Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu Định giá Đất Ở tại Đô thị theo tiếp cận vị thế chất lượng, Áp dụng thử nghiệm tại khu vực quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 98 - 101)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU GIÁ ĐẤT Ở TẠI QUẬN CẦU GIẤY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI THEO TIẾP CẬN VỊ THẾ - CHẤT LƯỢNG

3.1. KHÁI QUÁT VỀ QUẬN CẦU GIẤY

3.1.3. Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội

3.1.3.1. Đặc điểm kinh tế

Khi mới thành lập, Cầu Giấy là một quận đan xen giữa đô thị và nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của quận Cầu Giấy đã phát triển nhanh chóng, chuyển dịch theo hướng “Thương mại - Dịch vụ và Công nghiệp - Xây dựng” [172]. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn quận ước đạt 167.904 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng chiếm 35,11%; giá trị ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm 64,89%). Hiện tại, trên địa bàn Quận có hơn 19.000 doanh nghiệp đang hoạt động; số hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động hơn 9.000 [175]. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ và các cấp chính quyền thành phố, quận và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Quận xây dựng và duy trì các tuyến phố kinh doanh văn minh đô thị - thương mại, đảm bảo an ninh trật tự và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hoạt động kinh tế. Cùng với đó là những nền tảng hạ tầng kỹ thuật và xã hội được chú trọng đầu tư, phát triển.

88

3.1.3.2. Các yếu tố hạ tầng kỹ thuật - Hệ thống giao thông: Hệ thống giao thông của quận phát triển đa dạng với hệ

thống giao thông đường bộ, đường sắt đô thị, và mạng lưới các tuyến xe buýt dày đặc. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, tiếp cận với các địa điểm kinh tế, xã hội cũng như các tiện ích đô thị dễ dàng.

+ Phân cấp các tuyến đường phố: Trên địa bàn quận có khoảng 72 tuyến đường

phố chính được phân thành 3 cấp theo quy định (cấp 2, 3, 4). Trong đó tỷ lệ các tuyến đường cấp 3 và cấp 4 tương đối bằng nhau và cùng chiếm khoảng 47,2%, còn lại là tuyến đường cấp 2. Hệ thống giao thông của quận được phân loại thành đường cao tốc (như phần đầu của đại lộ Thăng Long), đường vành đai (2, 2,5, và 3), đường liên khu vực (như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Vỹ,...), đường chính khu vực (như Tô Hiệu, Trần Đăng Ninh,...), đường khu vực (như Chùa Hà, Nghĩa Tân,...).

Với hệ thống giao thông đa dạng như vậy đảm bảo tính liên kết với các huyện ngoại thành, các đô thị vệ tinh (như Đông Anh, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai) cũng như đảm bảo giao thông thuận lợi trong khu vực dân cư của quận.

+ Đường sắt đô thị: Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội gồm 10 tuyến (bao gồm tuyến trên cao và đi ngầm). Trong số đó, có 4 tuyến đi qua địa bàn quận là các tuyến số 3, tuyến số 4, tuyến số 5, và tuyến số 8 [56]. Hiện nay, mới chỉ có tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) là đang thi công.

+ Hệ thống xe buýt: Trên địa bàn quận có khoảng 60 tuyến xe buýt hoạt động, bao gồm các tuyến xe buýt đi các quận nội thành và huyện ngoại thành. Các điểm đầu và cuối cũng như các điểm trung chuyển, các điểm dừng phần lớn là các bến xe khách (bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa,...), công viên lớn, sân bay Nội Bài, trường học, bệnh viện,... nên phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân được dễ dàng hơn.

- Hệ thống cung cấp nước: Hệ thống nước sạch quận Cầu Giấy do công ty

nước sạch Hà Nội cung cấp. Các loại hình kinh doanh của công ty không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho hộ gia đình, cá nhân, mà còn cả nước sạch phục vụ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu của người sử dụng. Một trong số nhà máy nước sạch của công ty trên địa bàn quận là nhà máy nước Mai Dịch với công

89 suất thiết kế 60.000m3/ngày. Về chất lượng nước sinh hoạt, theo số liệu thống kê từ khoảng 400 phiếu điều tra của luận án, hầu hết người dân đều đánh giá tốt.

