4.3.1. Thành công
Với những chiến lược KFC thực hiện khi thâm nhập thị trường Việt Nam, KFC đã xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của mình.
KFC đã góp phần hình thành nên ngành công nghiệp thức ăn nhanh ở Việt Nam, cũng cho thấy sự thành công của một hình thức kinh doanh hiện đại “Franchising”.
Với việc chấp nhận chịu lỗ 7 năm và đến năm 2006 mới bắt đầu thu được lợi nhuận, KFC đã chiếm được thị trường và ngày càng khẳng định tầm vóc của thương hiệu. KFC được nhiều người biết đến và có thể nói là đạt được thành công rực rỡ ở Việt Nam.
KFC đã thực sự thu hút được giới thanh niên không chỉ vì sự thuận tiện, sang trọng mà KFC đã tạo nên một trào lưu mới trong giới trẻ, đến KFC không chỉ để thưởng thức món ăn, mà còn thưởng thức một phong cách hiện đại đang phổ biến trên thế giới. KFC đã biến cửa hàng của họ trở thành nơi gặp mặt của bạn bè, đồng nghiệp để bàn bạc những vấn đề về công việc, cuộc sống cũng như tổ chức các buổi tiệc nhỏ nhân dịp quan trọng như sinh nhật, liên hoan công
ty...
Tính về thị phần trong ngành cung cấp thức ăn nhanh tại Việt Nam, hiện nay KFC đang có thị phần khá lớn (chiếm khoảng 70%), phần còn lại được chia sẻ cho Lotteria và các hãng khác.
Theo phản hồi của thực khách, hiện nay KFC đã đáp ứng được các nhu cầu chủ yếu của khách hàng về chất lượng món ăn, thời gian chờ đợi, phong cách phục vụ, sự đa dạng của thực đơn... Đây là những lợi thế mà trong thời gian tới KFC cần phải duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ về mọi mặt để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.
4.3.2. Hạn chế
4.3.2.1. Hệ thống phân phối
Tại Việt Nam các cửa hàng của KFC chỉ mới xuất hiện ở 1 số tỉnh thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, ... và tập trung chủ yếu là ở thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê năm 2010, KFC đã có mặt tại TPHCM (49 nhà hàng), Hà Nội (15 nhà hàng), Vũng Tàu (3 nhà hàng), Đồng Nai (3 nhà hàng), Hải Phòng (1 nhà hàng), Cần Thơ (1 nhà hàng), ĐăkLăk (1 nhà hàng), Huế (2 nhà hàng), Đà Nẵng (2 nhà hàng) và Bình Dương
(1 nhà hàng). Trong những năm đầu, KFC chủ yếu chọn địa điểm đặt nhà hàng tại siêu thị và trung tâm thương mại.
4.3.2.2. Nhiều đối thủ cạnh tranh
Thị trường Việt Nam hiện được xem là miếng mồi béo bở cho các
“đại gia fastfood”, do đó KFC đang phải chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều đối thủ như: Lotteria, Jollie Bee,... Không chỉ có các ông lớn trong lĩnh vực fastfood trên thế giới, những doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng đã bắt đầu để ý đến miếng bánh này, tiêu biểu Kinh Đô chính thức gia nhập thị trường fast food vào tháng 7/2009 với 4 nhà hàng K–Do bakery & café, nhắm tới khách hàng mục tiêu là tuổi teen và nhân viên văn phòng. Đứng trước những đối thủ tên tuổi và đầy đủ tiềm lực phát triển, KFC cần phải tiên phong trong việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu khách hàng để có thể tạo ra những sản phẩm mới, ngon và phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt Nam. Bên cạnh đó thì chiến lược giá, quảng cáo, tiếp thị cũng là những yếu tố quan trọng mà KFC phải cân nhắc kĩ lưỡng nhằm giữ vững chỗ đứng và vượt qua các đối thủ của mình.
4.3.2.3. Văn hóa ẩm thực
Dù hội nhập khá nhiều trong quan điểm về ăn uống, tuy nhiên KFC vẫn gặp phải một số khó khăn vì với một dân tộc gắn bó với bữa cơm gia đình thì việc đến một nơi đông đúc và không có không gian riêng như KFC là một điều bất tiện và không mấy vui vẻ. Thế nên để ngày càng phát triển, KFC cần nghiên cứu thêm về ước muốn của người Việt Nam trong nhu cầu ăn uống nhằm mang lại nhiều sự hài lòng hơn.
Thêm vào đó, căn bệnh béo phì dường như đang là nỗi ám ảnh của không ít người dân ở mọi lứa tuổi tại Việt Nam hiện nay. Việc ăn quá nhiều dầu mỡ, thức ăn không đảm bảo chất lượng khiến một lượng khách hàng không nhỏ ngại ngần khi ăn thức ăn không do mình chế biến và đặc biệt lại có nhiều cholesterol gây nguy hiểm cho sức khỏe.