Môi trường truyền dẫn được xem như là đường cao tốc và mạch máu cung cấp đường dẫn cho các thiết bị trong mạng. Có một xu hướng nói chung rằng môi trường truyền dẫn này tốt hơn các loại khác. Trong thực tế, mỗi môi trường truyền dẫn có vị trí của nó trong việc thiết kế các hệ thống truyền nhận thông tin. Mỗi đặc điểm sẽ tạo thành môi trường lý tưởng để sử dụng dựa trên một tập hợp các hoàn
cảnh đặc trưng. Điều quan trọng là nhận ra những ưu nhược điểm của từng loại và lựa chọn để triển khai một hệ thống phù hợp.
Các phương thức truyền dẫn vô tuyến:
- Truyền dẫn vi ba:
Truyền dẫn vi ba số là một trong ba phương tiện thông tin phổ biến (bên cạnh thông tin vệ tinh và thông tin quang). Truyền dẫn vi ba là hình thức truyền dẫn tín hiệu bằng cách sử dụng sóng điện từ ở khoảng tần số từ 1 Ghz đến vài chục Ghz để truyền tải các dữ liệu thông tin. Nguyên lý truyền dẫn bằng vi ba như sau: thông tin, dữ liệu sau khi được số hóa sẽ được đưa đến các máy phát siêu cao tần. Tại đây, tín hiệu được điều chế thành tín hiệu siêu cao tần và được khuếch đại đủ lớn để đưa ra anten phát vào không gian và truyền đến đầu thu. Sóng mang vô tuyến được truyền đi có tính định hướng rất cao nhờ các anten định hướng.
Ưu điểm:
+ Chi phí lắp đặt hệ thống vi ba không quá lớn.
+ Công tác triển khai lắp đặt đơn giản vì không phải lắp đặt cáp.
Nhược điểm:
+ Suy giảm và bị mất tín hiệu do ảnh hưởng của thời tiết và các điều kiện trong không gian như: mưa, gió, fading, …
+ Có khả năng bị xuyên nhiễu bởi các sóng vô tuyến khác. - Truyền dẫn vệ tinh:
Truyền dẫn vệ tinh cũng là một hình thức của truyền dẫn vi ba, nhưng ở phương thức này, trạm thông tin chuyển tiếp của hệ thống vi ba lại đặt trên vệ tinh. Công nghệ hiện tại sử dụng một vệ tinh địa tĩnh. Quỹ đạo địa tĩnh có nghĩa là quỹ đạo mà khi một vệ tinh được phóng lên, vệ tinh đó quay quanh trái đất với cùng vận tốc của chuyển động quay của trái đất. Vì thế đối với trạm mặt đất thì vệ tinh đó đang đứng yên. Nhờ vậy, nó làm cho truyền thông giữa mặt đất và vệ tinh tin cậy hơn. Các trạm mặt đất ít tốn kém hơn vì chúng có thể sử dụng các anten cố định.
Ưu điểm của thông tin vệ tinh:
+ Giá thành của kênh truyền dẫn bằng vệ tinh không phụ thuộc vào khoảng cách giữa hai trạm thu phát.
+ Có khả năng thiết lập đến các vị trí có địa hình phức tạp, cự ly xa mà truyền dẫn thông thường khó mà thực hiện.
+ Có khả năng thông tin quảng bá cũng như thông tin điểm nối điểm
+ Lượng băng thông lớn: có thể đạt tới 3,4 Gbit/s tùy vào loại điều chế.
+ Thích hợp cho các ứng dụng trên biển và những vùng sâu vùng xa.
Nhược điểm:
+ Trễ truyền lan một chiều do khoảng các từ trại thu đến trạm chuyển tiếp rồi quay trở lại mặt đất quá xa.
+ Sự hấp thụ của mưa tác động đến suy hao đường truyền.
+ Khi phát triển nhiều hệ thống vệ tinh dẫn đến bị nghẽn.
+ Chí phí cao vì công tác phóng vệ tinh là rất đắt.
