công bằng và các nguyên nhân cơ bản
Như đã đề cập ở trên, trong thực tiễn xét xử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không xảy ra hiện tượng phán quyết của Tòa án được đưa ra với quan điểm phân biệt đối xử với bị cáo về các lý do giới tính, dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu một số bản án vẫn chưa thực sự công bằng thể hiện ở các khía cạnh cụ thể sau:
* Việc định tội danh không chính xác dẫn đến không bảo đảm nguyên tắc công bằng
Ví dụ 1: Bản án số 40/HSST ngày 08/8/2013 của Tòa án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk: Bà Nguyễn Thị Lý và Bùi Thị Mận vốn là bạn hợp tác làm ăn. Mận làm môi giới cho bà Lý tới mua mỳ (sắn) của các hộ dân
trong huyện và được nhận tiền hoa hồng từ bà Lý khi bà này mua được hàng. Trong quá trình hợp tác, phát hiện Mận có gian lận khi cân đong hàng hóa nên bà Lý đã chấm dứt việc làm ăn với Mận. Do bực tức việc đó nên vào ngày 27/4/2012, Mận lấy cớ bà Lý chưa trả hết tiền hoa hồng, rủ anh trai mình là Bùi Ngọc Thu chặn xe tải thu mua mỳ của bà Lý. Khi chặn xe lại, Mận đòi bà Lý trả tiền hoa hồng nhưng bà Lý từ chối vì lí do bà tự đi mua hàng trong dân, không qua môi giới của Mận. Thấy vậy, Mận lên tiếng chửi bới, đe dọa hành hung. Người bạn hàng đi cùng xe với bà Lý xuống xe liền bị Mận dùng đá đánh. Hai anh em Mận và Thu trèo lên thùng xe hất những tải mì xuống đất, bà Lý sợ mất tài sản, mượn xe máy của người dân để đi đến Ủy ban nhân dân xã báo cáo nhưng cũng bị Mận đánh vào tay, xô ngã và đe dọa đập phá xe máy. Khi bà Lý nhờ người chở đến Ủy ban nhân dân xã Ia Rvê huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thì Mận thuê phu khuân vác và xe máy cày chở số mỳ trên xe tải đi bán. Tổng tài sản thiệt hại của bà Lý do mất số hàng này được định giá là 24.750.000 đ. Ngày 08/8/2013, Tòa án nhân dân huyện Ea Súp đã tuyên bố Bùi Thị Mận và Bùi Ngọc Thu phạm tội cưỡng đoạt tài sản, phạt Mận 01 năm 03 tháng tù, Thu 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Xét tình tiết vụ án cho thấy các bị cáo đã có hành vi dùng vũ lực khiến bà Lý không thể kháng cự chiếm đoạt tài sản. Hành vi này rõ ràng là hành vi khách quan của tội cướp tài sản nhưng Tòa án lại tuyên án các bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là không chính xác. Thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản dừng lại ở việc “đe dọa sẽ dùng vũ lực” để uy hiếp tinh thần nạn nhân chứ chưa dùng vũ lực còn bị cáo trong trường hợp này đã đánh, xô ngã, đe dọa nạn nhân và người đi cùng. Nếu xét xử đúng tội, bị cáo Bùi Thị Mận sẽ phải nhận bản án thấp nhất là ba năm tù về tội cướp tài sản chứ không chỉ một năm tù như trong bản án mà Tòa án đã tuyên. Việc định tội danh sai lầm đã khiến cho hành vi phạm tội của bị cáo không được xử lý nghiêm minh và đã có bản án phúc thẩm về vụ án này.
