MẠNG SỐ LIỆU THEO CHUẨN ETHERNET

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ KỸ THUẬT GIẢI PHÁP MẠNG SỐ LIỆU TÍCH HỢP CHO HỆ THỐNG GIÁM SÁT GIAO THÔNG (Trang 43)

1.4.1. Lịch sử phát triển của chuẩn Ethernet (IEEE 802.3):

Chuẩn Ethernet là bộ chuẩn được xây dựng để ứng dụng trong việc thiết kế và kết nối mạng LAN sử dụng phương pháp truy nhập đường truyền theo phương thức CSMA/CD và dữ liệu truyền tải theo định dạng khung với chiều dài khung nhỏ nhất là 64 byte và lớn nhất là 1518 byte.

Bộ chuẩn Ethernet IEEE 802.3 được bắt nguồn từ việc thử nghiệm xây dựng một mạng kết nối có tốc độ xấp xỉ 3 Mbps tại trung tâm nghiên cứu của công ty XEROX vào những năm đầu 1970. Với thành công từ thử nghiệm này, XEROX đã kết hợp với DEC và Intel (DIX) tiếp tục nghiên cứu và phát triển thử nghiệm này để đưa ra chuẩn Ethernet có chất lượng hơn với tốc độ 10Mbps. Năm 1981, tổ chức IEEE – một tổ chức tiên phong trong lĩnh vực chuẩn hóa các tiêu chuẩn ứng dụng cho mạng cục bộ theo đề án IEEE 802 đã thực hiện chuẩn hóa chuẩn Ethernet của DIX và công bố với tên gọi là IEEE 802.3. Cuối những năm 80, chuẩn IEEE 802.3 tiếp tục được công nhận bởi tổ chức chuẩn hóa của thế giới (ISO).

Vào năm 1995 chuẩn Fast Ethernet đã được cải tiến với tên 802.3u dựa trên công nghệ Cat 3-5 hay sử dụng cáp quang là một bước đột phá rất lớn, cho phép truyền tin với tốc độ 100 Mbps. Tiếp sau đó năm 1998 chuẩn Gigabit Ethernet được công bố với tên 802.3z đánh dấu một bước ngoặt trong công nghệ truyền tin, cải tiến đáng kể tốc độ truyền thông tin. Giao diện kết nối Ethernet với tốc độ 10 Gbit/s và khoảng cách lớn tới 40 km đã được chuẩn hóa trong tiêu

chuẩn IEEE 802.3ae trong năm 2002. Nhờ có chuẩn 802.3ae này mà Ethernet đã có thể được ứng dụng cho những đường truyền có khoảng cách xa và yêu cầu tốc độ cao, tương tự như SDH (synchronous digital hierarchy) và OTN (optical transport network). Giao diện 40 và 100 Gbit/s cũng đã được bắt đầu chuẩn hóa – 802.3ba, dựa trên kết quả của nhóm nghiên cứu tốc độ cao (HSSG – High Speed Study Group). Mục tiêu là đưa ra giao diện cho kết nối 40 Gbit/s ở khoảng cách 100km và 100 Gbit/s ở khoảng cách 40Km. Hiện tại, dự án nâng cấp tiêu chuẩn Ethernet lên tốc độ lưu chuyển dữ liệu nằm trong khoảng từ 400 Gbps đến 1 Tbps mới chỉ đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm.

1.4.2. Mạng số liệu theo chuẩn Ethernet (mạng Ethernet):

Mạng số liệu theo chuẩn Ethernet là một hệ thống mạng được thiết kế tuân theo một trong những chuẩn Ethernet được tổ chức IEEE công bố. Từ khi chuẩn Ethernet ra đời, việc thiết kế nên một mạng LAN cho một tổ chức hay một đơn vị nào đó đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc tính này cùng với tính dễ sử dụng chính là lý do để chuẩn Ethernet được ứng dụng rộng rãi trong nền công nghiệp máy tính.Hầu hết các hãng sản xuất máy tính hoặc sản xuất các thiết bị có yêu cầu kết nối mạng đều trang bị cho sản phẩm của họ giao diện để gắn thiết bị giao tiếp mạng theo chuẩn Ethernet (card mạng Ethernet) hoặc có tích hợp sẵn các card mạng Ethernet này để có thể kết nối vào mạng LAN một cách dễ dàng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các chuẩn Ethernet mới, công nghệ mạng Ethernet luôn là công nghệ được sử

dụng phổ biến nhất trong môi trường mạng LAN. Cũng có một số công nghệ khác được thiết kế để sử dụng cho mạng LAN, nhưng Ethernet vẫn là công nghệ chiếm đến hơn 85% thị trường.

Bản thân Ethernet khi được thiết kế là để hướng tới hệ thống mạng LAN. Tuy nhiên, từ năm 2002, các nghiên cứu và tiêu chuẩn đã được xúc tiến để mở rộng khả năng của Ethernet, cho phép ứng dụng trong môi trường mạng MAN và WAN, các mạng cung cấp dịch vụ. Hiện nay, với những tiêu chuẩn đã và đang được bổ sung, Ethernet đã có thể được sử dụng trong những hệ thống mạng viễn thông cho phép cung cấp dịch vụ với độ tin cậy cao, hiệu quả về chi phí.

Đặc điểm của mạng Ethernet:

- Cấu hình mạng: bus thẳng hoặc bus hình sao - Phương thức truy nhập đường truyền: CSMA/CD - Kiểu kiến trúc: baseband

- Quy cách kỹ thuật: IEEE 802.3

- Tốc độ truyền dữ liệu: 10Mbps, 100Mbps, 1000Mbps và có thể lên đến hàng chục Gbps

- Loại cáp để kết nối hệ thống: cáp đồng trục mảnh, cáp đồng trục dày, cáp UTP, cáp quang,…

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ KỸ THUẬT GIẢI PHÁP MẠNG SỐ LIỆU TÍCH HỢP CHO HỆ THỐNG GIÁM SÁT GIAO THÔNG (Trang 43)