Hạn chế và nguyên nhân 1.Hạn chế

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh lào cai thực trạng và giải pháp (Trang 76 - 80)

2.5.1.1.Cơ cấu FDI của tỉnh còn nhiều điểm bất hợp lý

Qua phân tích thực trạng thu hút FDI ở trên, có thể thấy rằng cơ cấu FDI của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua còn nhiều điểm bất hợp lý. Đây cũng hầu hết là những điểm chung trong thực trạng thu hút của cả nước, cần phải có định hướng giải quyết trong những năm tới.

Thứ nhất, quy mô dự án đầu tư vào tỉnh còn nhỏ và thiếu đầu tư vào các ngành trọng điểm. Mặc dù tỉnh Lào Cai có những lợi thế nhất định trong thu hút nguồn FDI như nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, tiềm năng thuỷ điện, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch và nông lâm nghiệp; môi trường đầu tư của tỉnh Lào Cai cũng được đánh giá là hấp dẫn; nhưng trên thực tế, Lào Cai chưa thu hút được các dự án FDI có quy mô vốn lớn, đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp nặng, công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án công nghiệp và công nghệ cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Thứ hai, cơ cấu FDI theo đối tác đầu tư cho thấy nguồn vốn FDI của tỉnh Lào Cai phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ Trung Quốc. Có thể sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hóa cũng như tình láng giềng hữu nghị giữa hai nước đã giúp cho tỉnh Lào Cai nói riêng có được thiện cảm của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiếm tới 82% về số dự án và 84% về số vốn là tỷ trọng quá lớn trong

cơ cấu FDI. Sự phụ thuộc này sẽ tiềm ẩn những rủi ro trong tương lai. Bên cạnh đó, thực tế triển khai hoạt động của các dự án FDI cho thấy hiệu quả kinh tế của các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, 20 trong tổng số 41 dự án (tương đương 48,8%) đã giải thể và bị rút Giấy chứng nhận đầu tư. Quy mô của các dự án đa số là nhỏ kéo theo tình trạng hầu hết các dự án FDI của Trung Quốc có công nghệ thấp, chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu dùng phổ thông.

Thứ ba, sự mất cân đối trong phân bổ vốn trên địa bàn. Các nhà đầu tư nước ngoài trong khi lựa chọn địa điểm để triển khai dự án đầu tư thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thuận lợi hơn. Do đó, thành phố Lào Cai và các huyện có nhiều điều kiện thuận lợi như Sa Pa, Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát là nơi tập trung toàn bộ các dự án FDI trong thời gian qua. Trong khi đó, các huyện còn khó khăn hơn, cần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế như Si Ma Cai, Mường Khương, mặc dù có nhiều ưu đãi hơn nhưng lại chưa được các nhà đầu tư quan tâm thích đáng. Tình trạng này đã dẫn đến một nghịch lý: những nơi có trình độ phát triển cao hơn thì thu hút được nhiều vốn FDI, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt quá tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh, còn những nơi có trình độ phát triển kém hơn thì không thu hút được vốn FDI, không có nguồn lực bên ngoài để phá vỡ

“vòng luẩn quẩn”, tốc độ phát triển kinh tế dưới mức bình quân chung toàn tỉnh.

2.5.1.2.Giá trị thực mà FDI đóng góp vào nền kinh tế còn thấp

Đến thời điểm hiện tại, tổng số các dự án FDI còn hiệu lực hoạt động là 29 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 481 triệu USD, giải ngân đạt khoảng trên 117 triệu USD, bằng 22,4% so với tổng đầu tư đăng ký. Nhiều dự án FDI chưa được giải ngân đúng tiến độ không phải do nhà đầu tư không có khả năng tài chính mà do tâm lý chờ đợi cơ hội, chờ đợi các điều kiện hạ tầng nhất định mới triển khai đầu tư.

Ngoài ra, còn nhiều dự án tiến độ triển khai rất chậm, đặc biệt là thủ tục bàn giao đền bù để thuê đất. Vì vậy, khả năng đóng góp giá trị thực tế của khu vực FDI vào nền kinh tế quốc dân còn rất hạn chế so với tiềm năng. Bên cạnh đó, mức đóng góp từ khu vực FDI vào ngân sách nhà nước hàng năm còn rất “khiêm tốn” (khoảng 16 đến 18 tỷ đồng), chủ yếu là do các dự án lớn, có khả năng đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước đều chưa đi vào hoạt động chính thức, ngoài ra, còn có các dự án đang trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.

2.5.2.Nguyên nhân

Những hạn chế trong quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư cũng như công tác thu hút đầu tư tại tỉnh Lào Cai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan

2.5.2.1.Nguyên nhân khách quan

- Từ năm 2006 đến nay, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đặc biệt là năm 2008. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà đầu tư có thái độ dè dặt trong việc sử dụng đồng vốn của mình, nhiều doanh nghiệp do không chủ động trong việc đối phó với những thay đổi bất thường của nền kinh tế thế giới nên dẫn đến hoạt động khó khăn, rồi dẫn đến phá sản. Điều này không chỉ xảy ra đối với các doanh nghiệp làm ăn nhỏ mà ngay cả đối với các ông chủ doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Làn sóng đầu tư từ đó mà chậm lại, vốn đầu tư đổ vào những nơi thực sự có khả năng sinh lợi cao.

