PT VIỆT NAM - CHI NHÁNH ĐÔNG ĐÔ
3.4. Một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng phân tích TCDN trong hoạt động tín dụng
3.4.1. Đối với chính phủ.
Hệ thống chính sách nhà nước có ảnh hưởng chi phối tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội...Về lĩnh vực ngân hàng, các hoạt động luôn bị ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế- tài chính- ngân hàng của nhà nước. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng nói chung và nâng cao chất lượng công tác phân tích tình hình TCDN nói riêng không chỉ cần nỗ lực của riêng ngân hàng mà còn cần sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan hữu quan khác.
- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước với hoạt động tín dụng
Đây là một chính sách hết sức quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài
chính- ngân hàng của nhà nước. Nó tác động tới hoạt động tín dụng nói chung và ảnh hưởng đến công tác phân tích tài chính doanh nghiệp trong hoạt động tín dụng nói riêng. Nhà nước cần bổ sung hoàn thiện các văn bản, cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn hoạt động tín dụng để hoạt động này thực sự trở nên lành mạnh và có hiệu quả. Tuy nhiên, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động tín dụng của NHTM, ngân hàng phải có quyền tự chủ trong các quyết định tín dụng của mình, nên tách biệt giữa các khoản tín dụng kinh doanh của ngân hàng với các khoản tín dụng chỉ định, uỷ thác đầu tư do nhà nước yêu cầu.
- Về hoạt động kế toán doanh nghiệp
Nhà nước ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Hiện nay công tác quản lý nhà nước về pháp lệnh kế toán thống kê với các doanh nghiệp chưa được chú ý đúng mức nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong khi đó, các công ty kiểm toán của nước ta còn non trẻ, đội ngũ cán bộ chưa nhiều kinh nghiệm, vì vậy, Nhà nước cần ban hành những sắc lệnh đi kèm với các chế tài bắt buộc để mọi doanh nghiệp phải áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ chế độ kế toán và thông tin báo cáo phải trung thực và đầy đủ.
Nhà nước phải ban hành quy chế bắt buộc kiểm toán và công khai quyết toán của doanh nghiệp. Việc thực hiện kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên và cần phải có các chế tài xử lý nghiêm ngặt trong các trường hợp doanh nghiệp cung cấp các thông tin sai lệch nhằm đưa các doanh nghiệp này vào khuôn khổ hoạt động và phát triển lành mạnh. Có như vậy, cán bộ tín dụng mới có được những thông tin trung thực, cần thiết cho việc đánh giá tình hình tài chính của khách hàng, phòng ngừa rủi ro. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, Nhà nước cần củng cố và mở rộng mạng lưới các
cơ quan kiểm toán hơn nữa. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam rất nhiều nhưng số lượng các công ty kiểm toán còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu kiểm toán của các doanh nghiệp, vì vậy việc mở rộng mạng lưới kiểm toán là một biện pháp rất cần thiết.
3.4.2. Đối với Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ về mặt nghiệp vụ và tiến hành định hướng cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. NHNN quản lý hoạt động của các NHTM thông qua việc ban hành các văn bản, quy định về hoạt động tín dụng, từ đó NHTM có thể tự sắp xếp, điều chỉnh hoạt động tín dụng của mình sao cho phù hợp với các định hướng đó.
NHNN nên sớm hoàn thiện cơ chế trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, NHNN có thể lập Phòng hỗ trợ công tác phân tích TCDN trong hoạt động tín dụng của các NHTM, phòng hỗ trợ này có nhiệm vụ giúp đỡ các ngân hàng hoàn chỉnh quy trình phân tích, có thể hỗ trợ đào tạo, nâng cao kinh nghiệm cho các cán bộ tín dụng và tổng hợp kinh nghiệm và bài học của các ngân hàng trong và ngoài nước về công tác này.
-NHNN cần có các biện pháp hỗ trợ các NHTM trong việc thu thập thông tin. Hiện nay, NHNN đang thực hiện việc này thông qua hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng CIC, được đặt tại Vụ tín dụng của NHNN, có chi nhánh tại NHNN các tỉnh thành phố, thu thập các thông tin về các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp lớn). Dịch vụ của CIC đã được thương mại hoá nên chất lượng phục vụ ngày càng tăng. NHNN nên xây dựng các văn bản đủ hiệu lực, quy định cụ thể tác nghiệp như: nguồn cung cấp thông tin, người sử dụng thông tin, các chỉ tiêu thu thập, các tiêu thức đánh gía phân tích. Ngoài ra, NHNN cần ban hành các quy định bắt buộc các NHTM khai thác, tham gia CIC, coi đó như quyền lợi nghĩa vụ của mình.
3.4.3. Đối với Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam
Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam cần có các văn bản hướng dẫn và chế độ đào tạo cán bộ tín dụng nhằm giúp các cán bộ tín dụng có thể áp dụng quy trình đánh giá doanh nghiệp sao cho đúng đắn, chính xác hơn. Đây là một biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác phân tích tình hình TCDN trong hoạt động tín dụng của các chi nhánh vì thực tế các chi nhánh hình thành thói quen làm việc theo văn bản, áp dụng một cách cứng nhắc văn bản vào thực tế công việc. Hỗ trợ các chi nhánh trong việc thu thập thông tin bằng cách tăng cường hơn nữa hiệu quả trung tâm thông tin phòng ngừa rủi ro của hệ thống. Cần thiết lập các phòng thông tin tại các chi nhánh nhằm nâng cao hiệu quả thu thập xử lý thông tin, dữ liệu từ cơ sở. Đồng thời Hội sở chính phải có kế hoạch hỗ trợ đào tạo cán bộ tín dụng cho các chi nhánh song song với công tác tuyển dụng mới.
Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam nên tổ chức hàng năm hội nghị toàn hệ thống về công tác phân tích TCDN trong hoạt động tín dụng nhằm báo cáo kết quả hoạt động và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác này trong toàn hệ thống.