Ví dụ 2: Bản án số 21/HSST ngày 31/3/2014 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng: Ngày 27/9/2013, Hồ Minh Hải rủ Trương Văn Thắng cùng trú tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đến thị trấn Krông Năng trộm chó về để bán lấy tiền tiêu xài. Thắng về lấy xe mô tô chở Hải đi mua và chế tạo dụng cụ để đi bắt chó. Sau đó Thắng chở Hải đến khu vực Đài truyền hình huyện bắt được 01 con chó lông màu trắng nặng khoảng 12kg (được cơ quan chức năng định giá là 01 triệu đồng). Khi đó, một số người dân phát hiện tri hô và báo cho Công an huyện Krông Năng, trực ban Công an huyện đã phân công hai đồng chí công an là Khà Văn Chính và Nguyễn Quang Trung đuổi theo Thắng, Hải. Khi đồng chí Chính và đồng chí Trung đuổi kịp áp sát, ra hiệu dừng xe lại, Thắng vẫn điều khiển xe chạy tiếp còn Hải ngồi sau xe dùng thanh sắt có thòng lọng (dụng cụ bắt chó mà chúng đã chế) đánh trúng vào tay đồng chí Chính. Đến khu vực trồng cao su thì xe máy của Thắng và Hải bị ngã xuống, con chó chạy thoát. Hải tiếp tục dùng thanh sắt có thòng lọng chống trả lại đồng chí Trung, còn Thắng chạy vào lô cao su và dùng các chén mủ cao su ném vào đồng chí Chính để tẩu thoát. Nhiều người dân chạy đến xem nên Hải và Thắng bỏ xe tháo chạy. Ngày 31/3/2014, Tòa án nhân dân huyện Krông Năng đã tuyên phạt Hồ Minh Hải 08 năm 6 tháng tù, Trương Văn Thắng 07 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản. Xét tình tiết của vụ án cho thấy bản án này của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng là không đúng tội và bỏ lọt tội phạm. Thứ nhất, các bị cáo không phạm tội cướp tài sản. Ban đầu Thắng và Hải có hành vi lấy trộm chó nhưng con chó chỉ có giá trị 01 triệu đồng nên hành vi này không cấu thành tội trộm tài sản được quy định ở Điều 138 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thì hành vi chiếm đoạt tài sản trên có thể cấu thành tội cướp tài sản nếu “Người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc
đã chiếm đoạt được tài sản nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản”. Tuy nhiên, trong vụ án này, tài sản các bị cáo chiếm đoạt (con chó) vẫn do các bị cáo chiếm giữ (sau đó tự chạy thoát). Việc các bị cáo có hành vi tấn công hai đồng chí công an không phải để giành lại tài sản. Do đó, hành vi không cấu thành tội cướp tài sản, tuyên các bị cáo phạm tội này là không đúng. Việc xác định nhầm tội danh dẫn đến hành vi tấn công những người thi hành công vụ ở đây bị chuyển hóa vào hành vi khách quan của tội cướp tài sản nên tội chống người thi hành công vụ mà các bị cáo thực sự phạm tội lại bị bỏ lọt. Về bản chất sự việc phải hiểu là các bị cáo đã có hành vi vi phạm hành chính - lấy trộm một tài sản trị giá dưới hai triệu đồng. Việc hai đồng chí công an đuổi theo bắt giữ chúng để xử lý vi phạm là hoạt động thi hành công vụ. Hành vi tấn công, chống trả của các bị cáo không phải để giành tài sản mà để chống lại việc bị bắt giữ, xử lý. Do vậy, các bị cáo phải bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ. bản án hình sự sơ thẩm số 21/HSST ngày 31/3/2014 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng đã tuyên sai tội danh, bỏ lọt tội phạm khiến cho nguyên tắc mọi tội phạm phải bị xử lý nghiêm minh không được bảo đảm nên đã được xét xử phúc thẩm và tuyên các bị cáo về tội chống người thi hành công vụ.
