2.2.1. Công nghệ KSH (Biogas) trên thế giới
Với nhận thức công nghệ sinh học là công nghệ khí liên nghành, đa mục tiêu, đa mục đích nên chính phủ nhiều nước trên thế giới đã và đang quan tâm, đưa ra những chính sách, những chương trình mạnh mẽ thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng KSH với mục tiêu khai thác tòa diện các lợi ích của nó, các chính sách thúc đẩy công nghệ KSH đã được chứng minh trên các lợi ích kinh tế, xã hội như: Bảo vệ môi trường, cung cấp năng lượng, điện, trên cơ sở chi phí thấp nhất cho các vùng hẻo lánh, tạo ra các hoạt động kinh tế cho các vùng hẻo lánh, đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
* Trung Quốc
Trung Quốc đã có một lịch sử ấn tượng về việc sử dụng năng lượng tái tạo cho việc phát triển nông thôn, với một số chương trình có tầm cỡ lớn nhất thế giới về KSH. Theo số liệu thống kê của Bộ nông nghiệp Trung Quốc riêng trong lĩnh vực chăn nuôi năm 1996 có 460 công trình KSH, cung cấp cho 5,59 triệu gia đình sử dụng, phát điện với công suất 866kW, sản xuất thương mại 24.900 tấn phân bón và 700 tấn thức ăn gia súc. Tới cuối năm 1998 số công trình lớn tăng lên đến 573 và đến năm 2000 có 2.000 bể cỡ lớn và 8,5 triệu hầm.
Trong những năm gần đây, các mô hình nhà kính và sử dụng năng lượng đa dạng đã được phát triển rất nhanh ở Trung Quốc, đặc biệt những bể tạo khí Biogas nhỏ được xây dựng mỗi năm lên tới 160.000 chiếc. Cuối thế kỷ XX toàn quốc đã có 7.630.000 bể tạo khí Biogas nhỏ.
* Ấn Độ
Ấn Độ là một nước mà ưu thế về mặt nông nghiệp rất lớn và chăn nuôi là một nghành có vai trò rất quan trọng của Ấn Độ. Hệ thống các trang trại chăn nuôi không chỉ mang lại sữa và thịt mà còn cung cấp phân, len, trứng…
Theo điều tra về số liệu chăn nuôi, tổng số gia súc, gia cầm ở nước này năm 1992 là 470 triệu con và 307 triệu con, đến năm 2003 thì lượng gia súc, gia cầm tương đương nhau và đạt xấp xỉ 500 triệu con mỗi loại.
Kể từ thập kỷ 50, các công trình KSH đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và bắt đầu ứng dụng cho hộ gia đình nông thôn, nhưng đây là sự phát triển tự phát, sự tiến bộ thực sự đạt được vào thập kỷ 70. Năm 1980 có 100.000 công trình KSH quy mô nhỏ đã được xây dựng. Với sự khởi đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 6 vào năm 1981, dự án quốc gia về phát triển KSH ( NPBD) ra đời sau đó là sự phổ biến rộng lớn các công trình KSH quy mô hộ gia đình và cũng bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính.
Công nghệ KSH đã liên tục được hỗ trợ bởi chính phủ Ấn Độ. Năm 1982, Ấn Độ đã thành lập một Sở chuyên trách về các nguồn năng lượng không chính thống ( DNES) thuộc Bộ năng lượng để thực hiện việc điều khiển tập trung phổ biến công nghệ KSH. Hiện tại, có khoảng 20 triệu các công trình KSH ở Ấn Độ, trong đó 70 – 80% được coi là đang hoạt động có hiệu quả.
* Đức
Việc xây dựng hầm KSH tăng từ 100 thiết bị/ năm trong những năm 90 lên 200 thiết bị/năm vào năm 2000, hầu hết các công trình có thể tích phân hủy từ 1.000 m3 đến 1.500 m3, công suất khí từ 100 đến 150 m3. Có trên 30 công trình quy mô lớn với thể tích phân hủy từ 4000 m3 tới 8.000 m3. KSH được sản xuất ra được sử dụng để cung cấp cho các tổ máy đồng phát nhiệt và phát điện, có công suất điện là 20, 50, 200 và 500 KWe.
2.2.2. Công nghệ KSH (Biogas) trong nước
* Tại Hà Nội
Trước thực trạng về mức độ phát triển chăn nuôi và ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay. Năm 2003, trung tâm khuyến nông Hà Nội đã được sự chỉ đạo của Sở NN & PTNT giao cho việc xây dựng kế hoạch, đề nghị xin được tham gia dự án KSH quốc gia trong chương trình hợp tác chai chính phủ Việt Nam và Hà Lan. Năm 2004, Hà Nội đã được sự chấp thuận của cục Nông nghiệp văn phòng dự án KSH quốc gia là 1 trong 12 tỉnh thành được tham gia chương trình dự án với tổng quy mô 1.000 công trình trong 2 năm 2004 và 2005 tổng số kinh phí là 1,8 tỷ đồng. Trong đó kinh phí hỗ trợ của dự án KSH quốc gia là 1,2 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của Hà Nội là 600 triệu đồng. Đến năm 2010, Hà Nội đã xây dựng được trên 9.000 hầm Biogas, hầu hết số hầm đều đạt hiệu quả và được người dân đánh giá cao.
* Tại Hải Dương
Được sự giúp đỡ của Cục Nông Nghiệp ( Bộ NN & PTNT ), tổ chức SNV (Tổ chức hợp tác và phát triển Hà Lan ). Với mục tiêu: Từ năm 2003 – 2005 xây dựng 1.000 công trình KSH cỡ 7 – 30m3 quy mô từ hộ gia đình có chăn nuôi từ 10 đầu lợn trở lên. Xử lý chất thải trong chăn nuôi để làm giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng KSH làm nguồn năng lượng cho sinh hoạt. Tạo nguồn phân bón sạch, thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.
* Tại Hà Nam
Theo số liệu điều tra, năm 2001 toàn tỉnh xây dựng được 26 hầm, năm 2002 là 124 hầm, năm 2003 tăng lên 248 hầm, đến hết năm 2005 là 1.800. Nếu tính cả các mô hình Biogas do người dân tự đầu tư xây dựng không có sự hỗ trợ của Nhà nước (tính đến năm 2005) toàn tỉnh có 2.126 hầm. Mô hình Biogas đã và đang đi vào cuộc sống và được người dân nông thôn chấp nhận. Nó là một hình kết hợp được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, góp phần tạo ra một nền nông nghiệp sạch để phát triển bền vững.
2.2.3. Công nghệ KHS (Biogas) tại Thái Nguyên
Thái Nguyên là tỉnh có ngành chăn nuôi phổ biến, chính vì vậy mà lượng chất thải từ nguồn này là một vấn đề đang rất được quan tâm. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, các ban ngành, được sự ủng hộ của người dân cũng
như đội ngũ cán bộ nhiệt tình, sự hỗ trợ của dự án chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Hầm ủ Biogas là mô hình đang ngày càng được phổ biến trong nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án KSH, tổng số các công trình đã nghiệm thu năm 2004 và 6 tháng đầu năm 2005 là 1.083 công trình, công tác tuyên truyền cũng được thực hiện tại các xã với đông đảo người dân tham gia. Đến tháng 11/2005 tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành công trình thứ 6.000 tại tỉnh. Đến nay, con số đó đã tăng lên gấp nhiều lần, công nghệ Biogas đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời cung cấp nguồn năng lượng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.