Đánh giá hoạt động bảo hiến và khả năng ngăn chặn hành vi vi phạm Hiến Pháp ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Bảo vệ hiến pháp Ở trung quốc và giá trị tham khảo cho việt nam (Trang 29 - 34)

CHƯƠNG III: THỰC TRẠNG BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở VIỆT NAM VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO VỀ CƠ CHẾ BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở TRUNG QUỐC CHO VIỆT NAM

3.1. Thực trạng cơ chế bảo vệ hiến pháp ở Việt Nam

3.1.2. Đánh giá hoạt động bảo hiến và khả năng ngăn chặn hành vi vi phạm Hiến Pháp ở Việt Nam hiện nay

Từ việc phân tích các đặc điểm của hoạt động bảo hiến ở Việt Nam như trên,chúng ta có thể đánh giá về hoạt động bảo hiến của Việt Nam hiện nay như sau:

Chủ thể thực hiện chức năng giám sát Hiến pháp tuy có nhiều nhưng thiếu một cơ chế phân công trách nhiệm rõ ràng.

Hiến pháp giao cho Quốc hội quyền ban hành và sửa đổi Hiến pháp, các đạo luật, giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, cả Hiến pháp và pháp luật đều không quy định trách nhiệm phát sinh từ các văn bản pháp luật vi hiến do Quốc hội ban hành. Vị trí quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội bắt nguồn từ việc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan lập hiến, lập pháp, cơ quan giám sát tối cao. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt thể hiện bản chất nguồn gốc quyền lực nhà nước đặt ra ở đây là chưa thực sự rõ ràng ở mối quan hệ giữa quyền lực của Quốc hội với quyền lực của Hiến pháp.Trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước chịu sự ràng buộc bởi Hiến pháp,pháp luật, có nghĩa Quốc hội trong mối tương quan với Hiến pháp, phải tuân thủ quy định của Hiến pháp.

Hoạt động giám sát của Quốc hội ít có hiệu quả vì đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, không phải là chuyên gia pháp luật. Mặt khác, cơ chế hoạt động của Quốc hội không giống cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên trách tài phán vì thế không thật sự phù hợp với hoạt động tài phán.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu pháp lý cao nhất, trong đó ghi nhận quyền cơ bản của công dân nhưng trong thực tế sự nhận thức đầy đủ về hiệu lực áp dụng trực tiếp của Hiến pháp thì chưa có trong tư duy và trong hành động của công dân, của cán bộ nhà nước, cơ quan có thẩm quyền. Đối với công dân, khi quyền hiến định của mình bị vi phạm thì cũng chưa biết phải khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền vì quyền đó chưa được Hiến pháp quy định. Mặt khác, khi giải quyết các

khiếu kiện của công dân, kể cả khi xét xử hay trả lời khiếu nại, Tòa án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa bao giờ viện dẫn quy định của Hiến pháp làm căn cứ pháp lý mà chỉ xem các vụ việc đó có được quy định trong các văn bản luật hay không.

Như vậy, trong suy nghĩ và thực tiễn hành động cả công dân và chủ thể đều không đề cập đến quy định của Hiến pháp.

Việc xử lý hành vi vi phạm Hiến pháp hiện nay không đơn giản và mất nhiều thời gian. Nhiều cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp nhưng lại không có cơ chế để xử lý nhanh gọn, kịp thời, có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội.

Mặc dù, vấn đề bảo hiến đã được quan tâm từ bản Hiến pháp đầu tiên và từng bước được hoàn thiện trong các bản Hiến pháp tiếp theo đã phần nào hạn chế các hành vi vi hiến nhưng hoạt động bảo hiến của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế như sau:

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế giám sát và bảo vệ Hiến pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Cụ thể:

Một là, việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền mà không giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng bảo vệ Hiến pháp. Điều này dẫn đến tình trạng không xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan nên hoặc là đùn đẩy trách nhiệm hoặc chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giám sát và bảo vệ Hiến pháp;

Hai là, trong cơ chế bảo hiến của Việt Nam, Quốc hội là cơ quan có chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, nhưng trong quy định của Hiến pháp chưa có cơ chế giám sát bản thân Quốc hội một cách hữu hiệu nhằm bảo đảm cho chính Quốc hội làm đúng, làm đủ các quy định của Hiến pháp. Vì thế, cần phải bổ sung cơ chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của Quốc Hội, để bảo đảm cho mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước đều chịu sự giám sát. Phải thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực một cách khách quan, không nên chỉ sử dụng cơ chế tự kiểm soát. Đây là một đòi hỏi quan trọng của Nhà nước pháp quyền.

Ba là, việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp theo cơ chế hiện hành chủ yếu dựa vào việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, trong khi đó giám sát tối cao của Quốc hội phụ thuộc vào các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vì thế không tránh khỏi sự ỷ lại trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo hiến;

Bốn là, chúng ta chưa có một cơ chế hữu hiệu nào để giám sát chính hoạt động của Quốc hội và giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành cũng như việc giải quyết và hệ quả pháp lý trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có dấu hiệu trái với Hiến pháp. Mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và

các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ luật, nghị quyết của Quốc hội trái Hiến pháp”. Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc hội vẫn chưa bãi bỏ một văn bản luật, nghị quyết nào của mình với lý do văn bản đó trái Hiến pháp, mặc dù việc sửa đổi, bổ sung luật diễn ra liên tục hàng năm;

Năm là, thẩm quyền huỷ bỏ, đình chỉ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thực tiễn hầu như chưa được áp dụng. Hình thức kiến nghị thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự đem lại hiệu quả vì pháp luật chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật.

Sáu là, Hiến pháp Việt Nam không có hiệu lực áp dụng trực tiếp. Các cơ quan, tổ chức khi áp dụng pháp luật thường không viện dẫn quy định của Hiến pháp để giải quyết một vụ việc cụ thể, người dân cũng ít khi viện dẫn điều khoản của Hiến pháp để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm khi khởi kiện hoặc khiếu nại;

Bảy là, các quy định của pháp luật về giám sát và bảo vệ Hiến pháp còn thiếu, một số lĩnh vực còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, những quy định này lại nằm rải rác trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, từ Hiến pháp, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến nội quy, quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội…

Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giám sát và bảo vệ Hiến pháp.

Từ những hạn chế của hoạt động bảo hiến nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, hoạt động bảo hiến của Việt Nam hiện nay ít có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý đối với hành vi vi phạm Hiến pháp. Vì vậy, trong xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay xuất hiện nhu cầu xây dựng mô hình bảo hiến phù hợp với những điều kiện về chính trị, kinh tế, truyền thống của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Bảo vệ hiến pháp Ở trung quốc và giá trị tham khảo cho việt nam (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(45 trang)
w