Về tổ chức phát hành. Theo quy định của Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003, chủ thể phát hành các loại trái phiếu Chính phủ là Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế, Chính phủ không trực tiếp thực hiện các hoạt động và tiến hành các phương thức phát hành mà uỷ quyền cho Kho bạc Nhà nước (đối với trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình trung ương), Bộ Tài Chính (đối với trái phiếu ngoại tệ), các tổ chức tài chính nhà nước, tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính được Chính phủ chỉ định (đối với trái phiếu đầu tư) trực tiếp phát hành.
Về mục đích phát hành. Cũng giống như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ phát hành các loại chứng khoán này nhằm mục đích huy động
vốn trong dân chúng. Tuy nhiên nếu như doanh nghiệp phát hành trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh thì Chính phủ phát hành trái phiếu để bù đắp thiếu hụt của Ngân sách Nhà nước, cho các dự án thuộc vốn đầu tư của ngân sách trung ương đã ghi trong kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách trong năm, để đầu tư phát triển kinh tế của quốc gia; tức là thực hiện các nhiệm vụ ở tầm vĩ mô.
Về phương thức phát hành. Phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc sử dụng hợp lý phương thức phát hành sẽ đem lại hiệu quả cao cho đợt phát hành đó. Như chúng ta đã biết phát hành trái phiếu Chính phủ không phải là hoạt động được thực hiện một cách thường xuyên. Nó chỉ được thực hiện khi Nhà nước cho nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách hoặc chi cho đầu tư phát triển. Vì vậy nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút nhanh chóng nguồn vốn trong dân chúng, giải quyết được những nhu cầu cấp bách và cần thiết về vốn của quốc gia, Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 đã quy định nhiều phương thức phát hành cho từng loại trái phiếu. Theo đó, đấu thầu và bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là hai phương thức được áp dụng cho cả bốn loại chứng khoán của Chính phủ. Đối với phương thức bán lẻ qua hệ thống kho bạc Nhà nước, ưu điểm là chứng khoán được bán trực tiếp đến tay nhà đầu tư. Đồng thời đây cũng là phương thức rất quen thuộc với người dân Việt Nam khi mà họ còn xa lạ với các phương thức phát hành khác. Phương thức đấu thầu được xem là phương thức đem lại hiệu quả cao cho đợt phát hành vì lãi suất được hình thành qua kết quả đấu thầu không bao giờ lớn hơn mức lãi suất chỉ đạo, hơn nữa lượng chứng khoán sẽ được bán gọn cho các đơn vị trúng thầu do vậy tốc độ thu hút vốn rất nhanh chóng.
Đối với trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình trung ương, trái phiếu đầu tư; Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 còn quy định phương thức bảo lãnh phát hành. Đây là phương thức phát hành mới được bổ sung vào Nghị định này so với Nghị định 72/CP ngày 26 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ trước kia. ở nhiều nước trên thế giới, bảo lãnh phát hành là phương thức được sử dụng rất phổ biến vì nó đảm bảo được tính an toàn cho cả đợt phát hành. Đây
cũng là phương thức có khả năng đem lại kết quả cao nhất cho đợt phát hành.
Việc bổ sung “bảo lãnh” vào các phương thức phát hành trái phiếu của Chính phủ cũng sẽ làm cho thị trường trái phiếu nước ta bớt đơn điệu khi mà trên thị trường xuất hiện trên thị trường một chủ thể mới: công ty bảo lãnh phát hành.
Ngoài ra, riêng đối với việc phát hành trái phiếu kho bạc, tổ chức phát hành có thể áp dụng phương thức đại lý phát hành. Với phương thức này kho bạc nhà nước có thể tiêu thụ một lượng lớn chứng khoán, vốn sẽ được huy động tương đối nhanh từ đó có thể nhanh chóng bù đắp được sự thiếu hụt của ngân sách Nhà nước.
Về điều kiện phát hành. Pháp luật chỉ quy định điều kiện phát hành đối với trái phiếu công trình trung ương. Theo đó, điều kiện phát hành loại chứng khoán này được quy định tại điều 29 của Nghị định :
(i) Công trình nằm trong danh mục đầu tư trọng điểm hàng năm của Chính phủ. Điều kiện này là phù hợp với mục đích của việc phát hành trái phiếu công trình Trung ương. Mục đích của việc phát hành trái phiếu công trình Trung ương là nhằm huy động vốn cho các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương, đã ghi trong kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách trong năm.
Đây chính là điều kiện cần và là điều kiện tiên quyết để phát hành loại chứng khoán này. Bởi vì, nếu không có “công trình nằm trong danh mục đầu tư..” thì Chính phủ không phải huy động vốn và từ đó không phải phát hành trái phiếu công trình trung ương.
(ii) Phương án phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng vốn vay và phương án hoàn trả nợ vay khi đến hạn được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề án do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng.
Có thể nói, Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 ra đời đã thực sự tạo cơ hội thông thoáng cho việc phát hành chứng khoán của Chính phủ. So với Nghị định 72/CP ngày 26 tháng 7 năm 1994 trước đây, Nghị định đã hoàn thiện một số nội dung như: đa dạng hoá các loại trái phiếu chính phủ (bổ sung hai loại trái phiếu ngoại tệ và trái phiếu đầu tư) từ đó tạo sự phong phú cho
nguồn hàng của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Đồng thời Nghị định cũng bổ sung phương thức bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, xoá bỏ điều kiện để phát hành trái phiếu Kho bạc. Trong thời gian qua, cùng với sự ra đời của VDB (ngân hàng phát triển Việt Nam) cộng một cơ chế phát hành trái phiếu Chính phủ rất “mở” theo Nghị định 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003, một khối lượng vốn rất lớn đã được huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Sáu tháng cuối năm 2006, VDB đã huy động được 8730 tỷ đồng. Năm 2006 là năm đầu tiên VDB hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn để cấp tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và bảo lãnh tín dụng [7].
Vốn trái phiếu Chính phủ đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc đầu tư các công trình, dự án lớn của Chính phủ. Với các quy định rất thông thoáng, trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới sẽ thực sự trở thành công cụ nợ trên thị trường tài chính, trở thành hàng hoá được giao dịch thực sự sôi động trên thị trường chứng khoán sơ cấp.