Trong ngành sản xuất xây lắp, việc đánh giá sản phẩm dở dang một cách chính xác rất phức tạp, chỉ mang tính chất tương đối.
Đối với Trung tâm Artex có các đội không tổ chức bộ máy kế toán riêng, kỳ báo cáo là cuối năm nên đến cuối năm công trình, hạng mục công trình nào chưa hoàn thành thì toàn bộ chi phí đã được tập hợp theo công trình, hạng mục công trình đó đều được coi là sản phẩm dở dang cuối kỳ chuyển sang năm sau.
Sổ Cái tài khoản 154 Trung tâm Artex (Phụ lục số 2.23)
Đối với các đơn vị có các đội tổ chức bộ máy kế toán riêng, kỳ báo cáo là cuối quý (mỗi quý 3 tháng) nên đến cuối quý công trình, hạng mục công trình nào chưa hoàn thành thì toàn bộ chi phí đã được tập hợp theo công trình, hạng mục công trình đó đều được coi là sản phẩm dở dang cuối kỳ chuyển sang quý sau.
Sổ Cái tài khoản 154 Đội xây lắp số 3 thuộc Trung tâm Artex (Phụ lục số 2.24)
Trên thực tế các đơn vị xây lắp tiến hành đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ của từng công trình, hạng mục công trình là tổng hợp các khoản chi phí đã phát sinh trong quá trình thi công lũy kế từ thời điểm khởi công đến thời điểm cuối kỳ hạch toán bao gồm các khoản mục chi phí sau:
Đối với nguyên vật liệu trực tiếp: bao gồm tất cả nguyên vật liệu trực tiếp xuất vào công trình trừ đi khối lượng vật liệu kiểm kê tại công trường
Đối với nhân công trực tiếp: Bao gồm tất cả tiền công nhân trực tiếp từ khi khởi công đến thời điểm đánh giá sản phẩm dở dang
Đối với chi phí máy thi công: bao gồm các khoản chi phí về máy thi công từ lúc khởi công đến thời điểm đánh giá sản phẩm dở dang.
Đối với chi phí sản xuất chung: Chỉ tính phần chi phí sản xuất chung trực tiếp cho từng công trình, hạng mục công trình từ lúc khởi công đến thời điểm đánh giá sản phẩm dở dang.
Trong năm 2010, Trung tâm Genexim thi công công trình: sửa chữa tòa nhà văn phòng 48 Gia Lâm, cuối năm sản phẩm chưa hoàn thành, chưa tiến hành nghiệm thu, phòng kỹ thuật kết hợp với bộ phận kế toán đánh giá sản phẩm dở dang như sau:
Có TK 621 - Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: 710.450.000đồng Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp: 130.710.000 đồng Có TK 623 - Chi phí máy thi công trực tiếp: 13.500.000 đồng Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung: 11.010.789 đồng
Vậy chi phí dở dang của công trình là: Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang: 865.670.789 đồng
2.2.5. Đối tượng và phương pháp tính giá thành
* Đối tượng tính giá thành: Các Trung tâm có hoạt động xây lắp thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội cũng giống như bất kỳ đơn vị sản xuất sản phẩm xây lắp nào có đối tượng tập hợp chi phí sản xuất trùng với đối tượng tính giá thành sản phẩm đó là các công trình hoặc hạng mục công trình đã hoàn thành.
* Kỳ tính giá thành: Do sản phẩm xây lắp được sản xuất theo từng đơn đặt hàng, thời gian thi công dài, giá trị công trình lớn nên kỳ tính giá thành tại các đơn vị xây lắp thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội là thời điểm bên A và bên B bàn giao nghiệm thu khối lượng công trình hoàn thành.
* Phương pháp tính giá thành: Các công trình do các Trung tâm thuộc Công ty nhận thầu được ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư thông qua hợp đồng giao nhận thầu xây lắp, mỗi hợp đồng giao nhận thầu xây lắp thể hiện một công trình nên phương pháp tính giá thành là phương pháp trực tiếp kết hợp với phương pháp phân bổ chi phí sản xuất chung gián tiếp.
