CHƯƠNG 2: CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU
2.2 Vấn đề rác thải
2.2.2 Ảnh hưởng rác thải tới xã hội
Rác thải sinh hoạt tại các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng rác thải sinh hoạt của cả nước, tăng từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019. Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý không đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ rác thải, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội.
Pháp luật về BVMT quy định việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp phải đảm bảo hợp vệ sinh, tuy nhiên, trên phạm vi cả nước chỉ có một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh
tại các đô thị lớn. Tất cả các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi đổ tạm trên cả nước đều chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định pháp luật, là nguồn gây ô nhiễm không khí với mùi hôi thối phát tán đến khu vực xung quanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của cư dân. Tuy nhiên, không chỉ các bãi lộ thiên, bãi đổ tạm gây ô nhiễm môi trường mà ngay cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng tồn tại nhiều vấn đề môi trường gây bức xúc.
Cả nước có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đến 2019 mới chỉ có 08 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Ảnh hưởng đến hoạt động sống của vi sinh vật biển.
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật khác trên trái đất, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là với sinh vật biển. Rác thải nhựa khi đổ ra biển sẽ gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học, làm chết các sinh vật biển nếu chúng không may bị mắc vào hoặc ăn phải.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính đã có hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa. Trong đó có hơn 260 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa, trong đó có cả những sinh vật to lớn như cá voi.
Tích tụ rác thải trong môi trường còn rất lớn.
Theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Môi trường thì: rác thải khi bị chôn lấp sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa nhỏ và nằm xen lẫn trong đất, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Còn rác thải ở trên rừng núi thì khi lẫn trong đất sẽ làm mất kết cấu đất, lâu dần dẫn đến giảm khả năng giữ nước gây ra xói mòn, sạt lở đất ở vùng núi.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, chất thải nhựa chiếm (8 -16%) chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nước ta. Việt Nam thuộc Top các quốc gia xả nhiều rác thải biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong đó túi nilon chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn.
Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon/năm. Riêng khu vực đô thị, nhựa là túi nilon chiếm khoảng 10,48 – 52,4 tấn/ngày. Chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần
Tái chế chất thải bị chi phối bởi khu vực không chính thức, các vật liệu tái chế được xử lý tại các làng nghề mà không có sự giám sát hoạt động xử lý phù hợp và gây ô nhiễm đáng kể và các mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe người lao động và môi trường.
Việt Nam có 2.800 làng nghề bao gồm không chỉ có những làng nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch mà còn nhiều làng nghề về hoạt động công nghiệp và những làng nghề chuyên tái chế tất cả các loại nhựa phế thải, kể cả từ rác thải.
Khu vực không chính thức thường thu gom những vật liệu tái chế có giá trị nhất trực tiếp từ các hộ gia đình và ở đường phố trước khi chất thải đi vào kênh thu gom chính thức. Khu vực không chính thức phân loại, đóng kiện và bán sản phẩm cho ngành công nghiệp chế biến, tái chế khoảng 10% chất thải rắn sinh hoạt. Việc chế biến các vật liệu tái chế chủ yếu được thực hiện ở các làng nghề mà không có quy định, giám sát và thực thi đúng đắn về quy trình tái chế thích hợp. Những hoạt động này dẫn đến ô nhiễm đáng kể về không khí, nước và đất và các mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe người lao động. Đồng thời, các làng nghề tạo ra số lượng việc làm đáng kể.
Nhận thức cộng đồng thấp, tiếp cận hạn chế với hệ thống thu gom rác thải và tái chế chính thức dẫn đến việc xả rác thải bất hợp pháp của các hộ gia đình vào các kênh, hồ và ruộng lúa, trên các bãi biển và vào đại dương. Các nhóm tình nguyện, các sáng kiến tăng cường sự tham gia của người dân để làm sạch thành phố và nâng cao ý thức về các vấn đề chất thải rắn đã được triển khai, nhưng vẫn chưa đủ để tránh được sự tích tụ chất thải và nhựa trong môi trường.
Ngay cả đối với chất thải được thu gom bởi chính quyền đô thị, phần lớn vẫn được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh và quản lý yếu kém, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để hướng tới các mục tiêu quản lý chất thải đã được phê duyệt, cần phải xây dựng quy hoạch/lộ trình mang tính thực tế để quản lý chất thải trong tương lai, có xét đến tính bền vững tài chính của cơ sở hạ tầng, khả năng chi trả, cải cách thể chế và pháp lý và tăng cường năng lực và nhận thức/tiếp cận cộng đồng. Với nhu cầu cải cách rộng như vậy, cần xác định nhu cầu về cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực, các
ưu tiên và lĩnh vực hành động, ngoài ra, và các cân nhắc về hiệu quả chi phí và tiêu chí chấp nhận của xã hội sẽ có vai trò trong quá trình ra quyết định.