PHÂN TÍCH KINH TẾ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh: Đánh giá hiệu quả đầu tư dự án khu dịch vụ hậu cần cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Trang 57 - 61)

Chương 6: PHÂN TÍCH KINH TẾ - XÃ HỘI

6.1. PHÂN TÍCH KINH TẾ

6.1.1. Phân tích hệ số chuyển đổi giá tài chính sang giá kinh tế

6.1.1.1. Xác định phí thưởng ngoại hối FEP

Theo nghiên cứu của Nguyễn Xuân Thành vào năm 2009, phí thưởng ngoại hối (FEP) của Việt Nam là 0,6% [11]. Do đó, đề tài giả định phí thưởng ngoại hối FEP bằng 0.6% và cố định trong suốt vòng đời dự án.

6.1.1.2. Xác định các chỉ số CF i

CFi là chỉ số được xác định dựa trên tỷ lệ giữa giá kinh tế và giá tài chính. Các chỉ số này được xác định để áp dụng trong tính toán phân tích kinh tế - xã hội như sau:

- Đối với chi phí bồi thường đất đai, giá đất kinh tế dựa vào giá thị trường. Giá đất tài chính căn cứ theo bảng giá đất do UBND thành phố Hồ Chí Minh phát hành. Đề tài giả định chỉ số CFi sử dụng trong tính toán là 1,3.

- Các thiết bị phục vụ cho khu dịch vụ hậu cần gồm những thiết bị đã sử dụng trước đây tại khu Cảng Sài Gòn được vận chuyển qua và một số thiết bị sẽ được đầu tư mới. Việc nhập khẩu thiết bị mới này sẽ được miễn thuế nhập khẩu do khuyến khích đầu tư theo công văn số 149/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Dựa theo phí thưởng ngoại hối FEP đã đề cập ở trên, đề tài giả định hệ số CFi của các thiết bị vận hành tại cảng là 1,006.

- Đối với chi phí bảo trì thiết bị, hệ số CFi được giả định bằng CFi của thiết bị vì đây là những khoản chi phí phát sinh chủ yếu từ các thiết bị và gắn liền với hoạt

44

động của thiết bị.

- Trong các nghiên cứu quy hoạch gần đây về ngành giao thông vận tải của Việt Nam và trong các báo cáo của JICA lập cho các dự án tại Việt Nam, hệ số CFi sử dụng là 0,85 trong phân tích kinh tế. Do đó, đối với các khoản chi phí liên quan đến đầu tư xây dựng và thiết bị của dự án như chi phí xây dựng, chi phí bảo hiểm, chi phí tư vấn quản lý, hệ số CFi được giả định là 0,85.

- Giá cước phí thu trong hoạt động dịch vụ là do Nhà nước quy định. Các khoản thu này sẽ bị trích một phần để nộp cho ngân sách Nhà nước. Do đó, giá kinh tế của cước phí thấp hơn so với giá tài chính của cước phí. Dựa vào phần trăm thu phí của Nhà nước, đề tài giả định hệ số chuyển đổi giá kinh tế CFi của cước phí là 0,85.

- Các khoản phí khác như khoản phải thu, khoản phải trả, thay đổi tiền mặt và các chi phí khác đều được giả định là 1.

Các hệ số CFi sử dụng trong tính toán được thể hiện trong Bảng 6.1.

Bảng 6.1: Các chỉ số CFi sử dụng trong phân tích kinh tế

TT Khoản mục CFi I Tổng ngân lưu vào

1 Giá cước phí 0,850

2 Thay đổi khoản phải thu 1,000

3 Thay đổi trong bảng cân đối tiền mặt 1,000

4 Giá trị thanh lý 1,000

II Tổng ngân lưu ra

1 Chi đầu tư

Đền bù giải tỏa 1,300

Xây dựng 0,850

Máy móc thiết bị 1,006

Tư vấn, quản lý 0,850

2 Chi phí vận hành

Bảo hiểm 0,850

Sữa chữa 1,006

Chi phí khác 1,000

3 Thuế TN doanh nghiệp 0,000

4 Thay đổi trong khoản phải trả 1,000

45

6.1.2. Phân tích ngoại tác tích cực và tiêu cực

Dự án khi đi vào hoạt động, Chủ đầu tư sẽ thu được lợi ích về tài chính, ngoài ra dự án sẽ đem lại lợi ích kinh tế xã hội cho khu Hiệp Phước huyện Nhà Bè nói riêng và khu vực thành phố Hồ Chí Minh nói chung, cụ thể như sau:

- Khu dịch vụ hậu cần sẽ là trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hoá, nơi hỗ trợ lưu giữ, bốc xếp và phân phối hàng hóa phục vụ cho Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và các cảng khác trong khu vực.

- Dự án sẽ tạo nền tảng để phát triển thành một chuỗi dịch vụ trọn gói như cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, phân phối với hàng loạt các dịch vụ vận tải, giao nhận…

- Dự án sẽ giúp giải phóng lượng hàng nhanh cho Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước và khu công nghiệp Hiệp Phước.

