Thời gian mắc bệnh viêm xoang

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng hình ảnh tổn thương trên phim CT scan trong chẩn đoán điều trị bệnh viêm xoang (Trang 35 - 36)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1.5.Thời gian mắc bệnh viêm xoang

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân bị viêm xoang từ ≥ 2 năm chiếm tỷ lệ 85%, cao hơn tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh < 2 năm (15%). Sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01) (biểu đồ 3.2). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Đặng Thanh (2003) (tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh trên 1 năm cao hơn số bệnh nhân mắc bệnh dưới 1 năm) và của Phạm Kiên Hữu (2004) (tỷ lệ mắc bệnh gặp nhiều nhất là từ 2 - 3 năm) [18], [34].

Từ kết quả nghiên cứu (bảng 3.5), chúng tôi nhận thấy số bệnh nhân có toàn trạng bình thường chiếm tỷ lệ cao 63%; kế đó là mệt mỏi, gầy sút chiếm tỷ lệ 26% và sốt chỉ chiếm 11%. Sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Điều này phù hợp với bệnh cảnh viêm xoang mạn tính thì triệu chứng toàn thân thường nghèo nàn [2], [33].

4.1.7. Triệu chứng cơ năng

Từ bảng 3.6, chúng tôi nhận thấy các triệu chứng cơ năng đều chiếm tỷ lệ cao: nhức đầu (96%), tắc mũi (94%), chảy mũi trước (90%), khịt khạc (89%) và ngứa mũi hắt hơi (56%). Đây là các triệu chứng gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân khiến họ phải đến bác sỹ khám hoặc cũng chính là các triệu chứng giúp bác sỹ có chỉ định điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa không đỡ.

Kết quả của chúng tôi phù hợp với các tác giả khác như Đặng Thanh (2003), Phan Văn Dưng (2006), Vũ Hải Long và Nguyễn Hữu Khôi (2005) [8], [23], [34].

Các vị trí của nhức đầu chiếm tỷ lệ cao là: vùng trán (46%), đỉnh (32%), lan tỏa (30%), thái dương (20%); các vị trí khác chiếm tỷ lệ từ 1- 14%; với sự khác biệt rất có ý nghĩa thông kê (bảng 3.7). Điều này phù hợp với các kết quả của các tác giả khác Đặng Thanh (2003), Phan Văn Dưng (2006) [8], [34].

Có đến 94/100 bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi biểu hiện tắc mũi mà đa số là tắc cả hai bên. Đây là triệu chứng hay gặp trong viêm mũi xoang mạn tính kèm theo polype mũi hoặc cuốn mũi quá phát, thoái hóa hoặc do ứ đọng chất nhầy hay mủ.

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng hình ảnh tổn thương trên phim CT scan trong chẩn đoán điều trị bệnh viêm xoang (Trang 35 - 36)