NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT
3.3. Nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít
Sự thất bại của phát xít Đức - tên phát xít đầu sỏ - trên chiến trường Châu Âu.
Mặc dù trong Chiến tranh Thái Bình Dương, phát xít Đức không có sự giúp sức trực tiếp nào cho quân đội Nhật Bản, nhưng phát xít Đức là một đồng minh của Nhật Bản, là kẻ đầu sỏ của chủ nghĩa phát xít thế giới. Vì vậy, việc phát xít Đức bị tiêu diệt có tác động lớn quân phiệt Nhật, làm hoang mang tinh thần quân đội Nhật, làm suy giảm sức mạnh của phe phát xít trong so sánh lực lượng với phe Đồng Minh
“Chiến trường Châu Á – Thái Bình Dương có tác động quan trọng đối với cuộc chiến tranh chống phát xít, nhưng nó cũng chịu tác động của các chiến trường khác trong chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là chiến trường Xô - Đức – một chiến trường giữ vị trí hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít trên phạm vi toàn thế giới” [13, tr54].
Phát xít Đức là kẻ đầu sỏ trong phe phát xít, từng làm mưa làm gió ở Tây và Bắc Âu,chỉ thực sự gặp phải đối thủ khi tấn công nước Nga xô viết. Hồng quân Liên Xô đã giáng những đòn quyết định làm thay đổi tương quân lực lượng hai bên bằng chiến thắng tại Mát-xcơ-va (cuối 1941), Xta-lin-grát (11/1942 – 2/1943), vòng cung Cuốc-xcơ (7 - 8/1943)… Đến cuối tháng 3/1945, Hồng quân Liên Xô đã truy đuổi phát xít Đức đến tận sào huyệt cuối cùng, buộc Hít-le kí vào văn kiện đầu hàng
không điều kiện (9/5/1945). Kẻ đầu sỏ xít không còn, lúc này chỉ còn quân phiệt Nhật ngoan cố chiến đấu tại Châu Á. Phe Đồng Minh với tất cả lực lượng của Anh, Mỹ và toàn bộ lực lượng Liên Xô cùng tấn công tên phát xít cuối cùng. Sự thất bại của phát xít Nhật chỉ còn là vấn đề thời gian “Thảm bại của chủ nghĩa phát xít Đức đã báo trước ngày tận số của chủ nghĩa quân phiệt Nhật không còn xa nữa...” [12, tr142]..
Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước Châu Á chống ách chiếm đóng của phát xít Nhật Bản và phong trào cách mạng trong chính nước Nhật chống chủ nghĩa phát xít.
Ngay từ trước chiến tranh, khi Nhật bành trướng lãnh thổ ở Châu Á thì nhân dân ở đây đã có nhiều hoạt động vũ trang đấu tranh chống Nhật. Đặc biệt, khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Nhật tăng cường các hành động xâm lược thì phong trào đấu tranh của nhân dân càng phát triển mạnh mẽ. Trái ngược hoàn toàn với thái độ hèn nhát của các nước đế quốc phương Tây thì nhân dân Châu Á anh dũng chống phát xít ngay từ đầu để giành độc lập dân tộc, góp phần vào thắng lợi chung. Phong trào đấu tranh diễn ra ở cả Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và khắp các nước Đông Nam Á đã giải phóng nhiều vùng đất nước, ghìm chân một lực lượng lớn quân Nhật, gây cho chúng nhiều thiệt hại, tạo điều kiện cho lực lượng Đồng Minh đánh bại hoàn toàn bọn quân phiệt Nhật trên chiến trường chính.
Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc đã làm cho hàng chục sư đoàn Nhật phải trải ra trên một địa bàn rộng bao la, hàng chục vạn quân Nhật bị tiêu diệt. Ở Triều Tiên, phong trào du kích cũng đã phối hợp với Hồng quân Liên Xô khi tiến vào miền Bắc nước này… Tại các nước Đông Nam Á, phong trào chống Nhật đã phát triển mạnh mẽ trong những năm cuối của chiến tranh. Đặc biệt là ở Đông Dương, dưới sự lãnh đạo chung của Đảng cộng sản Đông Dương, phong trào kháng chiến chống Nhật đã phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, đưa đến sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2/9/1945), và nhân dân Lào cũng thành lập được chính quyền của mình (10/1945), cách mạng Campuchia cũng có bước phát triển mới. Ở Inđônêxia, nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở Sin-ga-pa-na, In-đô-nê-ma-đu, Sê-ma-rang... Đội
quân Pê-ta khởi nghĩa ở Bô-li-ta và Kê-ri-đi (miền Đông Gia – va). Ở Miến Điện, mùa hè 1944, các lực lượng yêu nuớc đã tập hợp trong tổ chức “Liên minh nhân dân tự do chống phát xít” có 20 vạn người tham gia, do nhà yêu nước A-ung-san làm chủ tịch. Lực lượng vũ trang (các đội du kích) của liên minh này có tới 50 nghìn người, nhân dân Miến Điện đã giáng cho quân Nhật những đòn nặng nề, giải phóng được thủ đô Răng-gun (5/5/1945). Một bộ phận trong “Quân đội quốc gia” (do bọn Nhật chỉ huy) cũng đã nổi dậy chống lại bọn xâm lược Nhật. Các lực lượng yêu nước Miến Điện đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công của quân Anh vào Miến Điện. Ở Ma-lai-xia, “Quân đội chống Nhật” cũng hoạt động mạnh. Nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ cũng đã góp phần to lớn vào việc đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật ngay từ khi Nhật xâm phạm lãnh thổ Mông Cổ và đặc biệt trong việc phối hợp với Hồng quân Liên Xô để tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật Bản. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai nhân dân Thái Lan cũng đã tiến hành các cuộc đấu tranh chống bọn chiếm đóng Nhật Bản và chống chính quyền thân Nhật. Nhân dân Ấn Độ cũng có đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân các nước Châu Á chống bọn xâm lược Nhật Bản. Hàng chục vạn thanh niên Ấn Độ đã chiến đấu dũng cảm trong quân đội Anh – Ấn chặn đứng cuộc tấn công xâm lược của bọn quân phiệt Nhật vào biên giới phía Đông Ấn Độ.
Tất cả những cuộc chiến đấu đó của nhân dân các nước Châu Á đã gây cho bọn quân phiệt Nhật nhiều thiệt hại và khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi của quân đội Mỹ, Anh trên chiến trường Thái Bình Dương. “Phong trào chống Nhật của nhân dân các nước Châu Á đã góp phần của mình vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa quân phiệt Nhật” [13, tr81].
Đồng thời, nói về đóng góp của nhân dân các nước trong đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật, không thể quên được vai trò của chính nhân dân Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Nhật. Dù bị bọn phát xít Nhật đàn áp rất dã man nhưng các lực lượng dân chủ tiến bộ ở Nhật Bản vẫn hoạt động tích cực và có ảnh hưởng quan trọng. “Ảnh hưởng đó được phản ánh qua sự kiện là vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, những người cầm đầu chính phủ Nhật đã xúc tiến nhanh chóng việc đầu hàng (mà trước kia chúng không chấp nhận) để tránh một cuộc cách
mạng vô sản nổ ra trên đất Nhật. Nó cũng được phản ánh qua sự thỏa hiệp giữa bọn tư bản độc quyền Anh, Mỹ, Nhật để duy trì chế độ Nhật hoàng và không để Hồng quân Liên Xô đặt chân lên đất Nhật bời vì người ta thấy nhân dân lao động của các nước Đông Âu đã vùng dậy mạnh mẽ như thế nào khi phối hợp với cuộc tấn công của Liên Xô” [13, tr75].
Mặc dù Mỹ luôn thực hiện chính sách thỏa hiệp, nhân nhượng chủ nghĩa phát xít Nhật nhằm hướng sự tấn công của Nhật vào Liên Xô, nhưng không phải Mỹ không có đóng góp gì trong tiêu diệt nước Nhật quân phiệt.
