KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1.9. Thể loại của viêm xoang
Theo bảng 3.9, viêm xoang mạn tính chiếm đa số với tỷ lệ 96% trong đó viêm xoang mạn tính thường chiếm tỷ lệ 69%, viêm xoang mạn tính đợt cấp chiếm tỷ lệ 27%. Viêm xoang cấp tính chỉ chiếm tỷ lệ 4%. Sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Bảng 3.10 cho thấy trong viêm xoang, đa số là tổn thương cả hai bên với tỷ lệ 87%, tổn thương một bên chỉ chiếm 13% ( phải 5% và trái 8%). Sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả của Đặng Thanh (2003) (viêm xoang mạn tính chiếm 87,2% so với viêm xoang cấp chỉ 12,8%) và của Phạm Kiên Hữu (2004) (viêm xoang mạn chiếm 90% bệnh nhân trước phẫu thuật) [18], [34].
Do trong viêm xoang mạn tính các triệu chứng nghèo nàn nên bệnh nhân chỉ đến khám khi có đợt cấp hoặc khi triệu chứng tái phát nhiều lần/ năm hoặc kéo dài dai dẵng không còn đáp ứng với điều trị nội khoa nữa.
+ Đối với các xoang bị tổn thương (bảng 3.11), nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tổn thương xoang hàm chiếm 96%, xoang sàng trước chiếm 93%, cao hơn so với tổn thương các xoang khác, sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Theo Võ Tấn các xoang trước thường dễ bị tổn thương hơn do tiếp xúc đầu tiên với các tác nhân gây bệnh [33].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với Phan Văn Dưng (2006), tổn thương ở xoang hàm là cao nhất sau đó lần lượt là sàng trước, sàng sau [8]; hoặc với Boari L. (2005), cho thấy tỷ lệ tổn thương trên phim CT scan của xoang hàm chiếm tỷ lệ rất cao 91,9%, xoang sàng trước là 83,9% [42].
+ Đối với vị trí tổn thương trên phim CT scan xoang (bảng 3.11), viêm cả hai bên chiếm tỷ lệ cao hơn viêm một bên. Theo Võ Tấn (1989), trong viêm xoang mạn tính, viêm một xoang riêng lẻ tương đối hiếm gặp, nếu có thường do nguyên nhân rõ ràng như viêm xoang do răng, viêm xoang ở trẻ em [33]. Vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn hợp lý.
+ Mức độ viêm xoang đánh giá theo phim CT scan
Phim CT scan xoang hiện nay được xem là phương tiện chẩn đoán chính xác nhất các tổn thương mũi xoang với hình ảnh bệnh lý rõ ràng. Áp dụng thang điểm Lund - Mackay trong nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy tổn thương ở độ 2 và độ 3 chiếm tỷ lệ 61%, cao hơn hẳn so với độ 1 và độ 4 (39%), sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Kết quả của chúng tôi có chệnh lệch so với kết quả của Phan Văn Dưng (2006); độ 3, độ 4 gặp nhiều hơn (91%) trong khi độ 1, độ 2 gặp ít hơn (34,09%) [8]; sự chênh lệch này có lẽ do mẫu nghiên cứu của chúng tôi bao gồm bệnh nhân điều trị phẫu thuật và cả bệnh nhân điều trị nội khoa trong khi Phan Văn Dưng chỉ nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân điều trị phẫu thuật.
4.1.11. Biến chứng
Viêm xoang cũng gây ra khá nhiều biến chứng. Theo bảng 3.14, số bệnh nhân có biến chứng chiếm tỷ lệ rất cao 95%. Trong các biến chứng thì viêm họng chiếm tỷ lệ cao nhất 49%, kế đó là giảm hoặc mất khứu giác 30% so với các biến chứng khác, sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả của Đặng Thanh (2003), biến chứng chiếm tỷ lệ cao và thường gặp là biến chứng viêm họng [34].