8. Cấu trúc của luận văn
1.4. Chất lượng dạy học tại trung tâm GDTX
1.4.1. Chất lượng và chất lượng dạy học
* Chất lượng
Theo tri thức triết học: “Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật phân biệt nó với sự vật khác. Chất lượng là thuộc tính khách quan của sự vật. Chất lượng biểu hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính. Nó là cái liên kết các thuộc tính của sự vật hai làm một, gắn bó với sự vật như một tổng thể, bao quát toàn bộ sự vật và không tách khỏi sự vật” [22; tr.419].
Theo đại Từ điển tiếng Việt: “Chất lượng là cái làm nên phẩm chất, giá trị của con người, sự vật” [26; tr.331].
Có nhiều quan điểm nhận diện chất lượng. Khi nói về chất lượng giáo dục, Jones, GA, (1996). Conceptions of Quality and the Challenges of Quality Improvement in Higher Education: Ontario Instisute for studies in Education of the University of Toronta, Toronto, Canada; có 6 quan điểm về đánh giá chất lượng mà có thể vận dụng vào nhận diện chất lượng (nói chung) như: Chất lượng đánh giá bằng đầu vào, chất lượng được đánh giá bằng đầu ra,
chất lượng được đánh giá bằng giá trị gia tăng, chất lượng được đánh giá bằng giá trị học thuật, chất lượng được đánh giá bằng văn hóa tổ chức riêng và chất lượng được đánh giá bằng kiểm toán [5; tr.23-26].
Ngoài 6 quan điểm về đánh giá chất lượng nêu trên, còn có các quan điểm về chất lượng như:
- Chất lượng là sự phù hợp với các tiêu chuẩn quy định. - Chất lượng là sự phù hợp với mục đích.
- Chất lượng với tư cách là hiệu quả của việc đạt mục đích - Chất lượng là sự đáp ứng của nhu cầu khách hàng [5; tr.28-31]
* Chất lượng dạy học
Theo PGS Lê Đức Phúc: “Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc. Đó là tổng thể những thuộc tính cơ bản khẳng định sự tồn tại của một sự vật và phân biệt nó với các sự vật khác. Chất lượng giáo dục là trình độ khả năng thực hiện mục tiêu giáo dục đáp ứng ngày càng cao của người học và sự phát triển ngày càng cao của xã hội” [5; tr.10].
Chất lượng dạy học được đánh giá chủ yếu qua giờ dạy học (hay một quá trình dạy học, tùy thuộc vào những yêu cầu khác nhau). Hiệu quả và chất lượng dạy học luôn phụ thuộc vào chất lượng công tác của mỗi giáo viên, công tác phối hợp của tập thể sư phạm ở mỗi nhà trường và đương nhiên còn phụ thuộc vào nội dung, phương pháp lãnh đạo và phong cách sáng tạo, hiệu quả của người lãnh đạo nhà trường.
Vận dụng các quan niệm trên về chất lượng và chất lượng giáo dục vào việc đánh giá chất lượng hoạt động dạy học thì cần phải so sánh chất lượng dạy học với chuẩn quy định hay những mục tiêu của hoạt động dạy học.
Hiện nay chúng ta quan niệm chất lượng dạy học được biểu hiện qua chất lượng học tập của học sinh bởi các tiêu chí chủ yếu: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
- Đánh giá kiến thức
Đánh giá theo cấp độ: Biết – hiểu - ứng dụng – phân tích – tổng hợp đánh giá các nội dung kiến thức tổng hợp được thể hiện trong chương trình dạy học so với mục tiêu dạy học đã đề ra thông qua khả năng diễn đạt tư tưởng, nội dung tri thức, trình tự logic lý luận của việc hình thành các tri thức đó.
- Đánh giá kỹ năng
Đánh giá khả năng ứng dụng và thực hiện có kết quả của hoạt động học tập trên cơ sở kiến thức đã được trang bị thông qua các kỹ năng chung và kỹ năng cụ thể như: Vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhận biết (quan sát, nghe, nhìn, mô tả hoặc giải thích các hiện tượng, thực hành có nề nếp, có phương pháp biết tự kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của mình).
- Đánh giá thái độ
Đánh giá theo cấp độ của thái độ, theo các mức độ tiếp thu, hưởng ứng, đánh giá, tổ chức lại hệ thống giá trị và chuẩn mực mới – hành động theo giá trị mới thông qua các biểu hiện ham hiểu biết, tự giác học tập, tin vào những tri thức đã được trang bị và không đồng tình với những vi phạm chuẩn mực.
1.4.2. Chất lượng dạy học tại trung tâm GDTX
Đối với các hoạt động của trung tâm GDTX, nói tới chất lượng tức là nói tới mức độ tăng tiến một cách bền vững về kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học sau một quá trình học tập. Chất lượng chỉ có được khi mọi hoạt động của giáo dục được quản lý chặt chẽ với những định chuẩn ở khâu công việc nhằm hướng mọi hoạt động của người dạy và học vào mục tiêu giáo dục.
