Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

Một phần của tài liệu LV ThS Luật học - Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 51 - 60)

CHƯƠNG 2: THỰC TIỄN TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

2.4. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

Nguyên nhân khách quan

Một là, tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất thủ đoạn, mức độ phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt tạo ra nhiều thách thức với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. Nhiều vụ án lớn, phạm tội có tổ chức, có nhiều đối tượng tham gia, hơn nữa các đối tượng lại ở nhiều địa bàn, vùng miền, thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau nên việc điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu chính là sự gia tăng loại hình tội phạm mới ngày càng phức tạp, quy mô liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Để giải quyết được vụ án như vậy, đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong hệ thống tư pháp.

Một số loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu như cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, thông thường vụ việc phạm tội diễn ra kéo dài, nhiều người tham gia, đến khi phát hiện tội phạm thì quá trình thu thập chứng cứ khó khăn do nhiều lý do khác nhau nên điều tra kéo dài, phải trả hồ sơ để ĐTBS nhiều lần.

Hai là, do hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật

Các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự còn nhiều bất cập, công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời, nhiều trường hợp còn thiếu, chưa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Một số điều luật của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định chung chung không cụ thể, các quy định về tội phạm và quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đặc biệt, các quy định về trả hồ sơ để ĐTBS trong giai đoạn truy tố của BLTTHS tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như:

- Chưa xác định chế tài đối với CQĐT khi không thực hiện đầy đủ yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung là nguyên nhân dẫn đến trường hợp phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

BLTTHS năm 2015 quy định CQĐT có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát trừ một số trường hợp luật định.

Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 chưa quy định chế tài đối với trường hợp CQĐT không thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung nên dẫn đến việc phải trả hồ sơ nhiều lần. Trên thực tế không ít trường hợp, Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng CQĐT không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, sau đó, Viện kiểm sát tiếp tục phải trả hồ sơ để yêu cầu thực hiện đầy đủ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát chỉ có thể kiến nghị với Thủ trưởng CQĐT để giải quyết nội bộ nên không thể hiện được sự chế ước của Viện kiểm sát đối với CQĐT trong thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung.

- Bất cập về thời hạn điều tra bổ sung: Quy định của BLTTHS năm 2015 về thời hạn điều tra bổ sung chưa thực sự hợp lý, chưa khắc phục được những bất cập, tồn tại trong quy định của BLTTHS năm 2003. Nhiều trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đã lạm dụng quy định về yêu cầu trả hồ sơ để ĐTBS trong giai đoạn truy tố để tăng thời hạn điều tra của vụ án vì nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt, việc lạm dụng này được sử dụng vì một lý do rất phổ biến đó là để đảm bảo chỉ tiêu giải quyết án, nhất là thời điểm chuẩn bị báo cáo tổng kết công tác hàng năm hoặc chạy theo thành tích. Điều này dẫn đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung tràn lan, không hiệu quả, không đảm bảo căn cứ, không cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Cách tính thời hạn ĐTBS vẫn căn cứ vào chủ thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung là Viện kiểm sát hay Tòa án mà không căn cứ vào loại tội phạm như các quy định về thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam... là chưa phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố [31]. Bởi tính chất phức tạp của từng loại tội phạm là khác nhau, cần khoảng thời gian khác nhau để có thể điều tra bổ sung, nhiều trường hợp đối với vụ án ít nghiêm trọng nhưng thời gian để điều tra bổ sung là quá dài, và ngược lại nhiều vụ án phức tạp, nhiều đối tượng cần nhiều thời gian để giải quyết các yêu cầu điều tra bổ sung nhưng thời gian quy định theo BLTTHS không đủ để CQĐT khắc phục hết được những vi phạm, thiếu sót dẫn đến tình trạng không thể thực hiện hết yêu cầu điều tra bổ sung nên vẫn phải kết thúc điều tra bổ sung và sau đó Viện kiểm sát phải trả hồ sơ lần hai để yêu cầu CQĐT tiếp tục ĐTBS.

Khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 quy định “thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 174 BLTTHS thì chủ thể tiến hành điều tra bổ sung chỉ có một cơ quan duy nhất là CQĐT. Tuy nhiên, tại Điều 246 BLTTHS năm 2015 quy định trong trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có thể tự mình ĐTBS hoặc trả hồ sơ cho CQĐT để ĐTBS.

Vậy, khi căn cứ Điều 174 BLTTHS thì trường hợp Tòa án trả hồ sơ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền điều tra bổ sung không, thời hạn Viện kiểm sát trực tiếp điều tra bổ sung là mấy tháng và kể từ ngày nào? Mặc dù trên thực tế áp dụng Viện kiểm sát có thể tự mình điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung là không quá 01 tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ và quyết định yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng theo quan điểm của tác giả, vẫn cần có sự sửa đổi tại Điều 174 BLTTHS năm 2015 để có quy định thống nhất về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Điều 246 BLTTHS năm 2015 quy định “Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:

1. ... trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra”.