* Tính giá thành sản phẩm xây lắp hoàn thành: Giá thành sản phẩm xây lắp là tổng hợp tất cả các chi phí sản xuất cấu thành nên sản phẩm xây lắp gồm có chi phí sản xuất trực tiếp và chi phí sản xuất gián tiếp. Giá trị hợp đồng xây lắp của công trình Tòa nhà 172 Ngọc Khánh do Trung tâm Artex thi công là: 58.283.970.700 đ (gồm VAT=10%). Cuối năm, hợp đồng hoàn thành, hai bên tiến hành nghiệm thu, bên B bàn giao sản phẩm cho bên A. Kế toán tính giá thành của công trình Tòa nhà 172 Ngọc Khánh như bảng tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành công trình (Phụ lục 2.25)
Đối với các doanh nghiệp có các đội tổ chức bộ máy kế toán riêng, đội tập hợp chi phí vào Bảng tổng hợp chi tiết tài khoản 154 (Bảng tổng hợp tài khoản 154 công trình Tòa nhà 102 Thái Thịnh do đội số 3 thuộc Trung tâm Genexim thi công – Phụ lục 2.26) gửi lên phòng kế toán để phòng kế toán Trung tâm có nhiệm vụ vào Bảng tổng hợp tài khoản 154 (Phụ lục 2.27)
2.3. Đánh giá thực trạng hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội.
Qua khảo sát thực tế tình hình hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại một số đơn vị xây lắp thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội, có thể rút ra một số nhận xét sau:
2.3.1. Ưu điểm
Nhìn chung, hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại các đơn vị về cơ bản đã tuân thủ theo đúng chế độ kế toán hiện hành, cụ thể như sau:
- Hệ thống chứng từ được lập và luân chuyển thực hiện theo đúng chế độ kế toán hiện hành, hầu hết phản ánh được đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm.
- Hệ thống tài khoản kế toán được đơn vị sử dụng để hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm về cơ bản đã phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của Công ty
- Công tác phân loại chi phí theo khoản mục chi phí giúp cho công việc kế toán chi phí sản xuất được thuận lợi, đảm bảo cho việc lập các báo cáo chi phí đáp ứng được yêu cầu quản lý đồng thời để tìm ra các nguyên nhân làm thay đổi giá thành so với định mức và tìm ra các biện pháp hạ giá thành sản phẩm.
- Các đơn vị mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh cho từng công trình, hạng mục công trình đã đáp ứng được phần nào trong việc so sánh giữa tình hình thực hiện và định mức.
Các đơn vị áp dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán nên đã phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tương đối đầy đủ và kịp thời.
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những ưu điểm như trên, hạch toán chi phí và tính giá thành sản phẩm của các đơn vị xây lắp thuộc Công ty còn tồn tại một số hạn chế sau:
Về kế toán tài chính
Nhiều đơn vị chưa sử dụng đầy đủ các chứng từ cần thiết để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh cho đúng với tính chất và nội dung của nghiệp vụ, ví dụ khi trả lương cho công nhân sản xuất trực tiếp, các đơn vị chỉ lập phiếu chi mà không có bảng chấm công, bảng tính lương, bảng thanh toán lương; nguyên vật liệu hạch toán vào chi phí sản xuất của công trình, hạng mục công trình chỉ có phiếu nhập, phiếu xuất kho mà không có hóa đơn giá trị gia tăng, hoặc hóa đơn thông thường… để chứng minh giá trị của nguyên vật liệu nhập kho là đúng với thực tế. Một số chứng từ kế toán còn chưa đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ như có một số đơn vị khi lấy hóa đơn không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị ký mà chỉ có dấu. Tại một số các đơn vị, trình độ nhân viên kế toán còn yếu, nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhân viên không hạch toán đúng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu liên quan đến báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán. Để chống chế với cơ quan quản lý thuế và nhằm giảm thuế thu nhập của các đơn vị, các đơn vị hầu như khai thêm khối lượng nguyên vật liệu thực tế xuất vào công trình, hạng mục công trình.
Tại một số các đơn vị, việc sử dụng một số tài khoản để hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm là sai, chẳng hạn như chi phí thiết bị công trình, kế toán sử dụng tài khoản 153 để hạch toán vào công cụ dụng cụ mà không sử dụng tài khoản 152 để hạch toán vào chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
Việc phân bổ những khoản chi phí có liên quan đến nhiều công trình, hạng mục công trình chưa được các đơn vị quan tâm, đánh giá đúng mức, tiêu thức phân bổ tùy tiện, chưa thống nhất nên không phản ánh chính xác các khoản chi phí phát sinh cho từng đối tượng.
Việc đánh giá sản phẩm dở dang, các đơn vị mới chỉ tập hợp được chi phí sản xuất trực tiếp tiêu hao trong quá trình sản xuất mà chưa tính đến phần chi phí
sản xuất chung gián tiếp phân bổ cho các công trình, hạng mục công trình dở dang nên công tác tính giá thành sản xuất không được chính xác.