Một điều nan giải nhất đối với công tác quản lý của trung tâm GDTX là việc đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục không phải bằng cách áp dụng máy móc các biện pháp của nhà trường chính quy mà phải có những biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, thích hợp với từng đối tượng đang theo học tại trung tâm GDTX.
Với ý nghĩa về chất lượng dạy học như đã trình bày và biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở trung tâm GDTX trong thời gian qua là:
- Quản lý việc giáo viên thực hiện chương trình
- Quản lý việc soạn bài, chuẩn bị giờ lên lớp của giáo viên - Quản lý giờ lên lớp của giáo viên
- Quản lý việc dự giờ, phân tích sư phạm tiết dạy
- Quản lý hoạt động kiểm tra vở ghi chép của học viên, đánh giá kết quả học tập của học viên.
- Quản lý giáo viên chủ nhiệm lớp thông qua thực hiện kế hoạch và xây dựng nề nếp lớp.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” và xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết thống nhất cao.
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý chất lượng dạy học tại trung tâmGDTX GDTX
1.5.1. Các yếu tố chủ quan
* Phẩm chất, năng lực, trình độ quản lý của người giám đốc
Giám đốc muốn quản lý tốt chất lượng dạy học là phải có phẩm chất chính trị vững vàng, biết hy sinh các riêng để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, có đạo đức tác phong mẫu mực, đi đầu trong mọi lĩnh vực hoạt động của trung tâm, phải quản lý thuyết phục cán bộ, giáo viên trong trung tâm bằng chính năng lực của mình, phải nắm vững đường lối chủ trương chính sách của
Đảng và Nhà nước, chỉ đạo đúng hướng, đúng mục tiêu giáo dục của ngành học, cấp học.
Giám đốc phải là người có trình độ nghiệp vụ quản lý vững vàng, chắc chắn.
Giám đốc luôn không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ quản lý. * Trình độ chuyên môn của giám đốc
Để quản lý tốt hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng dạy học trong đội ngũ giáo viên đòi hỏi người giám đốc phải có kiến thức sâu, toàn diện về các môn học, phải nắm vững các phương pháp giảng dạy, phải có kỹ năng phân tích, đánh giá chuyên môn của giáo viên.
Giám đốc phải tham dự đầy đủ các chuyên đề giảng dạy dành cho giáo viên, để nắm bắt và chỉ đạo sát, đúng yêu cầu giảng dạy trong cùng giai đoạn đổi mới nhất là đổi mới về phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học viên làm trung tâm.
1.5.2. Các yếu tố khách quan
* Điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và học viên trung tâm GDTX
Chất lượng của đội ngũ giáo viên, chất lượng của học viên là một trong những yếu tố quan trọng chi phối kết quả quản lý hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng dạy học của người giám đốc.
Quản lý hoạt động dạy tốt, học tốt của giáo viên của người giám đốc suy cho cùng là nhằm nâng cao chất lượng dạy của thầy và học của trò. Mục tiêu này có thể đạt được ở mức độ như thế nào là cơ bản là phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ giáo viên và chất lượng của học viên trong trung tâm.
* Sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên và các tổ chức đoàn thể trong trung tâm
Để quản lý tốt hoạt động giảng dạy của giáo viên đòi hỏi phải có sự hợp tác, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, giữa các tổ chức đoàn thể trong trung tâm để tạo nên sự thống nhất chung và tạo sức mạnh đoàn kết.
Giám đốc cần phải sử dụng tốt đội ngũ cốt cán như phó giám đốc phụ trách dạy và học, tổ trưởng, nhóm trưởng và các thành viên trong trung tâm tạo thành một bộ máy quản lý hoàn chỉnh hoạt động có hiệu quả, coi trọng vai trò của tổ chuyên môn và hội đồng sư phạm nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng trong giảng dạy.
*Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học
Cơ sở vật chất kỹ thuật trung tâm là các phương tiện phục vụ cho việc giảng dạy như: bàn ghế, phòng học, phòng thư viện, phòng thí nghiệm, các trang thiết bị khác.
Các điều kiện cơ sở vật chất được coi là vai trò của nhân vật thứ 3 ngoài thầy và trò, do vậy nó ảnh hưởng to lớn đến chất lượng của một giờ dạy học và việc phục vụ mục tiêu giáo dục con người.
Quản lý hoạt động dạy học của giáo viên, giám đốc phải quan tâm chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo những điều kiện vật chất tốt nhất cho hoạt động giảng dạy của giáo viên.
* Điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương
Trong việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, các điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội ở địa phương có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy học của trung tâm.
Giám đốc luôn quan tâm đến các vấn đề như chủ trương đường lối của Đảng, các chính sách của địa phương, phải khai thác được các thế mạnh, hạn chế những khó khăn của địa phương nhằm tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền, sự tham gia giáo dục của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa
phương, sự phối hợp tích cực, chặt chẽ có hiệu quả công tác giáo dục giữa trung tâm và gia đình.
