4.2.3.1 Tổ chức những chương trình huy động đóng góp nguồn lực
Qua 3 năm (2011-2013) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung huy động toàn bộ nguồn lực để thực hiện Chương trình. Để triển khai thực hiện tốt việc huy động nguồn lực lãnh đạo xã đã ưu tiên triển khai công tác lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư, bên cạnh đó, chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiện vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất... để góp phần cùng với ngân sách nhà nước thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình; thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP; hướng dẫn nông dân vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo cơ chế tại Quyết định số 68/2013/QĐ- TTg ngày 14/11/2013; thực hiện tốt các cơ chế tín dụng có liên quan. Song song với đó huy động có hiệu quả nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất trên địa bàn để lại cho xã đầu tư thực hiện nông thôn mới. Đặc biệt, các cấp lãnh đạo đã cho tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hằng năm; đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, trong công tác phân cấp trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM, BCĐ Chương trình cũng đã chỉ ra nhiệm vụ của người dân và các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn tích cực đóng góp ngày công, tiền bạc và vốn tự có của doanh nghiệp để tham gia đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM của xã.
Đặc biệt, trong các công tác đóng góp xây dựng đường giao thông, thủy lợi, hiến đất… các cán bộ quản lý được phân công cụ thể xuống từng thôn để vận động người dân tham gia đóng góp.
4.2.3.2 Tình hình tham gia đóng góp của người dân
Công tác tuyên truyền vận động và huy động nguồn lực được BCĐ Chương trình xây dựng NTM triển khai một cách tích cực và có hiệu quả nên người dân trong xã đã tham gia đóng góp rất tích cực. Theo kết quả điều tra, 100% nhân dân trong xã tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông trong xã và kênh mương nội đồng, trong đó chi từ ngân sách nhà nước chiếm 50% tổng chi phí và nhân dân đóng góp 50%. Ngoài ra, rất nhiều hộ đã hiến đất để làm đường, để xây nhà văn hóa thôn và các cơ sở hạ tầng khác, tích cực thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại sau khi hoàn thành việc dồn điền đổi thửa…
Bảng 4.4: Tình hình đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới Diễn giải Số hộ điều tra Số hộ tham gia
đóng góp
Tỷ lệ (%)
Công lao động 60 60 100
Tiền mặt 60 53 88,33
Hình thức khác 60 31 51,67
(Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra)
Qua bảng 4.4 ta thấy, 100% các hộ đã đóng góp công lao động vào quá trình xây dựng NTM của xã, 88% các hộ đóng góp bằng tiền và hơn 50% hộ đóng góp bằng hình thức khác bao gồm: cơ sở vật chất, tài sản hiện vật, đất đai…
Các ban, ngành, đoàn thể tổ chức động viên khuyến khích các thành viên mình quản lý và nhân dân đóng góp vốn tham gia cùng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước trên cơ sở Đề án, quy hoạch được phê duyệt và phân bổ kế hoạch vốn hàng năm để bố trí, lồng ghép kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho xã xây dựng nông thôn mới.
Huy động các nguồn lực sẵn có trong nhân dân, tổ chức tuỳ theo điều kiện và khả năng của mỗi hộ gia đình, mỗi thôn để xây dựng cơ chế đóng góp phù hợp bằng sức người, sức của, phát huy tối đa tính sáng tạo và sự tham gia đóng góp của người dân, của doanh nghiệp tại địa phương, bà con nông dân tự nguyện cùng nhau quyên góp số tiền trên 2 tỷ đồng và trên 2.000 ngày công lao động, để thực hiện làm 3,5km đường giao thông nông thôn. Xây dựng thành công 5 nhà văn hoá thôn, vận động hội viên nông dân chỉnh trang nhà cửa, đến nay đã đạt được 90% có nhà ở kiên cố
Việc tham gia đóng góp và thực hiện được cụ thể cho mỗi loại hạng mục công trình, chỉ tiêu đảm bảo công bằng, minh bạch và được bàn bạc thống nhất với toàn thể nhân dân, do nhân dân tự đề xuất, có sự tư vấn, hướng dẫn của Ban phát triển thôn, cán bộ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã. Huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, các cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng nguồn lực hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả điều tra cho thấy, 100% người dân được hỏi đều nắm được mục đích sử dụng những khoản đóng góp của họ. Hầu hết các nội dung của Chương trình xây dựng NTM đều có sự đóng góp của người dân, nhưng đa phần các khoản đóng góp là để xây dựng đường giao thông. Tuy nhiên, hiện tại xã vẫn còn một đoạn đường nội đồng bị xuống cấp và chưa được sửa chữa vì thế người dân trong xã rất mong các cấp lãnh đạo có kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới và họ sẵn sàng đóng góp cả về tiền bạc và ngày công để nâng cấp đoạn đường đó.
Bảng 4.5: Lý do tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới
Diễn giải Số phiếu điều tra Ý kiến phản hồi Tỷ lệ (%)
Bắt buộc 60 0 0
Thấy có trách nhiệm 60 60 100
Theo phong trào 60 16 26,67
Lý do khác 60 21 35
Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có hộ nào đóng góp vì lý do bị bắt buộc, 100% các hộ được điều tra đều cảm thấy có trách nhiệm nên đóng góp 26,67% người dân được hỏi đóng góp theo phòng trào và 35% số người đóng góp vì lý do khác như: vì mục tiêu cá nhân… Người dân tích cực tham gia đóng góp là vì họ nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng NTM, họ đều đóng góp trên tinh thần tự nguyện vì thấy mình phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, mức đóng góp của các hộ cũng phù hợp với thu nhập nên cũng không gây khó khăn cho các hộ. Ngoài ra, việc tổ chức đóng góp cũng được thực hiện một cách công khai và rõ ràng, mỗi thôn sẽ chia ra các nhóm dân cư nhỏ, họ bầu ra một người trưởng nhóm và người trưởng nhóm đó là người nắm thông tin về các công việc cần đóng góp để phổ biến cho những hộ trong nhóm của mình, sau đó sẽ là người quản lý khoản đóng góp của các hộ và bàn giao lại cho trưởng thôn. Việc chia nhỏ các khu dân cư như thế đã phát huy hiệu quả rất cao vì dễ quản lý và dễ truyền tải thông tin. 96,67% hộ dân được hỏi đều đánh giá việc sử dụng nguồn lực đóng góp của người dân là hiệu quả, cho thấy công tác huy động nguồn lực của xã Đa Tốn rất hiệu quả.