1.2.6.1. Mô hình Công ty Khai thác và dịch vụ hải sản Biển Đông
Công ty Khai thác và Dịch vụ hải sản Biển Ðông trực thuộc của Tổng Công ty Hảisản Biển Ðông chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2000.
Mô hình cung ứng dịch vụ hậu cần cho ngư dân ở Hoài Nhơn, Bình Ðịnh là một sáng kiến độc đáo của công ty. Cán bộ của công ty đã nằm vùng tại địa phương, nắm đặc điểm từng tàu của ngư dân, cùng đầu tư dầu nhớt, thùng chứa cá, phao, ngư cụ, phương tiện đi biển, hướng dẫn cách bảo quản cá ngừ, rồi đưa một tàu mẹ đi đánh cùng dân. Hiện công ty thông qua các đơn vị của địa phương đã kí kết hợp đồng với 10 chủ tàu (kí một giá cố định, chịu thiệt khi rớt giá) nhằm thu gom cá ngừ cho xuất khẩu.
Đội tàu khai thác cá ngừ đại dương gồm 14 chiếc với tổng công suất 5115 mã lực. Với đội tàu khai thác cá ngừ đại dương hiện đại cùng với đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng lành nghề có trình độ và kinh nghiệm, phương thức tổ chức sản xuất là đưa tàu dịch vụ hậu cần cùng với đội tàu khai thác để cung ứng các dịch vụ hậu cần và thu gom sản phẩm vào bờ.
Biển Ðông đáp ứng đầy đủ về các điều kiện họat động nghề câu cá ngừ đại dương trên vùng biển xa bờ, sản phẩm đạt chất lượng cao được xuất khẩu trực tiếp. Tổng sản lượng khai thác trong 5 năm ( 1999-2003) là 1071 tấn, xuất khẩu được 889,1 tấn với tổng giá trị xuất khẩu 4.604 triệu USD. Đây là một mô hình mẫu hiện đại của Việt Nam về phương thức tổ chức đánh bắt và dịch vụ hậu cần trên biển được Bộ Thủy sản đầu tư và hỗ trợ.
1.2.6.2. Mô hình Công ty TNHH Mạnh Hà – Vũng Tàu
Công ty TNHH Mạnh Hà là một trong những Công ty tại Việt Nam chuyên đánh bắt cá ngừ và trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ. Đội tàu của Công ty gồm 08 chiếc có công suất từ 450 – 600 mã lực, thiết kế theo kiểu tàu câu Nhật Bản được trang bị hiện đại phù hợp với các tiêu chuẩn tàu câu, có khả năng hoạt động trong điều kiện cấp sóng gió đến cấp 8.
Hình thức tổ chức sản xuất khai thác trên biển bao gồm nhiều tàu phối hợp với nhau thành đội tàu. Đội tàu này cùng di chuyển từ bờ đến ngư trường và cùng họat động khai thác, sau một thời gian đánh bắt sẽ có một tàu thu nhập tòan bộ hải sản mà các tàu khác đánh bắt được để đem các sản phẩm vào bờ tiêu thụ và nhận các dịch vụ hậu cần cho đội tàu rồi trở ra biển khai thác tiếp, sau một thời gian các tàu luân phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ. Sản lượng bình quân một tàu 4tấn/ tháng.
Sản phẩm khi vào bờ được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra và đội xe của Công ty vận chuyển đến nơi sản xuất được đóng vào các container, chuyển trực tiếp đấu giá tại các chợ cá Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Việc tổ chức sản xuất trên biển của đội tàu Công ty và các phòng ban có liên quan chặt chẽ từ khâu nắm bắt thông tin ngư trường, giá cả sản phẩm, tàu thuyền và trang thiết bị hiện đại trên tàu, dịch vụ hậu cần trong một quy trình khép kín, cùng với đội ngũ thuyền viên được đào tạo bài bản đã mang lại hiệu quả cao trong khai thác cá ngừ đại dương, hàng năm đã đem lại cho Công ty một khoản lợi nhuận đáng
kể trên 2 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 130 thuyền viên và thu nhập bình quân mỗi lao động là 1.800.000 đ/tháng.
Đây là một mô hình họat động của một doanh nghiệp tư nhân.