“Không ai phủ nhận vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tranh trên Thái Bình Dương... Khách quan mà nhận xét thì hoạt động tích cực đáng kể của Mỹ góp phần vào việc tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt Nhật là những hoạt động của Mỹ từ năm 1943 trở đi”. Nhưng mãi tới cuối 1943, quân Mỹ mới mở cuộc phản công đầu tiên, với những trận đánh ở đảo Ta-ra-oa, đảo Ma-kin ngoài khơi Thái Bình Dương (cuối 1943), chiếm đảo Sai-pan (thuộc quần đảo Ma-ri-an) năm 1944, đánh Ô-ki-na-oa (đầu 1945). Tuy nhiên, sau những trận đánh này, Bộ trưởng Hải quân Mỹ đã thừa nhận rằng nước Nhật chưa có triệu chứng thua trận. Như vậy, mặc dù quân đội Mỹ tiến hành những trận đánh vào Nhật Bản ở Thái Bình Dương và đã gây cho chúng những tổn thất đáng kể, nhưng những hành động ấy không có ý nghĩa quyết định buộc Nhật phải đầu hàng. “Chính tổng thống Mỹ Truman – một người hoàn toàn không có thiện cảm với Liên Xô – cũng phải đánh giá rằng: Việc nước Nga tham chiến là hết sức cần thiết. Điều đó có nghĩa là họ cứu hàng trăm nghìn sinh mệnh của nước Mỹ” [13, tr75].
Đồng thời cũng phải khẳng định rằng, việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-shi-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản cũng không phải là nhân tố quyết định việc chủ nghĩa quân phiệt đầu hàng như giới tuyên truyền tư sản phương Tây khuếch đại lên. Thực tế “hai quả bom nguyên tử đó không nhằm vào mục tiêu quân sự nào, trái lại, chúng được ném xuống các mục tiêu dân sự gây tổn thất rất lớn cho dân thường và tài sản của họ. Tác dụng về quân sự của hai quả bom, do đó, không có gì, trái lại nó chỉ có tác dụng gây khủng khiếp cho dân thường. Vì vậy, nó là một đòn cân não của Mỹ nhằm vào nhân dân thế giới, hòng buộc họ phải thần phục Mỹ,
khi Mỹ giữ độc quyền thứ vũ khí hủy diệt đó. Nó có ý nghĩa là sự mở đầu một cuộc
“chiến tranh lạnh” hơn là để kết thúc một cuộc chiến tranh nóng” [13, tr77]. Trong bộ Hồi kí nhiều tập được viết sau chiến tranh, Thủ tướng Anh Sơc-sin đã viết “Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng số phận Nhật Bản là do bom nguyên tử quyết định”. Chính tướng Mỹ Mac-Actơ, Tư lệnh quân đội Mỹ – Anh lúc đó, đến năm 1960 cũng tuyên bố: Hoàn toàn không cần thiết phải sử dụng bom nguyên tử năm 1945 [13, tr82].
Vì vậy, cần phải khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa quân phiệt Nhật thì công lao của Mỹ là có, nhưng không phải là nhân tố quyết định, càng không phải là nhân tố duy nhất như giới tuyên truyền phương Tây xuyên tạc.
Nếu hiểu “việc đánh bại bọn quân phiệt Nhật chủ yếu do công lao của Mỹ!”
Đó là việc bóp méo lịch sử một cách thô bạo” thì đồng thời cần phải có cái nhìn sáng suốt, đúng đắn về vai trò to lớn của Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Nhật.
Mỹ, Anh chiến đấu với Nhật trong suốt thời gian ba năm rưỡi nhưng vẫn không đánh bại được phát xít Nhật, trong khi đó Liên Xô tham chiến tại chiến trường Châu Á được hơn một tuần (từ 8/8 đến 15/8) thì phát xít Nhật buộc phải đầu hàng không điều kiện Đồng Minh. Điều này hoàn toàn đúng, và thực tế công lao lớn nhất thuộc về Liên Xô. Hơn ba năm chiến tranh, Mỹ – Anh có đụng độ với Nhật nhiều trận và giành thắng lợi nhưng trên thực tế Mỹ – Anh chỉ tấn công Nhật trên biển, chưa dám chiến đấu trực tiếp với lực lượng chủ lực của Nhật là đạo quân Quan Đông đang đóng ở Đông Bắc Trung Quốc. Cho đến tháng 8/1945, lực lượng của Nhật vẫn còn rất mạnh, “có thể nói là chưa suy suyển đáng kể trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương với Mỹ – Anh” [12, 277] . Điều này chứng tỏ cuộc chiến tranh đã bước sang giai đoạn mới (Nhật Bản phòng thủ) từ giữa 1943, nhưng Mỹ – Anh chưa thể tạo ra những chuyển biến căn bản của cuộc chiến trong thời gian dài.
