KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.2. BÀN LUẬN VỀ ĐIỀU TRỊ VIÊM XOANG
+ Về mối liên quan giữa chỉ định điều trị của bác sỹ và điều trị thực tế ở bệnh nhân; qua bảng 3.15, đa số bệnh nhân viêm xoang được chỉ định ngoại khoa (81%) so với nội khoa là 19%. Trong số 81 bệnh nhân được chỉ định điều trị ngoại khoa, có 86,4% điều trị thực tế bằng ngoại khoa. Trong lúc đó có 19 bệnh nhân được chỉ định điểu trị nội khoa thì 100% điều trị thực tế nội khoa. Kết quả này phù hợp vì theo Võ Tấn (1989) điều trị viêm đa xoang mạn tính chủ yếu điều trị ngoại khoa là chính, nội khoa chỉ đóng vai trò thứ yếu [33].
+ Về đường mổ, theo bảng 3.16 phẫu thuật bằng đường nội soi chiếm đa số với 88,6% trong số bệnh nhân được phẫu thuật. Như vậy, phẫu thuật nội soi hiện nay đang được áp dụng rộng rãi và giải quyết hiệu quả hơn bệnh tích ở mũi xoang.
+ Về mức độ phẫu thuật; theo bảng 3.17, trong số bệnh nhân được phẫu thuật, phẫu thuật ở xoang sàng chiếm 82,9% (58/70), ở xoang hàm chiếm 80% (56/70), ở xoang trán chiếm 4,3% và ở xoang bướm chiếm 2,9%; sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Theo Võ Tấn (1989), viêm xoang sàng thường gặp nhất ở Việt Nam, do cấu tạo của xoang sàng rất phức tạp (mê đạo sàng) nên đòi hỏi phải giải quyết ổ mủ ở xoang sàng thì mới điều trị các xoang khác được [20], [33].
Các phẫu thuật ở xoang trán và xoang bướm ít gặp do tỷ lệ tổn thương ở các xoang này ít gặp (bảng 3.13); ngoài ra đối với xoang bướm, do cấu tạo gần các cấu trúc quan trọng trong não nên phẫu thuật ở đây cũng hạn chế; đối với xoang trán, bệnh lý thường xảy ra cấp tính nên chủ yếu là điều trị nội khoa hoặc thủ thuật là chính.