CHƯƠNG 3: YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ TRÊN
3.1. Một số yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trong cả nước nói chung có diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi có quy mô và tổ chức;
mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng dẫn đến ngày càng có nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Thứ nhất, vấn đề cải cách tư pháp là một trong những yêu cầu cấp thiết, vừa mang những đặc điểm chung của cải cách bộ máy nhà nước, vừa có mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung riêng biệt do tính đặc thù của hệ thống các cơ quan tư pháp.
Nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải ban hành và thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp phù hợp với quá trình đổi mới. Đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trước yêu cầu tình hình mới về phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; tập trung xây dựng nền công tố mạnh, theo hướng tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, để đảm bảo mọi hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng. Việc đổi mới phải dựa trên quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về cải cách tư pháp, với mục tiêu tăng cường sự phối hợp, phân công và kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp; đồng thời, đổi mới tổ chức, hoạt động của VKS cần đặt trong tổng thể của quá trình cải cách tư pháp, bảo đảm các điều kiện để VKS thực hiện tốt chức năng thực
hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đảm bảo mọi hành vi vi phạm, tội phạm phải được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng và bảo vệ.
Thứ hai, vấn đề phòng chống tội phạm là tư tưởng chỉ đạo của cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cũng như cách thức, biện pháp của công dân được thực hiện nhằm hạn chế và phòng chống tội phạm xảy ra, nếu tội phạm xảy ra thì phải hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả và tác hại của nó.
Phòng chống tội phạm mang tính hệ thống, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và có sự phối hợp nhịp nhàng, quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân. Viện kiểm sát nhân dân có vai trò và vị trí rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Đấu tranh phòng, chống tội phạm có đặc thù phức tạp, đòi hỏi đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên cần được bổ sung đủ về số lượng, đồng thời phải có sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm điều tra mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong những năm qua, trước tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, VKSND thành phố Hà Nội nói riêng và ngành kiểm sát nhân dân nói chung đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các vi phạm pháp luật và tội phạm. Để thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ngành Kiểm sát đã tích cực phối hợp với các cơ quan Tư pháp đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm, khám phá nhiều vụ án hình sự, góp phần ngăn chặn và kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hàng năm, khi triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát trong ngành kiểm sát nhân dân các cấp đều nhấn mạnh: Phải chú trọng nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng ngừa tội phạm. Theo đó, trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND các cấp phải phát hiện những nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, trong đó đặc biệt quan tâm phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước để kiến nghị các cơ quan hữu quan có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nhằm ngăn ngừa tội phạm
xảy ra. Thông qua các biện pháp này, VKSND thành phố Hà Nội đã trực tiếp khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án để tiến hành điều tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc phân loại xử lý, nâng cao tỷ lệ xử lý hình sự trong bắt giữ, chống bỏ lọt tội phạm. Nhìn chung, tiến độ giải quyết án được đẩy nhanh hơn và phần lớn được thực hiện trong hạn luật định. Bên cạnh đó, VKSND thành phố Hà Nội cũng đã chủ động bàn bạc với các Cơ quan tiến hành tố tụng chọn nhiều vụ án trọng điểm, xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp để điều tra, truy tố, xét xử nhằm phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương. Cùng với các biện pháp tác động trực tiếp nhằm đảm bảo cho quá trình khởi tố, điều tra phát hiện và xử lý tội phạm được nhanh chóng, chính xác, kịp thời theo quyền năng và nghĩa vụ tố tụng, VKSND thành phố Hà Nội còn gián tiếp tác động để áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm thông qua việc thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của mình.
BLTTHS năm 2015 cũng như Điều 12, Điều 13 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc về VKS. Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là nhiệm vụ quan trọng của VKS, đây là mở đầu các hoạt động TTHS. Khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thì cơ quan có thẩm quyền mới xác định được có tội phạm hay không, để quyết định khởi tố hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong BLTTHS năm 2003, nhiệm vụ này chưa thực sự được coi trọng, quy định chưa cụ thể, khó thực hiện, thiếu cơ chế kiểm soát đối với hoạt động này nên VKS chỉ thực hiện hoạt động “kiểm sát” việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT. Trong thực tiễn, hoạt động kiểm sát này mang tính thụ động, chỉ khi nào CQĐT xác minh, kết luận, chuyển hồ sơ xác minh kèm theo kết luận khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, thì lúc đó VKS mới kiểm sát hồ sơ và có quan điểm về việc giải quyết đó.
Do đó, VKS không thể nắm và kiểm sát được đầy đủ việc thụ lý, tiếp nhận và quá trình kiểm tra, xác minh của CQĐT, không tác động vào để hoạt động đó đảm bảo tính khách quan, toàn diện và triệt để, nhằm chống được oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Có thể thấy, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của VKS chưa thực sự được chú trọng trong những năm qua
nên công tác này chưa thực sự chất lượng, hiệu quả. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết một số tố giác, tin báo tội phạm của một số vụ án hình sự chưa cao, nên đã để xảy ra tình trạng án phải trả hồ sơ ĐTBS trong giai đoạn truy tố.