BLTTHS năm 2015 chỉ quy định Viện kiểm sát xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án, nhưng không quy định thời hạn Viện kiểm sát xem xét để quyết định trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra là bao lâu. Mặt khác, luật cũng chưa quy định trường hợp Viện kiểm sát sau khi đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng không thể điều tra bổ sung được (do vấn đề khách quan) thì Viện kiểm sát mới ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung được hay không? Do chưa có quy định cụ thể về thời hạn này nên việc áp dụng vẫn còn tùy nghi và có thể kéo dài thời hạn tố tụng.

- Mâu thuẫn giữa BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.

Về trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can. Theo điểm a, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP quy định trong trường hợp có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 242 của BLTTHS năm 2015 thì Viện kiểm sát không trả hồ sơ để ĐTBS trong các trường hợp này mà sẽ tách vụ án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 242 BLTTHS năm 2015 thì chỉ tách vụ án trong các trường hợp: Bị can bỏ trốn; Bị can mắc bệnh hiểm nghèo; Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Viện kiểm sát chỉ tách vụ án nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Theo BLTTHS năm 2015, trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát chỉ tách vụ án đối với những trường hợp đối tượng đã được khởi tố bị can thuộc ba trường hợp trên và đã có quyết định tạm đình chỉ đối với các bị can đó. Tuy nhiên, tại Thông tư 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP lại quy định trong trường hợp có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can mà thỏa mãn các quy định tại khoản 2 Điều 242 BLTTHS năm 2015 thì sẽ được tách các đối tượng này thành một vụ án khác để giải quyết. Như vậy, mặc dù Thông tư số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định trường hợp này để hạn chế số lượng án phải trả hồ sơ để ĐTBS, tuy nhiên, khi Thông tư viện dẫn về Điều 242 BLTTHS năm 2015 thì không có trường hợp nào trên thực tế mà Viện kiểm sát có thể tách vụ án để tiếp tục giải quyết mà sẽ trả hồ sơ để ĐTBS do không có căn cứ để tách vụ án.

Về trường hợp trả hồ sơ để ĐTBS do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA- BQP quy định Viện kiểm sát không trả hồ sơ ĐTBS nếu có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì vi phạm nghiêm

trọng thủ tục tố tụng có hai dạng, một là xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, hai là làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Như vậy, theo quy định của Thông tư thì trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện vụ án thì sẽ không trả hồ sơ để ĐTBS. Theo tôi, quy định này là không hợp lý, có thể kể đến trường hợp có vi phạm thủ tục tố tụng trong việc thu thập tài liệu, đồ vật thì những tài liệu, đồ vật này không được coi là chứng cứ và không có giá trị chứng minh và nếu không được trả hồ sơ để khắc phục thì không đủ công cụ để chứng minh, giải quyết vụ án, nhiều trường hợp có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc quy định như vậy là trái với nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” và nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” quy định tại Điều 15 và Điều 19 BLTTHS năm 2015.

Ba là, công tác phối hợp điều tra, kiểm sát điều tra giữa Cơ quan Công an, Viện kiểm sát trong địa bàn thành phố Hà Nội, và địa bàn thành phố Hà Nội với các địa phương khác còn thiếu chặt chẽ, thiếu sự liên kết, thống nhất trong hoạt động điều tra, truy tố.

Bốn là, do diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, xã hội, hội nhập toàn cầu, số vụ án thụ lý hàng năm ngày một gia tăng đòi hỏi phải có đủ lượng Điều tra viên và Kiểm sát viên mới có thể đảm bảo giải quyết được. Trong khi số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên hiện nay ở một số địa phương còn thiếu dẫn đến tình trạng số lượng án quá tải nên việc giải quyết án ở một số nơi chỉ nhằm giải quyết hết án mà chưa đảm bảo được về chất lượng do đó thường có nhiều vi phạm và thiếu sót phải trả lại hồ sơ để ĐTBS [22]. Do trình độ năng lực chuyên môn của một số người tiến hành tố tụng còn hạn chế, quan hệ phối hợp chưa chặt chẽ nên nhiều trường hợp phải trả hồ sơ để ĐTBS nhiều lần mà vẫn chưa khắc phục hết những thiếu sót, vi phạm.

Năm là, một nguyên nhân khách quan, thường xảy ra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự dẫn đến việc trả hồ sơ ĐTBS trong giai đoạn truy tố đó là việc bị can, bị cáo thay đổi lời khai. Có nhiều trường hợp trong quá trình điều tra, bị can, bị cáo thừa nhận và khai cụ thể hành vi phạm tội của mình, nhưng đến giai đoạn

truy tố, xét xử thì lại phủ nhận. Trong khi đó, vụ án không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo nên cần phải trả hồ sơ để ĐTBS, để thu thập thêm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo.