1.2.6.3. Mô hình Công ty XNK Lâm Thủy sản Bến Tre
Đây là mô hình khai thác hải sản xa bờ của một doanh nghiệp nhà nước được tổ chức theo tổ, đội và sản xuất theo một quy trình khép kín từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ hậu cần cho các tàu khác bám biển họat động với năng suất cao, giải quyết việc làm cho 324 lao động.
Việc tổ chức bộ máy gọn nhẹ và khoa học, bố trí lực lượng lao động có trình độ tay nghề phù hợp, có chế độ khen thưởng rõ ràng, luôn quan tâm đến đời sống của mỗi lao động nên luôn tạo ra sức mạnh tập thể, góp phần nâng cao năng suất và hòan thành kế họach..
Trong sản xuất trên biển, công ty có đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên giỏi, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho tàu trước khi ra khơi, tổ chức thành tổ đánh bắt kết hợp với làm dịch vụ hậu cần, mỗi tàu khai thác đều có nhật ký đánh bắt và thường xuyên rút kinh nghiệm qua từng chuyến biển để dự báo đàn cá, cải tiến kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm của bà con ngư dân đồng thời với việc áp dụng kỹ thuật mới trong đóng tàu, khai thác.
Lợi nhuận sau thuế hàng năm 1,9 tỷ đồng, thu nhập bình quân 1 lao động hàng tháng là 1.500.000 đồng.
Đây là một mô hình họat động của một doanh nghiệp nhà nuớc.
1.2.6.4. Mô hình Công ty CP CK Tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh Quy Nhơn
Công ty CP CK Tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh là một trong những Công ty tại Tỉnh Bình Định chuyên đánh bắt cá ngừ. Đội tàu của Công ty gồm 02 chiếc có công suất từ 450 – 600 mã lực, thiết kế theo kiểu tàu câu Hàn Quốc được
trang bị hiện đại phù hợp với các tiêu chuẩn tàu câu, có khả năng hoạt động trong điều kiện cấp sóng gió đến cấp 8.
Hình thức tổ chức sản xuất khai thác trên biển bao gồm 2 tàu của công ty phối hợp với 1 tàu của ngư dân thành đội tàu. Hai tàu của Công ty hoạt động được hạch toán chung về chi phí và lợi nhuận chuyến biển, sản lượng bình quân từng chuyến biển qua các năm là 1200Kg/1chuyến biển, hàng năm đem lại lợi nhuận cho Công ty khoảng 400 triệu đồng sau khi trừ các chi phí và khấu hao. Hai tàu của Công ty thường xuyên kết hợp với tàu BĐ-9702-TS của Ông La Văn Sơ thường trú tại phường Hải Cảng – Quy Nhơn để chia sẽ các thông tin về ngư trường và hỗ trợ các rủi ro trên biển.
- Về quản lý :Cả 03 tàu được điều hành quản lý thống nhất trong tập đoàn. Tổ trưởng là người có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật và uy tín nhất được các tàu nhất trí chọn ra để chỉ huy sản xuất.
Các tàu được tổ chức sản xuất và hoạch toán ăn chia phân phối chung nên sẽ an tâm sản xuất, tiết kiệm được chi phí sản xuất, hiệu quả sẽ cao hơn những đơn vị tàu sản xuất riêng lẻ.
- Về dịch vụ hậu cần trên biển
Các tàu được tổ chức luân phiên nhau vào bờ bán cá và tiếp nhận thêm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, nước đá bảo quản sản phẩm, nước ngọt phục vụ trên biển nên sẽ đảm bảo đầy đủ, kịp thời các dịch vụ hậu cần cho các tàu trong tập đoàn sản xuất. Việc hành trình từ cảng đậu đến ngư trường sẽ giảm thiểu bớt lượng chở nhiên liệu, thực phẩm cho mỗi tàu khỏang 2/3 trọng tải cho mỗi tàu ( so với tàu đi riêng lẽ ) giúp cho tàu đến ngư trường nhanh hơn và giảm thời gian các tàu khác phải vào bờ để nhận nhiên liệu, giảm phí tổn cho chuyến biển.
Việc phân chia lợi nhuận của 03 tàu được tính trên tổng số doanh thu trừ đi chi phí của 03 tàu. Lợi nhuận của 03 tàu được chia như sau:
+ Trích 1% lợi nhuận của 03 tàu dành cho việc khen thưởng các thuyền viên có thành tích xuất sắc trong đội tàu và thăm nom sức khỏe của thuyền viên và gia đình.