Khi phát động chiến tranh Thái Bình Dương, “Nhật có khoảng 100 sư đoàn, chúng để lại 20 sư đoàn ở nước Nhật, 60 sư đoàn (trong đó có đội quân Quan Đông hơn 1 triệu quân là con “A” chủ bài của lực lượng Nhật Bản) bố trí trên chiến trường Trung Quốc, chủ yếu dọc biên giới Trung – Xô, còn lại 20 sư đoàn tung hoành khắp Đông Nam Á - Thái bình Dương - Ấn Độ Dương” [12, tr229]. Đến thời
điểm trước khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật, hơn 1 triệu quân Quan Đông của Nhật vẫn là đạo quân “sườn sắt”, lực lượng chủ lực của Nhật Bản. Ngay khi Liên Xô tuyên chiến, trong hơn 1 tuần (8/8 – 15/8), Hồng quân Liên Xô đã tấn công trực diện như vũ bão vào con “A” chủ bài này. Đến 14/8/1945, đạo quân Quan Đông bị tiêu diêt.
Về phía Mỹ – Anh, trong khi hơn ba năm chiến tranh không tạo nên những thắng lợi quyết định, lực lượng Nhật “vẫn chưa suy suyển đáng kể”, nhưng ngay khi Liên Xô tuyên chiến, Mỹ đã âm mưu “tranh công với Liên Xô trong việc đánh bại Nhật Bản” [12, tr229], đã ngay lập tức cho ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản vào 2 ngày 6/8 và 9/8/1945. Tuy nhiên hành động của Mỹ vẫn không thể đánh bại được Nhật Bản . “Trong những ngày 9, 10, 11, 12, 13/8, nội các Nhật thường xuyên họp, nhưng không quyết định đầu hàng không điều kiện, mà chỉ tuyên bố chấp nhận bản tuyên cáo Pốtx-đam với điều kiện là không động đến chế độ quân phiệt Thiên hoàng… Nhưng ngay sau khi nhận được tin đạo quân Quan Đông, niềm hi vọng cuối cùng của Nhật hoàng bị tiêu diệt trên chiến trường Đông Bắc Trung Quốc, ngày 14/8, Nhật Bản đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng Minh”. Như vậy trong một tuần (từ ngày 8/8 đến 15/8), quân đội Liên Xô đã làm được việc mà trong hơn năm quân đội Mỹ, Anh không làm được.
Từ những điều đã phân tích, Liên Xô là nước có vai trò quyết định trong tiêu diệt phát xít Đức về tận sào huyệt cuối cùng, kết thúc chiến tranh ở chiến trường Châu Âu; là nước có công đầu trong giúp đỡ nhân dân các nước Châu Á đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa phát xít; đồng thời lại là nước trực tiếp tiêu diệt đội quân “sườn sắt”của Nhật Bản. Từ đó có thể khẳng định Liên Xô là nước có vai trò quyết định trong cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Nhật, kết thúc chiến tranh ở Châu Á, lập lại hòa bình trên toàn thế giới.
Thắng lợi của Liên Xô tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt Nhật là thắng lợi của chính nghĩa với phi nghĩa; thắng lợi của nhân dân tiến bộ thế giới với lực lượng
“hiếu chiến nhất, phản động nhất, sô – vanh nhất”; là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản đế quốc. Nguồn gốc sức mạnh củ Liên Xô là từ chủ nghĩa xã hội – tự do, công bằng, bình đẳng và hạnh phúc. Đó là nội lực bên trong, là hậu
phương vững chắc cho Hồng quân chiến đấu và giành thắng lợi trên chiến trường.
Cùng với việc Liên Xô đã lập nhiều chiến công hiển hách trong những năm chiến tranh thì Liên Xô cũng là nước chịu nhiều tổn thất nhất. Liên Xô tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức, rồi lại thực hiện nghĩa vụ quốc tế tham gia và đóng vai trò quyết định trong tiêu diệt quân phiệt Nhật, không chỉ vì Tổ quốc Xô Viết mà còn vì sự nghiệp giải phóng hoàn toàn nhân loại. Ngày nay, nhà nước chủ nghĩa xã hội không còn, nhưng tinh thần chiến đấu và vai trò to lớn của Hồng quân Liên Xô vẫn còn lại mãi trong sâu thẳm tâm hồn nước Nga nói riêng và trong ký ức nhân loại tiến bộ thế giới nói chung. “Loài người sẽ mãi mãi biết ơn nhân dân Liên Xô và lực lượng vũ trang Xô viết đã giải phóng họ khỏi thảm họa khủng khiếp của chủ nghĩa phát xít” [12, 230]