Nguyên tắc dạy học văn ở tiểu học

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học từ PHƯƠNG DIỆN NGÔN NGỮ (Trang 40 - 43)

2.3.1. Cơ sở của việc xác định nguyên tắc trong dạy học văn ở tiểu học

Việc tiếp xúc, tiếp thu tác phẩm văn học của học sinh tiểu học có một quá trình “liên thông”, liên tục từ đơn giản, thô sơ, tự phát, thụ động (lứa tuổi đầu bậc tiểu học) chuyển dần sang nửa thụ động, tiến tới tự giác, chủ động, có ý thức (cuối bậc tiểu học). Từ 10 tuổi, học sinh đến với văn học trên cơ sở lấy hứng thú với sự vật làm chủ đạo.

Những đặc trưng riêng về tâm lý, nhận thức, hoạt động tiếp nhận văn học của học sinh tiểu học, thêm vào đó là tính đối tượng và tính sư phạm trong dạy và học.

Việc tiếp nhận tác phẩm ở ngoài đời là sự tiếp nhận mang tính cá nhân, tự do, dựa vào sở thích, ý thích, còn việc tiếp nhận tác phẩm văn học trong nhà trường tiểu học lại mang tính tập thể, có sự sắp xếp, có sự hướng dẫn.

Tác phẩm văn học ở ngoài đời chỉ hiện hình qua ngôn ngữ đọc thầm của các em, còn trong nhà trường, tác phẩm như một thực thể hiện ra qua ngôn ngữ đọc, lời phân tích, lời bình của thầy cô, qua những hình ảnh minh họa trên lớp hoặc qua những hoạt động ngoại khóa. Việc tiếp nhận tác phẩm trong nhà trường có tính chủ động, tích cực, sáng tạo của cả tập thể trong khi ở ngoài đời, với tư cách là một bạn đọc, các em đến với tác phẩm thường đơn độc, bị động, dễ bị lệch lạc…

Phương pháp tích hợp trong giảng dạy văn với tiếng hiện nay giúp các em không chỉ có được những tri thức về tiếng Việt để học tập, giao tiếp mà còn hiểu được phần nào giá trị thẩm mỹ của tác phẩm với tư cách là công trình nghệ thuật bằng ngôn từ.

Việc dạy học văn ở cấp học này cần có những nguyên tắc chung và những nguyên tắc đặc thù.

2.3.2. Các nguyên tắc cơ bản trong dạy học văn ở tiểu học 2.3.2.1. Nguyên tắc tính vừa sức

Đây là nguyên tắc có tính xuyên suốt trong dạy học văn học thiếu nhi trong nhà trường tiểu học (qua môn tiếng Việt).

Tác phẩm văn học dành cho học sinh tiểu học có những yêu cầu riêng để “vừa sức” với các em. Cụ thể có những bài giúp các em đọc đúng trọng âm

(đúng những từ quan trọng, mang nhiều thông tin mới), đúng ngữ điệu, đúng chỗ ngắt giọng; có bài giúp các em đọc đúng kiểu câu để sau đó đọc diễn cảm được cả đoạn văn và bài văn…

Văn, thơ dành cho học sinh tiểu học phải bảo đảm cho trẻ đọc được, vừa phải giúp cho trẻ cảm thụ được tác phẩm một cách tốt nhất.

2.3.2.2.Nguyên tắc tích hợp trong phân tích tác phẩm

Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm môn học – văn học trong nhà trường. Học sinh tiểu học không chỉ học văn mà còn học ngữ. Không chỉ tiếp thu cái đẹp của văn chương mà còn qua văn chương để hiểu con người, cuộc đời, qua mỗi tác phẩm văn học để tiếp nhận sự giáo dục và tự giáo dục mình. Tiếp xúc với văn học cũng là để các em hiểu thêm về xã hội, môi trường xung quanh, hiểu thêm về nhạc, họa,…

Người viết cho thiếu nhi phải có hai tư cách: tư cách một nhà văn và tư cách một người làm cha mẹ muốn con nên người. Do đó, mỗi tác phẩm mà họ dành cho thiếu nhi là một sự tổng hòa của nhiều nội dung và đa dạng về hình thức.

2.3.2.3.Nguyên tắc về quan hệ giữa nội dung và hình thức

Tác phẩm văn học là sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức. Đó là sự thống nhất biện chứng chứ không phải là sự “hợp thành” hoặc “bao gồm”. Mọi tư tưởng, tình cảm của tác giả, những điều “trông thấy” của nhà văn bao giờ cũng hiện ra bằng những hình thức cụ thể của tác phẩm và những biểu hiện của hình thức luôn chứa đựng những nội dung tích cực.

Theo nguyên tắc về tính vừa sức, khi phân tích, giáo viên có thể không cần khai thác hết tất cả nội dung và nghệ thuật mà chỉ cần nhấn mạnh một vài khía cạnh tiêu biểu nào đó của chúng để tập trung sự chú ý của các em.

Chú ý mối quan hệ giữa nội dung và hình thức chính là tôn trọng nguyên tắc chỉnh thể của tác phẩm văn học. Điều cần lưu ý là, ở cuối cấp tiểu học, các em ý thức rõ hơn về hình thức và nội dung nên sự phân tích cần kĩ càng hơn, nội dung phải sâu hơn, nghệ thuật phải chi tiết hơn.

Tuổi thiếu nhi là lứa tuổi mà cuộc sống đối với các em, tất cả vừa quen vừa lạ. Vạn vật xung quanh, các em đều thấy, nhưng thấy mà chưa hiểu, hiểu mà chưa thể phân tích cặn kẽ hoặc về cảm tính thì hiểu nhưng lí trí lại chưa thỏa mãn. Văn học sẽ là một trong những cánh cửa để giúp các em bước vào và tìm hiểu ngôi nhà – cuộc sống.

Gắn văn học với cuộc sống là qua tác phẩm giúp các em hiểu thêm về cuộc đời. Điều này rất cần và rất thiết thực.

Nguyên tắc gắn văn học với cuộc sống cần phải tự nhiên như chính mối quan hệ giữa cuộc sống và văn học, tránh trường hợp gò ép, bắt buộc. Sự gò ép bao giờ cũng là phản tự nhiên, nhất là với lứa tuổi học sinh tiểu học.

Giúp các em biết yêu cái thiện, cái tốt, biết ghét cái xấu, biết xa lánh cái thấp hèn, biết học tập cái cao thượng. Nhưng quan trọng hơn là: các em còn phải hiểu được, lí giải được: Vì sao ghét?, Vì sao yêu?, Xa lánh cái xấu như thế nào?, Học tập cái tốt ra sao?... Dạy văn ở tiểu học không phải là dạy đạo đức, nhưng dạy đạo đức qua văn học không chỉ nhẹ nhàng mà còn sâu sắc, được các em hiểu kĩ và nhớ lâu.

2.3.2.5. Nguyên tắc chú ý đến sự phối hợp các phương pháp

Tùy theo từng kiểu giờ dạy (Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả,…) mà có phương pháp chính yếu, phương pháp hỗ trợ để giờ dạy đạt kết quả cao nhất.

Mỗi phương pháp đều có mặt tích cực và những hạn chế tất yếu. Biết kết hợp các phương pháp (dưới sự dẫn dắt của phương pháp chủ đạo) vừa là một đòi hỏi vừa là một thực tế: khai thác tối đa mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những nhược điểm của mỗi phương pháp để giờ học thêm sinh động, quyến rũ và hấp dẫn các em. Dạy và học phải đi đôi với nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau thì giờ học mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học từ PHƯƠNG DIỆN NGÔN NGỮ (Trang 40 - 43)