Sáu là, diễn biến vụ án thay đổi, trong quá trình điều tra vụ án có đồng phạm, việc một bị can bỏ trốn, đầu thú... vì tác động tích cực, tiêu cực của người nhà, của dư luận, của Cơ quan điều tra.... ảnh hưởng đến bị can khác làm thay đổi tình tiết, nội dung vụ án. Hoặc, trong giai đoạn truy tố bị can, vì nhiều lý do, Viện kiểm sát không thể tống đạt quyết định truy tố, cần yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã đối với bị can. Đây là hai trong những nguyên nhân cơ bản, dẫn đến việc Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố.

Bảy là, công tác kiểm sát việc nắm và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố ở một số Viện kiểm sát cấp huyện còn bất cập, hạn chế. Công tác phối hợp giữa hoạt động tiến hành tố tụng với các hoạt động bổ trợ tư pháp, như:

giám định, bào chữa còn thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Nguyên nhân chủ quan:

- Do ý thức tuân thủ pháp luật của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên còn chưa nghiêm túc dẫn đến thiếu sót như trình tự thu thập chứng cứ không bảo đảm đúng quy định tố tụng hoặc chỉ chú ý đến chứng cứ mà bỏ qua thủ tục tố tụng cần thiết như thu thập đầy đủ về lý lịch tư pháp, đặc điểm nhân thân, tiền án, tiền sự của bị can, không làm rõ tài sản bị thiệt hại và các vấn đề về bồi thường dân sự. Kiểm sát viên không nghiên cứu kỹ hồ sơ, không phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm nên không trả hồ sơ để ĐTBS kịp thời, đến giai đoạn xét xử Tòa án phát hiện và phải trả hồ sơ để ĐTBS.

- Do trình độ nghiệp vụ của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên còn hạn chế chưa đáp ứng được nhiệm vụ được phân công trong tình hình mới nên khi tiến hành các hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chưa hiểu và vận dụng chưa đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, các biện pháp nghiệp vụ công tác còn hạn chế về kiến thức với các lĩnh vực khác, từ đó nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện nội dung vụ án, không phát hiện được những vi

phạm, thiếu sót, chưa bao quát được hết những vấn đề cần giải quyết dẫn đến phải trả hồ sơ để ĐTBS nhiều lần.

- Một số Kiểm sát viên còn thụ động trong quá trình kiểm sát điều tra, chưa bám sát quá trình điều tra để để ra yêu cầu điều tra kịp thời, để ra yêu cầu điều tra không chi tiết hoặc không có biện pháp đôn đốc thực hiện yêu cầu điều tra, hoạt động kiểm sát điều tra chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ khi Cơ quan điều tra chuyển đến mà chưa thực hiện đầy đủ quyền năng của Kiểm sát viên, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố và gắn công tố với điều tra nên không phát hiện được những thiếu sót, những tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra. Ngoài ra, một số Kiểm sát viên còn nể nang, không kiên quyết báo cáo lãnh đạo để có biện pháp yêu cầu CQĐT thực hiện đúng theo đúng Điều 167 BLTTHS năm 2015 quy định về “Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện yêu cầu và các quyết định của Viện kiểm sát”.

- Một số ít Kiểm sát viên còn nặng nề về tư duy buộc tội, nhất là các vụ án bị can khai nhận tội, khai phù hợp với nhau dẫn đến chủ quan không kiểm tra lại các chứng cứ đã thu thập nên không phát hiện được những mâu thuẫn giữa lời khai với các tài liệu, chứng cứ khác thu thập được trong hồ sơ vụ án, do đó không kịp thời trả hồ sơ để điều tra ngay từ giai đoạn truy tố. - Trong công tác chỉ đạo còn có đơn vị chưa sát sao kịp thời, chưa quản lý chặt chẽ việc trả hồ sơ để ĐTBS, chưa có chế tài để xử lý trường hợp trả hồ sơ để ĐTBS không có căn cứ dẫn đến việc CQĐT không chấp nhận, do đỏ vẫn còn trường hợp trả hồ sơ không đúng theo quy định.

- Lãnh đạo Viện kiểm sát chưa chủ động phối hợp tốt với Thủ trưởng cơ quan điều tra, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ trong quan hệ tố tụng, để Kiểm sát viên có thể tiếp cận hồ sơ một cách thuận lợi ngay từ khi vụ án mới khởi tố, để từ đó có thể chủ động đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án hoặc có những ý kiến định hướng điều tra đúng trọng tâm, dẫn đến thiếu sót, vi phạm tố tụng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

- Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ, tội danh, khắc phục những thiếu sót trước khi kết thúc điều tra, truy tố chưa kịp thời, hiệu

Một phần của tài liệu LV ThS Luật học - Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 51 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(71 trang)
w