Nội dung nguyên tắc công bằng trong Bộ luật hình sự Việt Nam

Một phần của tài liệu Nguyên tắc công bằng trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh đắk lắk) luận văn ths luật (Trang 95 - 97)

Trên cơ sở những lập luận đã nêu, chúng tôi cho rằng, cần ghi nhận chính thức về mặt lập pháp nguyên tắc công bằng trong Bộ luật hình sự Việt Nam, lưu ý đầy đủ các nội dung của nguyên tắc công bằng cả về phương diện sự đối xử công bằng giữa những người phạm tội và tính tương xứng giữa biện pháp xử lý với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội; v.v... Theo cách này, chúng tôi cho rằng, GS.TSKH. Lê Văn Cảm có lý khi kiến nghị phải xây dựng chế định các nguyên tắc của luật hình sự ở Phần chung Bộ luật hình sự, trong đó có quy định về các nguyên tắc của luật hình sự (chúng tôi dùng tên gọi là nguyên tắc công bằng, còn GS.TSKH. Lê Văn Cảm dùng tên gọi là nguyên tắc công minh, bên cạnh sáu nguyên tắc khác là - nguyên tắc pháp chế; nguyên tắc bình đẳng trước luật hình sự; nguyên tắc nhân đạo; nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm; nguyên tắc trách nhiệm do lỗi và nguyên tắc trách nhiệm cá nhân [4, tr.214-216]. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu nên trong mục 3.2. này, chúng tôi chỉ kiến nghị ghi nhận nguyên tắc công bằng và nội dung của nguyên tắc này chọn lọc từ Điều 3 “Nguyên tắc xử lý” trong Bộ luật hình sự Việt Nam và tham khảo trong Chương về các nguyên tắc của luật hình sự theo cách tiếp cận của Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 khi Chương 1 “Nhiệm vụ và nguyên tắc của Bộ luật hình sự Liên bang Nga” đã quy định tại Điều 6 về “Nguyên tắc công bằng” [31, tr.20]. Do đó, nội dung của nguyên tắc công bằng nên như sau:

Chương…

NHIỆM VỤ VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN Điều… Nguyên tắc công bằng

1. Tất cả các hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2. Mọi người phạm tội bình đẳng trước pháp luật hình sự, không bị phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào.

3. Trách nhiệm hình sự và hình phạt áp dụng phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và nhân thân người phạm tội.

4. Không ai phải chịu trách nhiệm hình sự hai lần về một tội phạm.

...

Trên cơ sở bốn nội dung cơ bản của nguyên tắc công bằng, các quy định cụ thể của luật hình sự cần phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm công bằng mà tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, tách các quy định chứa nhiều tội danh ra thành các điều luật riêng để có khung hình phạt tương ứng.

Ví dụ: Điều 194 Bộ luật hình sự nên tách thành bốn tội khác nhau: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy. Trong đó, các tội mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất này. Tương tự như vậy đối với các tội danh ở Điều 195, 196, 230, 233; v.v...

Hai là, điều chỉnh khung hình phạt của một số tội phạm để bảo đảm tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn và ngược lại.

Ví dụ: Khung hình phạt đối với tội giết người phải nghiêm khắc hơn tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người; khung hình phạt của tội hiếp dâm nghiêm khắc hơn tội chứa mại dâm; v.v...

Ba là, mô tả rõ ràng tất cả các cấu thành tội phạm trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, làm rõ hành vi khách quan, hình thức lỗi cũng như những biểu hiện khác cần thiết để định tội chính xác và làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự công bằng.

Ví dụ: các tội mới chỉ có tội danh như: tội cướp giật tài sản, tội trộm tài sản, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tội mua bán người, tội đưa hội lộ, tội làm môi giới hối lộ; v.v… cần được bổ sung khái niệm.

Bốn là, làm rõ dấu hiệu hậu quả của tội phạm trong tất cả những trường hợp dấu hiệu này được quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt.

Ví dụ: cần có văn bản hướng dẫn xác định mức vật chất nào là như thế nào là thu lợi bất chính lớn? rất lớn ? đặc biệt lớn ? hậu quả như thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... [1, tr.25].

Năm là, giới hạn lại về loại và mức hình phạt để mỗi khung hình phạt không có biên độ quá rộng. Một khung hình phạt chỉ nên có hai loại hình phạt, tối đa là ba loại; khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn chỉ nên quy định ở khoảng 5 đến 7 năm, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống tùy tiện, nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt của người áp dụng trên cơ sở căn cứ luật định và tình tiết thực tế của vụ án.

Ví dụ: khoản 2 Điều 78 Bộ luật hình sự quy định: “phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”; khoản 2 Điều 79 Bộ luật hình sự quy định: “những người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”; khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự quy định: “phạm tội trong trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”; v.v...

Một phần của tài liệu Nguyên tắc công bằng trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh đắk lắk) luận văn ths luật (Trang 95 - 97)