- Dịch vụ hậu cần phát triển thì các chủ hàng có thể sử dụng các cỡ tàu lớn với khối lượng hàng hóa nhiều nhằm giảm chi phí vận tải biển.

- Dịch vụ hậu cần phát triển sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mạnh hơn vào các Khu công nghiệp Hiệp Phước và vùng lân cận.

- Dự án sẽ đóng góp vào ngân sách cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế cho huyện Nhà Bè và thành phố Hồ Chí Minh.

- Tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, thu hút dân cư hình thành khu đô thị mới…

- Dịch vụ phát triển, tàu vào càng nhiều thì tạo nên các khoản lợi ích của các cơ quan liên quan như Nhà nước thu được từ phí trọng tải, Cục Hàng Hải Việt Nam thu được từ phí đảm bảo hàng hải, cảng vụ thu được phí thủ tục và công ty Hoa Tiêu thu được từ phí hoa tiêu.

- Tạo hiệu ứng lan truyền kích thích các ngành kinh tế khác phát triển như ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại…

46

- Sử dụng hiệu quả vùng đất ven sông Soài Rạp và tận dụng được ưu thế về điều kiện tự nhiên của sông vào phát triển kinh tế.

- Làm tăng giá trị sử dụng đất của các khu vực lân cận…

- Thúc đẩy tiến độ di dời khu Cảng Sài Gòn vốn đã bị trễ tiến độ so với kế hoạch đề ra là trước năm 2010.

Ngoài những ngoại tác tích cực đã nêu trên, dự án cũng gây ra một số ngoại tác tiêu cực như sau:

- Trong thời gian xây dựng:

+ Ảnh hưởng đến chất lượng không khí và tiếng ồn trong thời gian xây dựng do sự hoạt động của các phương tiện thiết bị xây dựng, khí thải độc từ các xe máy thiết bị xây dựng. Tuy nhiên những tác động này chỉ mang tính chất ngắn hạn sẽ giảm đi khi xây dựng xong.

+ Ảnh hưởng của vị trí Khu dịch vụ hậu cần: Việc xây dựng Khu dịch vụ hậu cần nhất thiết phải phá bỏ rừng dừa nước, và san lấp các đầm tôm nên ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến hiện trạng và công việc nuôi tôm cá của người dân xã Hiệp Phước.

Ảnh hưởng này không đáng kể vì thiệt hại do mất nguồn tôm không lớn.

+ Ảnh hưởng của công tác nạo vét: gây xáo trộn bùn cát đáy và thay đổi hình dáng tự nhiên của khu vực trước bến, do đó sẽ gây tác động đến chất lượng nước và đời sống thủy sinh.

- Trong thời gian hoạt động:

+ Ô nhiễm không khí do bụi và tiếng ồn do hoạt động bốc dỡ hàng hóa thường xuyên. Tuy nhiên các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, ảnh hưởng này có thể khống chế và tác hại chỉ mang tính cục bộ.

+ Ô nhiễm nước do nước thải: Sự hoạt động của Khu dịch vụ hậu cần Cảng Sài Gòn Hiệp Phước sẽ làm phát sinh nguồn nước thải có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Hai nguồn nước thải chủ yếu là: nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

47

+ Ô nhiễm sông do hoạt động nạo vét duy tu: việc nạo vét duy tu có thể gây tác động tới chất lượng nước, hệ sinh thái nước và đất. Các tác động này là rõ ràng, nhưng có tính cục bộ, tạm thời và có khả năng hạn chế được với các biện pháp quản lý thích hợp.

+ Ảnh hưởng tới hệ sinh thái do sự cố tràn dầu: Đối với một lưu vực có tiềm năng về giao thông, thủy sản và du lịch như sông Soài Rạp, sự cố tràn dầu nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường cho cả khu vực, trong đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân huyện Nhà Bè – Tp. Hồ Chí Minh.

6.1.3. Phân tích dòng tiền kinh tế

Ngân lưu kinh tế được lập từ các hạng mục với giá kinh tế bằng cách hiệu chỉnh giá tài chính trong ngân lưu tài chính theo các hệ số CFi.

Theo các nghiên cứu gần đây, chi phí vốn kinh tế thực áp dụng cho Việt Nam nằm trong khoảng 6,68% đến 8,24%/năm [12]. Vì vậy, chi phí vốn kinh tế thực đề tài sử dụng trong phân tích kinh tế là 8%/năm tương ứng với chi phí vốn kinh tế danh nghĩa là 17,72%/năm (với tỷ lệ lạm phát tính toán là 9,0%).

Kết quả phân tích kinh tế đạt giá trị hiện tại ròng NPV là 327,6 tỷ VND và suất thu lợi nội tại IRR là 12,02%. Do đó, có thể kết luận rằng dự án khả thi về mặt kinh tế.

Chi tiết ngân lưu kinh tế được trình bày trong Phụ lục III – Phân tích kinh tế-xã hội.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh: Đánh giá hiệu quả đầu tư dự án khu dịch vụ hậu cần cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)