* Vấn đề chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá của lãnh đạo cấp trên đối với trung tâm
Đối với ngành học GDTX chịu sự chỉ đạo, kiểm tra đánh giá trực tiếp từ Sở GD&ĐT. Trong công tác quản lý chất lượng dạy học dưới sự chỉ đạo của cấp trên chính là những định hướng, là kim chỉ nam giúp trung tâm xác định đúng mục tiêu về phương hướng hoạt động dạy học, đồng thời việc kiểm tra, đánh giá của cấp trên còn giúp trung tâm kịp thời điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những tồn tại để có những giải pháp thực thi và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học của trung tâm đạt được những mục tiêu đề ra.
1.6. Trung tâm GDTX trong hệ thống giáo dục Quốc dân
- Theo quy định của luật giáo dục năm 2005, giáo dục thường xuyên là một hệ thống giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm GDTX có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng.
Các hình thức thực hiện giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Vừa học vừa làm; Học từ xa, Tự học có hướng dẫn.
1.7. Chủ trương của tỉnh Bắc Ninh và Thị xã Từ Sơn
* Chủ trương của tỉnh Bắc Ninh
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra công tác Giáo dục – Đào tạo, khoa học và công nghệ có nêu rõ: “Tạo bước chuyển căn bản về nâng cao chất lượng toàn diện Giáo dục – Đào tạo, chú trọng kết hợp dạy chữ, dạy nghề, dạy làm người phù hợp với từng cấp học. Hoàn thiện quy hoạch phát triển theo hướng đa dạng hóa các hệ thống loại hình giáo dục, cân đối phù hợp giữa trường công, trường tư; phát triển đồng bộ hệ phổ thông, giáo dục thường xuyên, dạy nghề. Phát triển mô hình giáo
dục mở với những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa gắn chặt với chuẩn hóa, hiện đại hóa, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển trường học, đặc biệt trường dạy nghề, đảm bảo đến năm 2015 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 70%; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài đi đôi với nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về Giáo dục – Đào tạo. Hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông vào năm 2016, phổ cập tin học, ngoại ngữ cho học sinh phổ thông...” [7; tr.55-56].
Để tiếp tục xây dựng hệ thống và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm GDTX, phát triển trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của người dân, xây dựng mạng lưới và các loại hình học tập không chính quy, góp phần tạo nền tảng cho việc giáo dục mọi người và xã hội học tập thì ngành GDTX ở tỉnh Bắc Ninh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
• Một là tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước các cơ sở GDTX, đưa hoạt động của cơ sở vào nề nếp kỷ cương. Đẩy mạnh các hoạt động đa dạng hóa của GDTX, tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục cho từng loại hình, từng đối tượng và đảm bảo quyền lợi cho người học.
• Hai là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành học dần ổn định, đạt chuẩn đủ sức làm nhiệm vụ được giao, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho từng loại chức danh, từng loại hình hoạt động của GDTX.
• Xây dựng mạng lưới, loại hình học tập phù hợp với GDTX, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
* Chủ trương của Thị xã Từ Sơn
Trong báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ thị xã Từ Sơn khóa IX nhiệm kỳ 2010-2015 đã nêu: “Về giáo dục, phấn đấu đến năm 2012 xây dựng
100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Giữ vững kết quả đạt được về xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi, phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học phổ thông vào năm 2016. Tập trung huy động 100% trẻ trong độ tuổi vào mẫu giáo và lớp 1, hạn chế thấp nhất số trẻ em nghỉ, bỏ học. Chú trọng việc định hướng phân luồng học sinh ngay từ THCS, đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên cả số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của nhà doanh nghiệp và xuất khẩu lao động...” [8; tr.12].
Bên cạnh đó, thị xã Từ Sơn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục tăng cường công tác kiểm tra dạy và học theo quy định. Đối với trung tâm GDTX tích cực góp phần bồi dưỡng và nâng cao trình độ học vấn, mặt bằng dân trí, chống mù chữ, phổ cập THPT cho các tầng lớp nhân dân, tổ chức tốt các lớp phổ cập bậc trung học phổ thông cho học sinh trong độ tuổi phổ thông, CB-CNVC, người lao động, công nhân các xí nghiệp đóng trên địa bàn thị xã.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC Ở TRUNG TÂM GDTX THỊ XÃ TỪ SƠN
2.1. Khái quát về tình hình kinh tế xã hội của thị xã Từ Sơn, tỉnh BắcNinh Ninh
Từ Sơn là một thị xã cửa ngõ phía nam thuộc Tỉnh Bắc Ninh cửa ngõ phía bắc Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 24 tháng 8 năm 2008 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Từ Sơn cũ. Thị xã Từ Sơn, phía bắc tiếp giáp với huyện Yên Phong (Bắc Ninh), phía đông tiếp giáp huyện Tiên Du (Bắc Ninh ), phía nam và tây nam tiếp giáp với Hà Nội; Là thị xã nằm giữa 2 thành phố Hà Nội và Bắc Ninh, và