* Đánh giá không đúng vai trò của người phạm tội trong vụ án đồng phạm dẫn đến không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong phân hóa trách nhiệm hình sự
Ví dụ 1: Bản án số 341/HSST ngày 16/10/2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột: Khoảng 21h ngày 12/3/2009, Vũ Mạnh Thắng (20 tuổi) và một số người bạn là Vũ Đình Thịnh (19 tuổi), Vũ Quốc Bảo (17 năm 07 tháng tuổi), Ngô Quang Đại (17 năm 04 tháng tuổi), Nguyễn Thế
Dũng (16 năm 5 tháng tuổi), Đinh Việt Thành (20 tuổi), Trần Ngọc Tuyển (16 năm 3 tháng tuổi), Nguyễn Bảo Khánh (19 tuổi), Nguyễn Duy Phương (20 tuổi), rủ nhau đến đồi bắn thuộc Khối 1, phường Khánh Xuân, Thành phố Buôn Ma Thuột ngồi chơi và uống rượu. Khi cả bọn đang ngồi uống rượu, Thắng rủ các bạn đi bắt gà, vịt của dân về nấu món nhậu. Bảo nói biết chỗ nuôi nhiều vịt nên cả bọn đồng ý đi. Trước khi đi Đại gợi ý nên cầm theo dao để dễ hành động. Nghe vậy, Thắng và Thịnh cầm mỗi người một con dao, Phương cầm theo một đoạn gậy. Khánh, Thành và Tuyển dùng xe máy của mình chở Đại, Phương, Thắng, Thịnh, Bảo và Dũng theo chỉ dẫn của Bảo đến trại nuôi vịt của anh Phạm Huy Toàn. Đến nơi, Phương và Bảo dùng dao của Thắng cùng với Đại, Dũng xông vào bắt vịt. Vợ chồng anh Toàn phát giác, quát mắng thì Thịnh hô to “Tụi mày cứ bắt đi cho tao”. Vợ chồng anh Toàn hô cướp, Bảo liền kích động đồng bọn xông vào đánh. Thịnh, Phương cầm dao, gậy áp sát vào người vợ anh Toàn dọa chém nên hai vợ chồng không dám kháng cự nữa. Dũng và Đại dùng dao chém chết một số con vịt và mang ra hai con để đem về. Khánh, Thành, Tuyển chỉ đứng ngoài đợi chở đồng bọn về đồi bắn cùng nướng vịt ăn. Do anh Toàn ghi lại được biển số xe máy nên ngày hôm sau cả bọn bị bắt. Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đã tuyên bố các bị cáo phạm tội cướp tài sản. Tòa án tuyên phạt Thịnh, Thắng, Phương 07 năm tù; Bảo, Đại, Dũng sáu năm tù; Tuyển bốn năm tù; Khánh, Thành ba năm tù.
Xét tình tiết của vụ án cho thấy vai trò của các bị cáo trong vụ đồng phạm rất rõ ràng: Thắng là người khởi xướng, xúi giục bạn bè phạm tội; Thịnh và Phương là người thực hành tích cực, trực tiếp dùng lời lẽ và dao khống chế người bị hại, Thịnh đồng thời có vai trò xúi giục, kích động hành vi bạo lực của các bọ cáo khác; Bảo vừa là người dẫn đường, vừa là người thực hành tích cực, cùng với Thịnh, Phương khống chế người bị hại; Đại và
Dũng trực tiếp chiếm đoạt tài sản; Tuyển, Khánh, Thành chỉ giúp sức, chuyên trở đồng bọn. Theo đó, bị cáo Phương có vai trò thấp hơn (chỉ là người thực hành) so với bị cáo Thắng, Thịnh (nắm giữ vai trò chủ mưu, xúi giục, thực hành tích cực) nhưng Phương chịu cùng mức án 07 năm tù với Thắng và Thịnh là không công bằng. Các bị cáo Tuyển, Khánh, Thành có vai trò như nhau, đều là người giúp sức chuyên trở đồng bọn, đều phạm tội lần đầu với những tình tiết như nhau nhưng Tuyển bị tuyên phạt 04 năm tù trong khi Khánh, Thành bị phạt 03 năm tù. Mức án đó rõ ràng chưa công bằng giữa ba người này, hơn nữa Tuyển còn là người chưa thành niên khi phạm tội nên mức án đối với Tuyển phải thấp hơn Khánh, Thành mới chính xác.
