc họp với chính quyền xã để rút kinh nghiệm công tác, giúp giải quyết những khó khăn trong công tác cho xã.
- Đối với những cán bộ không chịu công tác trong chính quyền xã, sau khi giáo dục nhiều mà không có biến chuyển tốt thì chính quyền quận xem xét nghiên cứu điều chỉnh công tác hoặc cho nghỉ việc. Đồng thời những Uỷ ban hành chính còn thiếu người thì cần bổ sung và điều chỉnh tuỳ theo điều kiện của từng nơi.
- Không thể quá chú trọng vào công tác sửa sai về thành phần và thi hành chính sách đền bù tài sản mà sao lãng việc tiếp tục kiện toàn tổ chức chính quyền xã [28, 19].
Bên cạnh đó, trong năm 1955, công tác xây dựng tổ chức chính quyền khu phố cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của nội thành. Nghị quyết nêu
rõ cần “nghiên cứu và quyết định cho xong việc phân định các khu phố, thành
lập Uỷ ban hành chính các khu phố” [11, 20].
Trong khi chờ đợi nghiên cứu được đầy đủ việc chia lại các khu phố mới, mà lại đang có nhiều công việc hành chính xã hội ở khu phố do nhân dân yêu cầu nhưng chưa có cơ quan nào đảm nhiệm, ngày 10-4-1955, Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội chủ trương thành lập các Ban đại diện chính quyền khu phố: 36 Ban đại diện chính quyền ở 36 khu phố cũ [12, 78].
Sau khi thành lập xong bộ máy tổ chức chính quyền khu phố, sẽ “tổ chức cách làm việc ở khu phố, tiến tới bỏ quận, giải quyết quan hệ lãnh đạo
và quan hệ phối hợp giữa Uỷ ban hành chính và các bộ phận của các ngành ở khu phố. Nghiên cứu sát nhập khu phố, cách cử Uỷ ban hành chính khu phố, chế độ làm việc, chế độ báo cáo, phương tiện làm việc để đảm bảo được mối quan hệ giữa Uỷ ban và nhân dân, giữa Uỷ ban hành chính khu phố và thành phố được chặt chẽ” [12, 78].
Ngày 9-5-1955, Uỷ ban hành chính thành phố ra quyết định số 291/HN/TCCB/QĐ về việc thành lập Ban đại diện chính quyền khu phố.
Nhiệm vụ của Ban đại diện chính quyền khu phố:
- Thị thực các giấy tờ (Sổ gia đình, thu thuế, về cư trú, khai sinh, khai tử…),
- Hoà giải các xích mích trong nhân dân khu phố,
- Làm công tác xã hội (vệ sinh, cứu tế…),
- Liên hệ phối hợp công tác với các đoàn thể, các tổ dân cư, các tổ chức quần chúng (Công an, tuyên truyền, thuế, y tế…) để vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ [168, 6].
Số lượng, thành phần của Ban đại diện chính quyền khu phố là từ 1-3 người, có thể là đảng viên, là quần chúng tốt, trong đó giữ lại khu trưởng cũ (nếu tương đối tốt và nhân dân không oán ghét). Đối với những khu trưởng cũ
mà không thể vào Ban đại diện chính quyền khu phố được thì tuỳ hoàn cảnh, tuỳ từng người mà thu xếp cho họ một công việc thích hợp.
Ngày 25-5-1955, Uỷ ban hành chính thành phố ra Thông tư số 4368- HN/TCCB/TT đổi tên Ban đại diện chính quyền khu phố thành Uỷ ban hành chính lâm thời khu phố, ở các xã ngoại thành gọi là Uỷ ban hành chính lâm thời xã [170, 7].
Nhân dân rất phấn khởi tin tưởng và tích cực tham gia ý kiến vào việc lựa chọn người đưa vào Ban đại diện. Ta đã lập được 43 Ban đại diện ở 36 khu phố nội thành và 7 xã ven nội (quận IV) gồm 117 uỷ viên trong đó có 48 công nhân [9, 24]. Ban đại diện thành lập đầu tiên thuộc quận II, ra mắt ngày 23-5-1955. Ban đại diện sau cùng là khu Văn Chương ra mắt ngày 1-7-1955 [164, 16-21]. Các Ban đại diện chính quyền đã giúp đỡ các Ban cán sự làm được một số công việc như tập hợp và vận động quần chúng thi hành các chủ trương chính sách và một số công việc về hành chính. Sau ngày 25-5-1955, các Ban đại diện chính quyền được đổi tên thành Uỷ ban hành chính lâm thời khu phố đối với nội thành và Uỷ ban hành chính lâm thời xã đối với quận IV ngoại thành.
