NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu khóa luận Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp sử dụng đất tại huyện Tư Nghĩa - Tỉnh Quảng Ngãi (Trang 26 - 31)

3.1. Cơ sở lí luận

3.1.1. Khái niệm đất nông nghiệp

Theo Luật Đất Đai 2003, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất: đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thuỷ sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ.

3.1.2. Vai trò và hiệu quả sử dụng đất đai vào sản xuất nông nghiệp a) Vai trò

Đất đai là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển xã hội, trong sản xuất nông nghiệp là tư liệu không thể thay thế.

Trong sản xuất nông nghiệp đất đai tham gia quá trình này với vai trò vừa là đối tượng lao động vừa là tư liệu lao động. Khi con người tác động vào đất đai nhằm cải tạo và biến đổi đất như làm tăng độ phì nhiêu của đất trồng thì đất đai là đối tượng lao động, khi con người sử dụng đất đai để trồng ra sản phẩm thì đất đai trở thành tư liệu sản xuất.

Hiện nay, tình trạng phá rừng gây ra hậu quả khá nghiêm trọng đối với môi trường và cuộc sống như lũ lụt, thay đổi thời tiết thất thường, ảnh hưởng trực tiếp việc sử dụng đất nông nghiệp.

Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, con người luôn tác động vào đất nói riêng và tự nhiên nói chung để phát huy hết tiềm năng của đất. Từ những yếu tố trên cho thấy con người cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình khai thác và sử dụng đất trồng.

b) Hiệu quả sử dụng

Đất đai có vị trí cố định, chất lượng không đồng nhất, gắn liền và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện sản xuất quanh nó, bao gồm các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Đất nông nghiệp ở huyện Tư Nghĩa ngày càng giảm dần do chuyển mục đích sử dụng đất nhất là xây dựng nhà ở.

Từ những đặc điểm trên đất đai càng được sử dụng đúng đắn, hợp lí thì khả năng sản xuất không ngừng tăng lên.

Đây là yêu cầu quan trọng trong tình hình dân số ngày càng tăng, nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng lớn, mà quan trọng hơn cả là làm thế nào để đưa nền sản xuất nông nghiệp nước ta hoà nhập vào nền kinh tế hàng hoá sản xuất tốt để đáp ứng nhu cầu thị trường và được thị trường chấp nhận.

Bình quân diện tích đất nông nghiệp huyện Tư Nghĩa rất thấp, do đó để tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất hàng hoá nông sản nhất thiết phải tăng cường thâm canh, khai hoang, mở rộng diện tích, tăng diện tích gieo trồng đồng thời phải hết sức tiết kiệm đất đai khi sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp.

3.1.3. Khái niệm về phát triển nông thôn

Phát triển kinh tế nông thôn là một tiến trình gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp để có nhiều hơn sản phẩm và dịch vụ mong muốn từ đó gia tăng mức sống cá nhân và phúc lợi cộng đồng nông thôn. Bên cạnh đó, phát triển nông thôn còn quan tâm đến tăng cường hợp tác con người và năng lực của cộng đồng để phát triển kinh tế hộ nông dân, tăng tỷ trọng và đóng góp sản phẩm cho xã hội.

3.1.4. Bảo tồn môi trường

Môi trường nông thôn hiện nay đang chịu nhiều áp lực của sự phát triển khai thác và sử dụng tài nguyên nông thôn làm suy thoái môi trường, nhất là khai thác rừng bừa bãi, sử dụng nhiều chất độc trong sản xuất, nguồn nước ô nhiễm từ các nhà máy, gây tác động xấu đến cây trồng vật nuôi. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để cải thiện được môi trường nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển cho dân cư nông thôn. Ngoài ra còn phải xem xét về góc độ giữa gia tăng dân số và phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên. Tạo ra những sản phẩm, nguyên liệu thay thế mới cũng là hướng giảm dần sức ép với một số tài nguyên tái sinh. Cần áp

dụng những phương thức canh tác mới, quy trình kỹ thuật mới nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện môi trường.

3.2. Một số vấn đề trong đề xuất giải pháp sử dụng đất nông nghiệp.

3.2.1. Mục tiêu sử dụng đất

Sử dụng đất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nhằm đảm bảo an toàn lương thực thực phẩm cho toàn thể nhân dân trên địa bàn. Mặt khác, còn tăng cường nguyên vật liệu cho công nghiệp chế biến nhất là các cây công nghiệp ngắn ngày và có nông sản xuất khẩu theo yêu cầu thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp phải đồng thời với phát triển nông thôn vì nông thôn là địa điểm, là môi trường sinh sống của phần lớn dân cư. Mục đích cuối cùng của phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần theo yêu cầu dân chủ hoá cho dân cư nông thôn.

3.2.2. Các quan điểm về sử dụng đất

Đất đai được sử dụng thông qua các kế hoạch và quy hoạch của các cấp bộ ngành, vừa đảm bảo tính thống nhất trong quản lí Nhà Nước vừa thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Đất đai được phân bố sử dụng cân đối ở các ngành, nhưng ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp để đảm bảo lương thực quốc gia, vừa thoả mãn nhu cầu nông sản phẩm cho xã hội, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nông sản hàng hoá xuất khẩu.