Trong quá trình thi công có những khối lượng công trình hoặc phần việc phải phá đi làm lại để đảm bảo chất lượng công trình chưa được các đơn vị hạch toán các khoản thiệt hại này
Về kế toán quản trị
Các đơn vị xây lắp hạch toán độc lập thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội chưa tổ chức bộ máy kế toán quản trị nhằm cung cấp các thông tin về hoạt động nội bộ của đơn vị cũng như việc phục vụ quản lý, điều hành, kiểm tra và ra quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Các đơn vị xây lắp mới phân loại chi phí theo từng khoản mục chi phí nên chỉ đáp ứng được yêu cầu của việc tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm xây lắp mà chưa chú trọng đến việc phân loại chi phí thành biến phí và định phí nên doanh nghiệp không đánh giá được mức độ tiết kiệm chi phí khi xây dựng các công trình, hạng mục công trình.
Việc thiết kế, sử dụng định mức chi phí chủ yếu là do bộ phận kế hoạch và kỹ thuật của đơn vị thực hiện mà chưa có sự tham gia của bộ phận kế toán, điều này dẫn đến sự hạn chế trong việc so sánh giữa chi phí lập định mức và chi phí thực hiện, sự chính xác của việc lập định mức so với thực tế để từ đó người làm định mức rút ra kinh nghiệm cho những công trình, hạng mục công trình khác.
Các đơn vị chưa coi trọng việc phân tích chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của từng công trình, hạng mục công trình để từ đó tìm ra nguyên nhân vượt, hụt chi phí nhằm kiểm soát được chi phí hiệu quả hơn.
Các đơn vị chưa quan tâm đến việc phân loại và tập hợp chi phí theo các trung tâm trách nhiệm để phục vụ cho việc lập định mức, kế hoạch và đánh giá tình hình thực hiện của mỗi Trung tâm.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do đặc thù của ngành sản xuất xây lắp gây khó khăn trong công tác quản lý đặc biệt là trong công tác hạch toán chi phí và tính giá thành sản phẩm. Do trình độ của nhân viên kế toán không đồng nhất và đặc biệt do chế độ kế toán của chúng ta có nhiều thay đổi trong những năm gần đây,
công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý cấp trên còn mang tính hình thức, chưa có những biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về thuế đích đáng hoặc trong luật kế toán vẫn còn tạo ra khe hở đối với những hành vi vi phạm thủ tục thuế. Việc tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức hoạt động của Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp. Công tác nghiên cứu và tìm hiểu thực trạng kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại Công ty giúp Công ty nhận thức được những ưu điểm và hạn chế còn tồn đọng trong công tác kế toán, từ đó đưa ra các hướng giải quyết để hệ thống kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại Công ty được hoàn thiện hơn.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM XÂY LẮP TẠI CÔNG TY TNHH NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN XUẤT NHẬP KHẨU VÀ ĐẦU TƯ HÀ NỘI
3.1. Phương hướng phát triển của các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đang khủng hoảng, kinh tế vĩ mô bất ổn định, Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội đặt ra mục tiêu là đến năm 2015 đạt giá trị sản lượng 1.650 tỷ đồng, giá trị sản lượng của sản phẩm xây lắp tăng từ 8-10% so với năm 2010, lấy sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ ngành xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp ở trong tỉnh cũng như ở ngoài tỉnh, đảm bảo tài chính lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để hoàn thành mục tiêu như đã đặt ra, Công ty tăng cường công tác quản lý trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh, giải quyết các vướng mắc, khó khăn giúp toàn Công ty cũng như các đơn vị hạch toán độc lập đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh từ tư vấn xây dựng, thi công xây lắp đến sản xuất vật liệu xây dựng, triệt để thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. Nhằm thực hiện mục tiêu chung của Công ty, các đơn vị xây lắp thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội xác định mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2020 tạo mức tăng trưởng từ 15-20% so với năm 2010.
3.2. Sự cần thiết và yêu cầu hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội
3.2.1. Sự cần thiết hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp tại các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, bên cạnh những mặt thuận lợi, nền kinh tế nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách đòi hỏi sự nỗ lực của toàn dân tộc đặc biệt là đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để phù hợp yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập nền kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và công cụ kinh tế tài chính. Một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống công cụ quản lý kinh tế, tài chính là kế toán đóng vai trò tích cực trong quản lý, điều hành và kiểm soát các hoạt động kinh tế đang được quan tâm và đổi mới liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý.
Trong môi trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không