+ Sau khi trích 1% lợi nhuận, số lợi nhuận còn lại được phân bổ cho 03 tàu và mỗi tàu chia theo hình thức chủ tàu 4 phần, thợ bạn 6 phần
Đây là một mô hình họat động của một doanh nghiệp tư nhân kết hợp với cá nhân một ngư dân.
1.2.6.5. Mô hình Tổ Hợp tác Khai thác hải sản xa bờ nghề vây rút chì của Ông Nguyễn Thành Trung – phường Hải Cảng – TP Quy Nhơn
a. Tổ chức quản lý :
Tuy 03 tàu là sở hữu riêng của 03 anh em trong gia đình, nhưng đã hợp tác, phối hợp, thống nhất trong tổ chức sản xuất và ăn chia phân phối chung như sau:
- Về tổ chức sản xuất :
Tổ chức sản xuất theo đội hình 03 tàu thường xuyên bám biển, bám ngư trường bằng cách thường xuyên trực máy thông tin liên lạc để thu thập thông tin, phân công nhau thăm dò, tìm kiếm những điểm đánh bắt mới. Khi phát hiện đàn cá thì lập tức thông báo cho nhau để tập trung khai thác. Khi đánh bắt được nhiều (trúng cá) thì cả 03 tàu cùng về bờ bán cá, còn bình thường thì tập trung cá đánh bắt được cho 01 tàu vào bờ bán cá và lấy thêm dầu, đá, lương thực, ...02 tàu còn lại bám ngư trường tiếp tục sản xuất, đến khi tàu vào bán cá trở ra thì 02 tàu còn lại đã đánh bắt được 3 – 4 đêm, đủ cá cho 01 chiếc khác vào bờ bán cá. Cứ như vậy các tàu phân công nhau luân phiên bám ngư trường sản xuất và vào bờ bán cá, tiếp thêm nhiên liệu, lương thực, ... cho đến hết tháng (nghỉ trăng).
Với cách tổ chức sản xuất trên, nhìn chung sản lượng đánh bắt thường cao hơn (do bám ngư trường nhiều hơn), đồng thời tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn (do cá tươi hơn và về bến khác thời điểm các thuyền khác).
Cả 03 tàu được điều hành quản lý thống nhất trong tập đoàn. Tổ trưởng là người có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật và uy tín nhất được các tàu nhất trí chọn ra để chỉ huy sản xuất.
Các tàu được tổ chức sản xuất và hoạch toán ăn chia phân phối chung nên sẽ an tâm sản xuất, tiết kiệm được chi phí sản xuất, hiệu quả sẽ cao hơn những đơn vị tàu sản xuất riêng lẻ.
-Về dịch vụ hậu cần trên biển :
Các tàu được tổ chức luân phiên nhau vào bờ bán cá và tiếp nhận thêm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, nước đá bảo quản sản phẩm, nước ngọt phục vụ trên biển nên sẽ đảm bảo đầy đủ, kịp thời các dịch vụ hậu cần cho các tàu trong tập đoàn sản xuất, đem lại năng suất, sản lượng cao hơn, đặc biệt là vào những thời điểm trúng cá, các tàu trong tập đoàn không phải mất thời gian để vào bờ để tiếp nhận dịch vụ. Mặt khác, phí tổn cho chuyến biển của các tàu cũng giảm hơn, hiệu quả kinh tế cũng được nâng cao hơn.
-Về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá và tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển :
Do được tổ chức sản xuất thành tập đoàn nên các tàu của Tổ hợp đã phối hợp được các trang thiết bị an toàn và có điều kiện để trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại, kịp thời hỗ trợ nhau khi bị rủi ro tai nạn và các tình huống bất trắc trên biển để đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả, giúp các tàu an tâm sản xuất, qua đó góp phần tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển, nhất là đối với các ngư trường xa bờ, vùng biển khơi của tổ quốc.
b. Kinh nghiệm và kỹ thuật đánh bắt :
- Về ngư trường và mùa vụ : Thông thường thời gian sản xuất của các tàu
nghề lưới vây rút chì của chúng tôi trong năm là 10 tháng, đánh bắt ở khắp các ngư trường xa bờ trong toàn quốc theo mùa vụ như sau :
+ Từ tháng 1 – 4 (âm lịch) : Đánh bắt ở ngư trường miền Nam (Đông – Tây Nam Bộ), đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá chỉ vàng, cá nục, cá bạc má, cá ngân, cá trích, mực, ...