- Hệ thống điện của quận Cầu Giấy được cung cấp từ Tổng Công ty Điện lực

Hà Nội – EVN Hà Nội. Nhìn chung, chất lượng dịch vụ cung cấp điện đều được người dân đánh giá tốt (thống kê từ khoảng 400 phiếu điều tra của luận án).

3.1.3.3. Các yếu tố hạ tầng xã hội

- Khu đô thị mới: Trên địa bàn quận Cầu Giấy có rất nhiều khu đô thị nổi tiếng của Hà Nội như: Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Mandarin Garden, Làng quốc tế Thăng Long, Nam Trung Yên, Yên Hòa, Dịch Vọng,... Phần lớn các khu đô

thị này đều tọa lạc tại những vị trí đẹp, trung tâm của quận, cung cấp các tiện ích đầy đủ, phong cách kiến trúc đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Những thửa đất xung quanh cũng được hưởng những tiện ích của khu đô thị mang lại như trung tâm thương mại, siêu thị, trường học, nhà hàng, khu thể thao,...

- Giáo dục và đào tạo: ngành giáo dục – đào tạo được quận quan tâm phát

triển cả về quy mô và chất lượng. Trên địa bàn quận có hơn 90 cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Trong đó có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,... Đối với hệ phổ thông, toàn quận có 43 trường đạt chuẩn quốc gia, một số trường nổi tiếng như Trường THPT Chuyên Amsterdam, THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, THCS Cầu Giấy,...

- Y tế: Trên địa bàn quận có nhiều các bệnh viện lớn tuyến thành phố, trung

ương như Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện 19- 8,... Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, xã thuộc 8 phường. Không chỉ vậy, một số bệnh viện lớn khác cũng nằm lân cận quận như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

- Cơ quan hành chính, công sở: Quận Cầu Giấy có 8 phường như đã nêu ở

trên. Các cơ quan hành chính phường và quận đều có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng về dịch vụ hành chính công. Theo số liệu của trang Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội, trong năm 2020, quận Cầu Giấy có mức

90 độ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 98%, thuộc hạng cao so với các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội [176].

Có nhiều cơ quan đầu não quan trọng của Nhà nước được xây dựng trên địa bàn quận như Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ,

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,... Ngoài những công trình độc lập, nhiều các công ty, cơ quan khác có trụ sở tại các tòa nhà văn phòng cho thuê. Thị trường cho thuê văn phòng tại quận Cầu Giấy rất đa dạng lựa chọn về diện tích, giá cả, vị trí.

Một số tòa nhà văn phòng cho thuê tiêu biểu như HITC, Indochina Plaza Hà Nội, Charmvit Tower,... Tuyến phố Duy Tân được coi là khu phố văn phòng của các doanh nghiệp ở Hà Nội.

- Văn hóa, thể dục thể thao: Các phường đều có nhà văn hóa để người dân và

chính quyền địa phương tổ chức họp, sinh hoạt cộng đồng. Về hoạt động thể dục thể thao, có thể được đáp ứng tại một số địa điểm như nhà thi đấu Cầu Giấy, sân chơi bóng đá, công viên, và rất nhiều các trung tâm thể dục thể hình tại các tòa nhà chung cư.

- Bản sắc địa phương: Mặc dù có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhưng quận

Cầu Giấy vẫn được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng. Tiêu biểu như làng Cốm Vòng (Dịch Vọng Hậu), làng Giấy (Thượng Yên Quyết), Làng Nghĩa Đô (làng Nghè) chuyên sản xuất kẹo mạch nha.

- Dân số của quận theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 là

292.536 người, toàn bộ là dân số đô thị, mật độ dân số khoảng 23.859 người/km2. Đây cũng là một trong 04 quận có mật độ dân số cao của thành phố Hà Nội (quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy).

- Cùng với phát triển kinh tế, công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ luôn được chú trọng tăng cường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu Định giá Đất Ở tại Đô thị theo tiếp cận vị thế chất lượng, Áp dụng thử nghiệm tại khu vực quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)