+ Thời gian sử dụng hạn chế do không được bảo trì bảo dưỡng. - Truyền dẫn WIFI, 3G, WIMAX:
WIFI, WIMAX và 3G cũng là một trong các phương thức truyền dẫn không dây băng rộng thế hệ mới đang được ứng dụng hoặc thử nghiệm. Ba phương thức truyền dẫn này có đặc điểm chung là dễ dàng lắp đặt và sử dụng. Vì là truyền dẫn vô tuyến nên có ưu điểm về việc thay đổi vị trí lắp đặt, tuy nhiên các phương thức truyền dẫn vô tuyến cũng có một hạn chế chung là tính năng bảo mật kém.
WIFI hiện đang được ứng dụng phổ biến trong các doanh nghiệp, các quán cà phê, hộ gia đình. WIFI có đặc điểm riêng là phạm vi phủ sóng ngắn. WIFAX ra đời có thể khắc phục nhược điểm về phạm vi phủ sóng của WIFI, nhưng hiện ở Việt Nam WIMAX vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Các phương thức truyền dẫn hữu tuyến:
- Truyền dẫn cáp đồng: cáp đồng trục và cáp xoắn đôi
Ưu điểm:
+ Các thiết bị mạng đơn giản, giá thành thấp
+ Khoảng cách truyền ngắn
Nhược điểm:
+ Cáp đồng trục có mức suy hao lớn
+ Chi phí cho các thiết bị kèm theo cao
+ Điện năng tiêu thụ của mạng cao
+ Càng xa trung tâm chất lượng tín hiệu càng giảm.
+ Độ ổn định của mạng kém.
+ Khó bảo trì làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống truyền tin.
- Truyền dẫn bằng cáp quang:
Trong sự phát triển của mạng viễn thông Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, thông tin quang đã có những đóng góp rất quan trọng về cả qui mô phát triển cũng như nâng cao chất lượng toàn mạng. Hệ thống thông tin bằng cáp sợi quang là hệ thống truyền dẫn với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, cho phép tạo ra các tuyến truyền dẫn dài, với dung lượng rất lớn, cấu trúc hệ thống linh hoạt, độ tin cậy cao, ...
Sợi quang đã trở thành một phương tiện thông dụng cho nhiều yêu cầu truyền thông. Nó có những ưu điểm vượt hơn so với các phương pháp truyền dẫn điện thông thường.
Ưu điểm:
+ Suy hao truyền dẫn rất nhỏ.
+ Không bị ảnh hưởng của nhiễu điện từ.
+ Có tính bảo mật tín hiệu thông tin cao.
+ Có kích thước và trọng lượng nhỏ.
+ Sợi có tính cách điện tốt.
+ Tin cậy và linh hoạt.
+ Sợi được chế tạo từ vật liệu sẵn có.
+ Khoảng cách truyền rất xa
Nhược điểm:
+ Khó đấu nối.
+ Cần có các đường dây cấp nguồn cho trạm lặp.
+ Cần có các phương thức chỉnh lỗi mới (cáp).
Lựa chọn phương thức truyền dẫn
Hệ thống giám sát giao thông là hệ thống yêu cầu rất cao về việc truyền nhận tin để đảm bảo được 4 yếu tố cho thông tin dữ liệu là: an toàn, tin cậy, bền vững và tức thời. Do vậy, với một số nhược điểm của truyền dẫn vô tuyến như: không có độ bảo mật cao, suy hao và ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết (vi ba), chi phi đắt đỏ (vệ tinh, 3G), không đáp ứng về khoảng cách cần truyền dẫn (wifi), … nên các phương thức truyền dẫn vô tuyến chỉ được lựa chọn khi thực sự cần phát huy những ưu điểm đặc trưng của nó.
Với những ưu điểm vượt trội trong các hình thức truyền dẫn hữu tuyến, cáp quang hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của hệ thống
truyền nhận tin cho hệ thống giao thông thông minh. Truyền dẫn cáp quang nên được chọn lựa để thiết lập các đường truyền chính kết nối giữa các ma trận chuyển mạch (switch) với nhau. Đối với việc truyền dẫn tín thiệu từ các camera đến các switch gần nó nhất, cáp xoắn đôi sẽ được chọn để sử dụng.