Chương 3 Thành tựu, hạn chế chung
3.2 Một số kinh nghiệm chủ yếu và vấn đề đặt ra
3.2.1 Một số kinh nghiệm chủ yếu
Một trong những thành tựu quan trọng của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền trong những năm 1954-1965 là đã tích luỹ được những kinh nghiệm có giá trị có thể vận dụng được vào thực tiễn hiện nay.
- Một là, phải thường xuyên nhận thức đúng vai trò, vị trí của chính
quyền nhất là đối với địa bàn Thủ đô để thường xuyên quan tâm, lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền vững mạnh.
Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Chính quyền ở nơi nào cũng quan trọng nhưng đối với Thủ đô của một nước thì nó thực sự quan trọng hơn. Trong các mặt của chính quyền thì hệ thống tổ chức chính quyền lại là mặt có ý nghĩa quyết định đối với sự vững mạnh của chính quyền, sự phát triển của thành phố.
Thủ đô Hà Nội là nơi có địa bàn mấy lần co dãn, lúc thì thu hẹp về phía Nam, lúc thì mở rộng về phía Bắc, nên hệ thống tổ chức chính quyền cũng phải có sự điều chỉnh để phù hợp với địa bàn mới.
Nếu không có nhận thức đúng về vị trí của chính quyền thì khó có thể
đề ra được những chủ trương phù hợp nhằm xây dựng chính quyền vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Vả lại chính quyền Hà Nội không phải là chính quyền địa phương thông thường mà là chính quyền của Thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước, có quan hệ tới chính quyền của cả miền Bắc do đó phải nhận thức rõ vai trò, vị trí của nó để lãnh đạo xây dựng một chính quyền vững mạnh, thể hiện là chính quyền của Thủ đô.
- Hai là, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống chính quyền
gắn liền với nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của từng giai đoạn, phải phân cấp quản lý phù hợp.
Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là việc mà mỗi tổ chức chính quyền cần và phải làm. Và công việc đó không phải chỉ tiến hành trong một sớm một chiều, nó được tiến hành trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau. Đối với mỗi giai đoạn khác nhau, với những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, cần phải có sự củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức chính quyền vững mạnh đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới, có như thế mới đảm bảo sự phát triển của Thủ đô, của đất nước.
Với hệ thống tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội, cần phải có sự phân cấp quản lý phù hợp giữa cấp thành phố với cấp cơ sở, giữa nội và ngoại thành, tránh chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý theo những nguyên tắc chung nhưng cũng không nên dập khuôn cứng nhắc.
- Ba là, phải phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức chính quyền thông qua bầu cử dân chủ, phổ thông.
Chính quyền ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, nhân dân hoàn toàn có quyền trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức chính quyền.
Nhân dân có quyền thông qua bầu cử dân chủ, phổ thông tìm ra những người
ưu tú, có đủ điều kiện, được nhân dân tín nhiệm vào các chức vụ trong hệ thống chính quyền nhằm thực hiện các nhiệm vụ nhân dân giao phó.
Và vì thế, phải luôn phát huy vai trò của nhân dân trong việc kiện toàn
hệ thống tổ chức chính quyền, tôn trọng ý kiến của nhân dân trong mỗi lần thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý.
Thủ đô là nơi tập trung dân cư thuộc nhiều thành phần khác nhau ở các nơi. Trong đó có bộ phận dân cư có dân trí cao như trí thức, công chức, công nhân, cũng có những bộ phận dân cư nông nghiệp, nông thôn. Do đó việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền cũng cần đòi hỏi phải có các chủ trương, biện pháp thích hợp để phát huy quyền làm chủ của các bộ phận dân cư đó.
- Bốn là, phải quán triệt và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, đồng thời phải năng động bám sát vào hoàn cảnh, điều kiện, đặc điểm của Hà Nội.
Đặc điểm của chính quyền Hà Nội là chính quyền của Thủ đô, trái tim của cả nước nên nhiều vấn đề không do Đảng bộ Hà Nội có thể quyết định được mà phải đứng trên phương diện cả nước. Do đó phải thường xuyên tranh
thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.. Có như vậy thì Hà Nội mới hoàn thành được nhiệm vụ của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Đây là nét độc đáo và cũng là kinh nghiệm riêng của Hà Nội.
Là một địa phương, một thành phố, hệ thống tổ chức chính quyền Hà Nội cũng có những chức năng, nhiệm vụ bình thường như những tỉnh thành khác. Nhưng do hoàn cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng của Hà Nội nên sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội đối với việc xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền cũng có những nét riêng thích hợp với địa bàn của mình. Như có thời điểm hệ thống tổ chức chính quyền không có cấp phường ở nội thành, chỉ có cấp quận
và cấp khu phố; không có cấp quận ở ngoại thành, chỉ có cấp xã. Do đó phải
có sự sáng tạo mang tính địa phương riêng.