- Cơ chế quản lý của Nhà nước vừa cồng kềnh, vừa trùng lặp, vừa buông lỏng, vừa can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp mà vẫn sơ hở như trong các trường hợp chuyển giá, trong các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, đưa thiết bị cũ, lạc hậu vào Việt Nam hoặc lợi dụng độc quyền để đẩy giá sản phẩm lên cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chính sách liên quan đến hoạt động FDI của Việt Nam từ năm 1996 đến nay đã có rất nhiều lần thay đổi, do đó ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và nắm bắt thông tin của các nhà đầu tư. Năm 2005, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... ban hành tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, tính thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Bộ luật, Luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… chưa cao, còn nhiều điểm bất cập và mâu thuẫn nên chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

- Việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư giữa các tỉnh diễn ra thực sự gay gắt và quyết liệt, đặc biệt là từ khi Việt Nam ra nhập WTO. Trong khuôn khổ chính sách quản lý của nhà nước, mỗi địa phương đều đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư mang tính cạnh tranh cao, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn nhất, nhằm thu hút và tận dụng nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Trong khu vực các tỉnh Tây Bắc, có thể thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh Phú Thọ, Lạng Sơn trong mấy năm gần đây. Đây là thách thức không nhỏ đối với tỉnh Lào Cai, nếu vẫn mong muốn giữ vị trí là một trong những tỉnh “đầu tàu” của khu vực trong thu hút FDI .

2.5.2.2.Nguyên nhân chủ quan

Môi trường đầu tư của Lào Cai chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng so với các tỉnh khác thì tiến độ bứt phá còn chậm.

- Môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh ở Lào Cai chưa đồng bộ, thiếu sự kết hợp và thiếu tính ổn định; nhiều công cụ tài chính và nhiều thị trường chưa phát triển đầy đủ và chưa phát huy hiệu quả gây trở ngại cho quá trình thực hiện đầu tư.

- Công tác giải phóng mặt bằng có nơi, có lúc còn chậm, mang tính chủ quan, thiếu khoa học đã làm hạn chế kết quả thu hút đầu tư mới.

- Công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi. Thực trạng thiếu thông tin chính thức, kịp thời đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút và triển khai các dự án FDI tại Lào Cai trong thời gian vừa qua, và đây cũng vẫn là một thách thức không nhỏ trong điều kiện nội lực của tỉnh còn nhiều khó khăn, mặc dù thời gian qua Lào Cai đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư qua các hình thức phát hành ấn phẩm “Lào Cai - Cơ hội Đầu tư và Kinh doanh”, qua phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, hội chợ trong nước và quốc tế. Cuối năm 2006, tỉnh Lào Cai đã thành lập Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lào Cai, tuy nhiên hoạt động của cơ quan này còn chưa được kiện toàn và hiệu quả nên cũng chưa mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư FDI. Hiện nay, kênh tư vấn được các nhà đầu tư lựa chọn vẫn là làm việc trực tiếp với các Sở, ban, ngành. Do đó, việc chủ động và thường xuyên cập nhật thông tin là chưa thực hiện được. Tỉnh cũng chưa chủ động đưa ra các sáng kiến trong hoạt động này. Một phần vì kinh phí dành cho công tác xúc tiến đầu tư còn hạn hẹp. Mặt khác, do các chủ đầu tư là người nước ngoài nên ngôn ngữ bất đồng hoặc tìm hiểu qua các kênh thông tin không chính thức, không đầy đủ nên nhiều nhà đầu tư còn thiếu thông tin về FDI tại Lào Cai.

- Cơ chế “một cửa, tại chỗ” đã được thực hiện trong quản lý đầu tư nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc phức tạp, nhiều khâu còn chồng chéo, chưa thực sự hiệu quả.

- Các hình thức đầu tư nước ngoài chưa phong phú, hạn chế khả năng góp vốn và hiệu quả sử dụng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

- Lào Cai là địa phương có tới 64% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí nói chung còn thấp so với các khu vực khác trong cả nước. Vì thế, đòi hỏi nguồn nhân lực toàn diện là yêu cầu cấp thiết nhưng không dễ thực hiện trong một thời gian ngắn. Gần đây, mặc dù chính quyền tỉnh quan tâm hơn về vấn đề đào tạo

nguồn nhân lực, khi dành ra mỗi năm 25 tỷ đồng cho công tác đào tạo, tuy vậy, về một số mặt cụ thể như yêu cầu ngành nghề đặc thù, hoặc những vị trí công tác chủ chốt, thì trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và khả năng sử dụng ngoại ngữ của cán bộ, lao động, đặc biệt là của lực lượng lao động kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư. Số lượng cán bộ, lao động đủ trình độ đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn thiếu hụt. Khi được tiếp nhận vào làm việc, đa số buộc phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ, khả năng tham mưu, đề xuất cụ thể hoá chủ trương chính sách của một số cán bộ còn hạn chế; tính bảo thủ, quan liêu ở một số cán bộ công chức còn chậm được khắc phục.

- Toàn tỉnh còn chưa có đơn vị chuyên môn về tư vấn đầu tư để tư vấn nhà đầu tư từ quá trình khảo sát đến quyết định lập Hồ sơ dự án cũng như quản lý triển khai dự án đầu tư.

- Từ khi tái lập, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động đầu tư, nhưng lĩnh vực này phát triển không kịp mức tăng trưởng cao của nền kinh tế khu vực cũng như thế giới, hơn nữa về cơ bản, tỉnh vẫn là một tỉnh nghèo trong cả nước, đời sống nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc còn rất khó khăn nên nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng rất hạn chế.

CHƯƠNG III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT VÀ SỬ DỤNG FDI TẠI TỈNH LÀO CAI

TRONG THỜI GIAN TỚI

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh lào cai thực trạng và giải pháp (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w