Ngày 17-9-1955, Hội nghị Thường vụ Thành uỷ họp và ra Nghị quyết
về vấn đề phân chia lại địa giới các quận và khu phố. ở mỗi quận sẽ có một
Uỷ ban hành chính quận. ở khu phố vẫn giữ Uỷ ban hành chính lâm thời khu
phố, dưới đó sẽ tổ chức Ban đại diện dân phố, cứ 30-40 hộ thì thành lập tổ dân phố. ở xã ngoại thành sau khi lập xã thì có uỷ ban hành chính lâm thời xã.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Đảng bộ Hà Nội, để thuận lợi cho việc chỉ đạo các mặt công tác của thành phố, ngày 18-9-1955, Uỷ ban quân chính và Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội tạm thời chia lại các quận
và khu phố thuộc nội, ngoại thành. Theo đó, nội thành chia làm 4 quận, gồm quận I, quận II, quận III, quận IV với 36 khu phố. Bỏ cấp ngoại thành. 4 quận Quỳnh Lôi, Quảng Bá, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy thuộc ngoại thành trước đây được chia làm 3 quận, gồm quận V, quận VI, quận VII, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban quân chính và Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội.
Quận Gia Lâm gọi là quận VIII. Khu vực trên sông Hồng từ Chèm đến Khuyến Lương thành lập 1 quận riêng gồm 3 khu phố gọi là Quận Trên sông (quận IX, sau đổi tên là Khu đặc biệt trên sông). Các công việc về hành chính
và sự liên hệ giữa chính quyền với nhân dân trong phạm vi Quận Trên sông tạm thời uỷ nhiệm cho các Đoàn Hộ tịch thuộc Quận Trên sông phụ trách.
Sang năm 1956, qua công tác đăng ký hộ khẩu ở nội thành và cải cách ruộng đất ở ngoại thành, thấy có một số chỗ chưa hợp lý và thể theo nguyện vọng của nhân dân, Uỷ ban hành chính thành phố đã điều chỉnh lại địa giới một số khu phố và chia lại các xã ngoại thành và sát nhập Quận trên sông vào Quận VIII.
Uỷ ban hành chính thành phố là đơn vị chính quyền căn bản, là cơ quan chấp hành các chính sách của Đảng và Chính phủ trong phạm vi thành. Uỷ ban hành chính thành phố là tổ chức đảm bảo sự liên hệ mật thiết giữa chính quyền và nhân dân là một sự cần thiết không thể thiếu được. Để không làm giảm sự chỉ đạo tập trung và thống nhất của Uỷ ban hành chính thành phố, Đảng bộ Hà Nội đã chủ trương phân định quyền hạn và nhiệm vụ cho các cơ quan chính quyền ở quận và khu phố nhằm đảm bảo công tác chỉ đạo tập trung, thống nhất vào Uỷ ban hành chính thành phố.
Nhiệm vụ của Uỷ ban hành chính các quận Nội thành: Quán triệt chủ trương, chính sách của Chính phủ, đôn đốc cơ quan chính quyền cấp dưới, động viên nhân dân thi hành những chủ trương, chính sách của Chính phủ và của Uỷ ban hành chính thành phố, thực hiện những công tác văn hoá xã hội, đảm nhiệm một số công tác hành chính do Uỷ ban hành chính thành phố uỷ nhiệm. Uỷ ban hành chính quận có nhiệm vụ góp ý, đôn dốc công an quận, phối hợp với các ngành, động viên nhân dân thực hiện công tác trật tự trị an, hoà giải các vụ xích mích, quản lý các Ban đại diện dân phố, giúp Uỷ ban hành chính thành phố quản lý tất cả các Uỷ ban hành chính lâm thời khu phố
và các cán bộ công tác trực thuộc quận.
Nhiệm vụ của Uỷ ban hành chính lâm thời khu phố: truyền đạt những nhiệm vụ của nhân dân lên Uỷ ban hành chính cấp trên, điều hoà, phối hợp công tác trong phạm vi khu phố, tổ chức các cuộc họp thường kỳ và bất thường với các Ban đại diện để nghe báo cáo phản ánh tình hình thắc mắc của nhân dân, đôn đốc và giúp đỡ các Ban đại biểu dân phố làm nhiệm vụ [15, 4].
Nhiệm vụ của Ban đại diện dân phố: phản ánh tình hình thắc mắc của nhân dân lên Uỷ ban hành chính lâm thời khu phố, lãnh đạo trực tiếp các tổ dân phố.
Các tổ dân phố nằm trong hệ thống hành chính đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban đại diện dân phố. Các tổ trưởng dân phố chịu trách nhiệm chung đồng thời làm những việc do Ban đại diện dân phố giao cho, các tổ phó làm công tác bảo vệ trị an [20, 3].
Trong quá trình xây dựng chính quyền, nhân dân Thủ đô đã bầu cử trên
1 vạn đại biểu của mình vào các tổ dân phố, các Ban đại diện, Ban bảo vệ dân phố, các Uỷ ban hành chính lâm thời khu phố và các Uỷ ban hành chính lâm thời xã ngoại thành. Qua các cuộc học tập và bầu cử các Ban đại diện dân phố cũng như qua các ý kiến nhận xét về Uỷ ban hành chính lâm thời và Ban bảo
vệ khu phố, ý thức của nhân dân đối với chính quyền dân chủ nhân dân và các