Trong sử dụng đất nông nghiệp cần thực hiện quan điểm: tích cực khai hoang mở rộng diện tích từng bước đi đôi với thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thích ứng thị trường để đạt năng suất và sản lượng cao, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ phù hợp vùng sinh thái và bảo vệ môi trường.

Sử dụng đất phải gắn liền với bảo vệ, cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất, duy trì cải thiện hệ sinh thái môi trường nhằm sản xuất phát triển lâu bền.

3.3. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế Kết quả sản xuất (1) Hiệu quả kinh tế =

Chi phí sản xuất

Doanh thu (GTSL): là chỉ tiêu tổng hợp và qua đó phản ánh kết quả thu được từ sản xuất.

Doanh thu = Tổng sản lượng x đơn giá sản phẩm.

Tổng chi phí sản xuất = Chi phí vật chất + Chi phí lao động + Thuế+

lãi vay Ngân hàng.

Chi phí vật chất (CPVC) gồm chi phí phân bón, thuốc, giống, công cụ.

Chi phí lao động (CPLĐ) gồm chi phí lao động nhà và lao động thuê. Là chi phí trong việc đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch.

(2) Thu nhập (TN) = Doanh thu – (Chi phí vật chất + chi phí lao động thuê) Thu nhập là phần giá trị do lao động sáng tạo ra hay là phần giá trị còn lại của sản phẩm sau khi trừ đi các khoản chi phí vật chất và chi phí thuê ngoài.

(3) Lợi nhuận (LN) = Thu nhập – CPLĐ nhà

Lợi nhuận là phần lãi thu được sau khi bù đắp lượng hao phí vật chất lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh và phần thuế phải trả. Lợi nhuận còn biểu hiện khả năng tích luỹ để tái đầu tư mở rộng.

(4) Tỷ suất thu nhập(TSTN) TSTN = TN/CP

Ý nghĩa nói lên khả năng tạo ra thu nhập cho nông dân từ khoản chi phí mà họ đầu tư.

(5) Tỷ suất lợi nhuận TSLN = LN/CP

Có ý nghĩa nói lên khả năng tạo ra lợi nhuận cho nông dân từ khoản chi phí mà họ đầu tư.

(6) Hiệu quả đồng chi phí ( Hc) Doanh thu

Hc = —————

CPSX

Ý nghĩa nói lên khả năng tạo ra doanh thu cho nông dân từ khoản chi phí mà họ đầu tư.

3.4. Phương pháp nghiên cứu

3.4.1. Phương pháp thu thập số liệu

a) Thu thập, phân tích thông tin tư liệu sẵn có

Là phương pháp tận dụng những thông tin tư liệu đã được thu thập hay công bố trước đó liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Dù thông tin tư liệu sẵn có nhiều hay ít, đây vẫn là phương pháp cần thiết phải sử dụng trong nghiên cứu để có thông tin ban đầu nghiên cứu.

b) Phương pháp phỏng vấn qua bảng câu hỏi

Bảng câu hỏi (questionaire), hay còn gọi là phiếu điều tra, phiếu phỏng vấn… là tài liệu gồm những câu hỏi hay những thông tin trống mà đòi hỏi phải qua phỏng vấn trực tiếp mới đáp ứng được các thông tin đó.

Mục đích của phương pháp này là nhằm thu thập thông tin sơ cấp để từ đó tính toán phân tích các vấn đề nghiên cứu trên điều kiện cụ thể của địa phương.

c) Phương pháp phỏng vấn những người chuyên sâu, am hiểu

Là một phương pháp hỗ trợ cho nghiên cứu, thường được sử dụng để giải thích nguyên nhân của các vấn đề trong cộng đồng hay nhằm tìm hiểu những vấn đề mà các phương pháp khác không thực hiện được hay không chuẩn bị trước.

3.4.2. Phương pháp phân tích số liệu

a) Phương pháp tổng hợp, thống kê những số liệu cần thiết cho nghiên cứu bằng cách sử dụng các phần mềm tính toán như Word, Excel.

Trong phạm vi khóa luận này, phương pháp này được sử dụng để trình bày về hiện trạng của đất nông nghiệp tại huyện Tư Nghĩa như cơ cấu đất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, hiệu quả một số cây trồng chính, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010… thông qua các bảng đồ, biểu đồ, sơ đồ.

b) Phương pháp tính toán, so sánh: nhằm nghiên cứu mở rộng thông tin, so sánh các đối tượng tương quan là các cây trồng chính theo hai khu vực địa hình đặc trưng thông qua các chỉ tiêu: tổng sản lượng, giá trị sản lượng, tổng chi phí, thu nhập, tỷ suất thu nhập/chi phí, tỷ suất lợi nhuận/chi phí.

CHƯƠNG 4

Một phần của tài liệu khóa luận Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp sử dụng đất tại huyện Tư Nghĩa - Tỉnh Quảng Ngãi (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w