1. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên
1.4. Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Hiện này trong cả nước có 77 cơ sở chữa bệnh, người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính này chỉ gồm có người chưa thành niên bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Ngoài ra đối với người chưa thành niên nghiện ma tuý thì theo Nghị định số 135/2004/NĐ-CP phải được đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để cai nghiện.
Với đối tượng người chưa thành niên bán dâm có tính chất thường xuyên, thực tế việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng gặp rất nhiều khó khăn bởi việc xác định như thế nào là "bán dâm có tính chất thường xuyên" là rất khó. Do việc theo dõi quản lý số lượng đối tượng này có nhiều bất cập nên việc chứng minh họ "bán dâm có tính chất
thường xuyên" để áp dụng biện pháp này bị hạn chế, thường thì phạt tiền rồi cho về, nên hiệu
quả của biện pháp này với đối tượng người chưa thành niên bán dâm có tính chất thường xuyên bị hạn chế. Việc quy định đối tượng có bệnh án hay không có bệnh án cũng bị đưa vào cơ sở chữa bệnh dẫn đến khó khăn cho việc quản lý, phòng ngừa các bệnh lây nhiễm giữa các đối tượng do thực tế những đối tượng này hầu hết sức khoẻ không tốt, khi vào cơ sở chữa bệnh, hay mang theo những bệnh xã hội khó chữa.
Điều 113 Pháp lệnh quy định: "Trong trường hợp một người thực hiện các hành vi vi
phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh", quy định này để nhằm giúp các đối tượng của tệ nạn xã hội có điều kiện chữa bệnh, lao
động và học nghề, tái hoà nhập cộng đồng sau này. Quy định này xuất phát từ thực tế, phần lớn các đối tượng vì dính vào tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, nhất là ma tuý nên mới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chính vì thế nếu chữa bệnh và ngăn không để cho họ tiếp tục tham gia vào các tệ nạn xã hội cũng chính là loại trừ những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế ở các cơ sở chữa bệnh tình trạng quá tải gây rất nhiều khó khăn cho việc chữa bệnh, có những nơi không có một đối tượng nào bị đưa vào cơ sở giáo dục, trong khi cơ sở chữa bệnh trở nên quá tải do có quá nhiều đối tượng bị áp dụng biện pháp này. Cụ thể như ở Quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, năm 2004 không có đối tượng nào bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Do các đối tượng thuộc diện đưa vào cơ sở giáo dục đồng thời cũng nghiện ma tuý nên chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh với đối
tượng này. Mặt khác, ở một số địa phương, các đối tượng thuộc diện phải đưa vào cơ sở giáo dục đã cố tình nghiện để chỉ bị vào cơ sở chữa bệnh thay vì phải vào cơ sở chữa bệnh.
Số liệu thống kê ở một số quận, huyện, tỉnh thành trong cả nước [2, tr.12, 13] cho thấy: - Năm 2004, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương đã lập hồ sơ đưa 21 gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
- Từ năm 2002 đến năm 2004, Hoà Bình đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh 50 đối tượng gái mại dâm.
- Từ tháng 10/2002 đến tháng 03/2005, tỉnh Kon Tum đã có 30 trường hợp đưa vào cơ sở chữa bệnh; tỉnh Lào Cai có 91 trường hợp đưa vào cơ sở chữa bệnh; tỉnh Phú Thọ có 86 đối tượng đưa vào Trung tâm Lao động xã hội.
Trong các đối tượng trên có cả những đối tượng là người chưa thành niên.
Với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma tuý đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ (theo khoản 1 Điều 29 Luật phòng chống ma tuý). Việc đưa những đối tượng này vào cơ sở chữa bệnh không coi là việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Nhìn chung cơ sở vật chất tại các cơ sở chữa bệnh vẫn còn thiếu thốn, trong khi việc chữa bệnh cho những đối tượng này đòi hỏi rất cao về điều kiện cơ sở vật chất cũng như những người tham gia công tác chữa bệnh.
Thực tế áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, bên cạnh những kết quả đạt được cần phát huy cũng có nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết, khắc phục được những khó khăn đó sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng Bộ luật xử lý vi phạm hành chính trong tương lai gần.