Ví dụ 2: Bản án số 121/HSST ngày 26/5/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột: Các bị cáo Lưu Trần Phong và Võ Văn Lên tham gia hai vụ cướp giật tài sản khác nhau vào tháng ngày 02/11 và 02/12/2009 nhưng cùng bị rủ rê bởi Phan Tú Huy Hoài với cùng thủ đoạn nên được Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xét xử chung bởi bản án hình sự sơ thẩm số 121/HSST ngày 26/5/2010. Tuy nhiên, hành vi phạm tội và mức án của hai bị cáo được mô tả trong bảng so sánh dưới đây cho thấy rõ sự chưa công bằng của bản án:
Lưu Trần Phong Võ Văn Lên
Khi phạm tội 16 năm 11 tháng tuổi Khi phạm tội 19 tuổi
Phạm tội do Phan Tú Huy Hoài rủ rê Phạm tội do Phan Tú Huy Hoài rủ rê Chở Hoài bằng xe máy để Hoài giật
điện thoại trị giá 950.000 đồng
Được Hoài chở bằng xe máy, trực tiếp giật điện thoại trị giá 1 triệu đồng
Người bị hại 18 tuổi Người bị hại là trẻ em (14 tuổi) Ra đầu thú, thành khẩn khai báo, phạm
tội lần đầu, đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại
Thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu
Xét nội dung vụ án cho thấy hành vi phạm tội của Lưu Trần Phong rõ ràng có tính nguy hiểm thấp hơn hành vi phạm tội của Trần Văn Lên: Phong không trực tiếp giật tài sản mà chỉ chở Hoài để Hoài thực hiện hành vi này còn Lên là người trực tiếp giật tài sản. Giá trị tài sản cướp giật trong vụ án Phong tham gia thấp hơn vụ án của Lên (tuy thấp hơn không đáng kể: 50.000 đồng). Bản thân Phong khi phạm tội là người chưa thành niên còn Lên đã thành niên. Phong không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào trong khi Lên có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với trẻ em. Phong có nhiều hơn Lên 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các tình tiết của vụ án đều cho thấy rõ ràng Phong phải được hưởng mức án nhẹ hơn Lên nhưng Tòa án đã quyết định phạt tù đối với Phong và còn Lên được hưởng án treo là không công bằng. Hơn nữa, Phong là người chưa thành niên, phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên xứng đáng được hưởng án treo còn Lên phạm tội khi đã thành niên, có hai tình tiết giảm nhẹ nhưng lại có tình tiết phạm tội với trẻ em nên cho hưởng án treo là không chính xác.
Ngoài Phong và Lên, trong cùng bản án này Phan Tú Huy Hoài là người chủ mưu, cầm đầu cả hai vụ cướp giật bị Tòa án tuyên phạt 03 năm 6 tháng tù. Nếu so sánh với mức án này thì mức án của Phong càng không công bằng. Phong là người bị rủ rê, chỉ tham gia một vụ cướp giật mức án phải thấp hơn Hoài vừa chủ mưu cả hai vụ, vừa xúi giục người chưa thành niên (Phong) phạm tội. Giả sử Phong đã thành niên thì mức án 02 năm 6 tháng tù, thấp hơn 01 năm tù so với mức án áp dụng cho Hoài vẫn là nghiêm khắc đối với Phong. Trong khi, thực tế Phong phạm tội khi 16 năm 1 tháng tuổi nên mức án tối đa được quyết định với bị cáo chỉ bằng 3/4 so với người thành niên phạm tội tương tự. So sánh mức án này cho thấy sự bất công rõ ràng đối với bị cáo.
* Việc xác định cấu thành tội phạm không đúng dẫn đến khung hình phạt được áp dụng không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội
Đó là những trường hợp mà Tòa án bỏ sót tình tiết tăng nặng định khung hoặc tình tiết định tội nên lựa chọn nhầm cấu thành tội phạm, kết quả là bản án đưa ra không chính xác như trong một số vụ án sau:
Vụ án 1: Bản án số 51/HSST ngày 26/12/2011 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin: Nguyễn Hữu Thế và đồng bọn ở huyện Cư Kuin phạm tội trộm cắp tài sản thuộc cấu thành tăng nặng nhưng lại được xử phạt theo cấu thành cơ bản. Ngày 07/8/2011, Nguyễn Hữu Thế và Nguyễn Viết Thành (cùng sinh năm 1990) được một người bạn là Y Nét Êban cho mượn xe môtô mới mua để đi thử. Trên đường chạy thử xe, Thế nảy sinh ý định lấy trộm chiếc xe này nên nói với Thành kiếm chỗ nào làm thêm chìa khóa để khi nào có cơ hội sẽ lấy trộm. Thành đồng ý và cùng Thế đi làm một chiếc chìa khóa rồi quay lại trả xe cho Y Nét. Ngày 14/8/2011, Thế gọi điện thoại mời Y Nét ra quán cà phê ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin để dự tiệc sinh nhật. Y Nét nhận lời và điều khiển xe môtô của mình đến dự. Thế đưa Y Nét vào trong phòng hát Karaoke rồi gọi điện thoại cho Thành đến quán, đưa chìa khóa đã làm để Thành lấy trộm xe. Thành rủ thêm Nguyễn Tiến Lợi cùng tham gia lấy trộm