+ Từ tháng 5 – 6 (âm lịch) : Đánh bắt ở ngư trường miền Trung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá nục, cá trác, cá bạc má, cá liệt, ...
+ Từ tháng 7 – 11 (âm lịch) : Đánh bắt ở ngư trường miền Bắc (Vịnh Bắc Bộ), đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá nục, cá bạc má, mực, ...
- Về kinh nghiệm và kỹ thuật :
Qua thực tế sản xuất, để đánh bắt có hiệu quả ở từng ngư trường với các điều kiện về nguồn lợi, độ sâu, dòng chảy, nước, thời tiết...khác nhau, các tàu thường xuyên trao đổi, đúc rút kinh nghiệm, kỹ thuật để điều chỉnh lưới và các bộ phận cho phù hợp với sản xuất của mình như : thay đổi chiều dài, chiều cao lưới ; thay đổi cấu tạo các bộ phận, hệ số rút gọn lưới, trang bị phao chì, dây cáp rút..., kinh nghiệm kỹ thuật đánh lưới, dò tìm ngư trường phát hiện đàn cá để bổ sung, hỗ trợ cho nhau đánh bắt có hiệu quả. Ngoài ra trong quá trình sản xuất thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm, nắm bắt thông tin về ngư trường, giá cả của các địa phương, đơn vị bạn để tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật đánh bắt của mình.
c. Kết quả sản xuất :
Thời gian qua, các tàu đánh bắt xa bờ của tập đòan khai thác Nguyễn Thành Trung sản xuất ổn định và đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo thu nhập cho các lao động đi trên tàu. Từ năm 2000 đến nay, các tàu lưới vây rút chì của Tổ hợp sản xuất đạt một số kết quả chủ yếu như sau :
TT Danh mục Số lượng
2 Doanh thu 21.890 triệu đống
3 Chi phí 7.750 triệu đồng
4 Thu nhập bình quân lao động 2,5 triệu đồng/tháng
5 Thuế 195 triệu đồng
6 Lợi nhuận sau khi trừ chi phí 5.580 triệu đồng
Nhờ kết quả sản xuất nêu trên nên tôi đã đầu tư mua sắm mới thêm 02 tàu (năm 2001: 01 tàu công suất 140 CV và năm 2004: 01 tàu công suất 350 CV) để phát triển tập đoàn sản xuất nghề lưới vây của đơn vị. Lao động đi trên các tàu đều ăn chia như nhau và có thu nhập khá: bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, trong những năm 2000-2002, tăng lên 2,5 triệu đồng/người/tháng năm 2002-2003 và trên 3 triệu đồng/người/tháng từ 2004 đến nay, cá biệt có tháng thu nhập 8 – 10 triệu đồng/người. Các trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt như máy đo sâu dò cá, máy định vị, thông tin liên lạc tầm xa... đều được trang bị đầy đủ để đảm bảo đánh bắt xa bờ dài ngày ở tất cả các ngư trường trong cả nước.
1.2.6.6. Nhận xét
- Các mô hình tổ chức sản xuất trên đều là mô hình tổ chức khép kín từ tàu khai thác, dịch vụ hậu cần và các trạm chỉ huy tại bờ.
- Việc kinh doanh tổ chức họat động của đội tàu đều dưới sự điều hành có tổ chức của công ty hoặc doanh nghiệp.
- Tàu thuyền trang thiết bị được thiết kế phù hợp với các mẫu tàu câu hiện đại, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi họat động trên biển.
- Sản phẩm cá ngừ đại dương đuợc bảo quản đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm cao.
- Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất đánh bắt.
- Tổng số vốn đầu tư các trang thiết bị cho tàu thuyền lớn.
- Được sự hỗ trợ của nhà nước bằng các chính sách đầu tư, cho vay vốn.
1.3. Tổng quan về tai nạn tàu thuyền Việt Nam và Tỉnh Bình Định 1.3.1.Tổng quan về tai nạn tàu thuyền Việt Nam
Chỉ riêng năm 2006, ngoài tai nạn do các cơn bão gây ra làm chìm, đắm hàng chục tàu cá, làm chết và mất tích hàng trăm người, làm hàng ngàn tàu bị hư hại do va đập… thì theo thông tin tổng hợp từ các địa phương và Ðài thông tin Duyên hải, trên vùng biển Việt Nam đã xảy ra 73 vụ tai nạn với 55 tàu cá và 447