Nhân vật tự ý thức

Một phần của tài liệu Khóa luận Tìm hiểu về nhà văn Phan Việt và Tiểu thuyết Tiếng người (Trang 64 - 68)

8. Bố cục của khoá luận

2.2.2.Nhân vật tự ý thức

Nhân vật tự ý thức là những con người có nhân cách, bản lĩnh vững vàng, luôn ung dung tự tại trước mọi biến thiên bể dâu của cuộc đời.

Trong tiểu thuyết Tiếng người, bố Duy là nhân vật tiêu biểu cho kiểu loại nhân vật tự ý thức. Ông là con người quyền cao chức trọng, có địa vị trong xã hội, được mọi người nể phục “Quyền lực của ông dường như lớn

hơn nhiều cái vị trí phó khoa Vật lí mà ông đảm nhiệm” [35; 37]. Ông đã tự ý

thức được địa vị và quyền lực của mình. Khi nói chuyện với khách ông bao giờ cũng mở đầu bằng câu “thế nào?”. Không khí cuộc nói chuyện thật trang trọng, hầu như không bao giờ có tiếng cười “những câu chuyện dường như

rời rạc, xa xôi. Tất cả trôi đi trong một trật tự chưa bao giờ được tuyên bố rõ ràng” [35; 41]. Quyền lực ấy không chỉ ở ngoài xã hội mà còn được duy trì

ngay trong tổ ấm gia đình Duy. Trong cơn bão táp của cuộc sống hiện đại, nền kinh tế thị trường đã làm cho các giá trị truyền thống trở nên chao đảo, ngả nghiêng nhưng cha Duy bằng cách riêng của mình vẫn giữ gìn mái ấm gia đình theo khuôn phép và nguyên tắc nhất định. Có thể nói, cha Duy là một người thành công trên con đường công danh sự nghiệp, có một gia đình viên mãn, hạnh phúc nhưng ông lại tỏ ra xa lạ, tạo cảm giác sợ hãi ở ngay trong chính con trai của mình: “Ông đã không hề nói gì về anh, nhưng luôn luôn

những lời ông nói như những sợi thừng trói nghiến anh lại. Sợ hãi xoè móng vuốt quắp chặt lấy anh. Anh sẽ không bao giờ có thể làm cho ông hài lòng. Anh không bao giờ đủ thông minh, đủ tài giỏi, đủ vĩ đại để làm ông hài lòng”

[35; 206].

Bên cạnh bố Duy, Phan Việt xây dựng nên một lớp người đại diện cho thế hệ trẻ, có trí thức, chủ nhân tương lai của đất nước đầy năng động, sáng tạo, tự tin trước cơn lốc xoáy của bão tố cuộc đời. Đó chính là Hoàng. Có thể nói, Hoàng là nhân vật tiếp bước thế hệ cha anh - những lớp người đi trước. Anh đầy tự tin, kiêu hãnh trước những gì mà mình đã đạt được với mọi người.

Sự tự tin được thể hiện ngay trong dáng vẻ, điệu bộ của anh “Cái dáng cao lớn, tự tin trong bộ đồ đen bắt người ta phải nhìn và ngầm ngưỡng mộ” [35; 57]. Không chỉ vậy, từng cử chỉ, hành động của anh cũng thu hút sự chú ý theo dõi của rất nhiều cặp mắt: “Thong thả ngồi xuống, duỗi dài người trên

ghế, từ từ châm thuốc lá; nhả khói chậm rãi... tiếng cười đánh động những bóng người túm tụm trong hành lang... một cách tự động, những đám đông cứ hình thành dần quanh chỗ Hoàng” [35; 60 - 61]. Không chỉ trong công việc,

ngay cả trong những lúc hội hè, Hoàng cũng trở thành tâm điểm của sự chú ý: “Hoàng lập tức rời đám người bá vai bá cổ để đi lại gần người con gái áo

trắng. Họ ra sàn... ở chính giữa sàn vẫn là cái bóng áo đen cao lớn màu đen của Hoàng dính với bóng thanh mảnh áo trắng quần đen của nàng” [35; 87]. Có thể nói, Hoàng là con người của thời đại mới, biết cách tạo dựng mối quan hệ với mọi người, đầy quyết tâm, tự tin thực hiện khát vọng, tham vọng trên con đường chính trị sự nghiệp cho riêng mình.

Đằng sau những người đàn ông thành đạt luôn có sự dõi theo của những người phụ nữ. Đằng sau sự thành đạt cũng như quyền lực của cha Duy chính là bóng dáng của mẹ anh. Tuy nhiên, mẹ Duy hiện lên trong tác phẩm hết sức mờ nhạt. Bà là người luôn “phục tùng” chồng một cách tuyệt đối, luôn rụt rè và khép nép trước mặt chồng. Dường như uy quyền của người chồng đã phủ bóng lên toàn bộ cuộc đời bà. Bà luôn cam chịu, một lòng vì chồng, vì con, vì sự nghiệp và tương lai của chồng con. Đây chính là phẩm chất chung của người phụ nữ Việt Nam: giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha.

Cũng giống như mẹ Duy, người con gái áo đỏ - Phượng cũng là một người phụ nữ luôn luôn sát cánh bên người chồng thành đạt của mình. Tuy nhiên, cô được miêu tả một cách tỉ mỉ, cặn kẽ, chi tiết hơn rất nhiều so với những người phụ nữ khác trong tác phẩm. Hiện lên trong cái nhìn của độc giả, Phượng là một người phụ nữ đẹp đẽ, giống như một viên ngọc không tì vết,

trong trẻo và tinh khôi. Vẻ đẹp của nàng đầy sức quyến rũ “Nàng mặc một

chiếc váy dài kiểu cách giống hệt chiếc váy đỏ hôm qua màu trắng. Vẫn quần lụa màu đen trơn bên trong. Gió thổi lốc vào người nàng, khiến cho những đường cong ở eo và hông hiện ra rõ nét” [35; 67]. Trong bữa liên hoan của

công ti sau cuộc họp tại Đà Nẵng, nàng luôn sát cách bên chồng “họ là một

cặp hoàn hảo”. Điều ấy chính Duy phải thừa nhận, “tất cả mọi người trong phòng cũng thừa nhận vì tất cả đều lén nhìn theo họ đi ra cửa”. [35; 78].

Nhìn sự thân mật của vợ chồng Hoàng, ai cũng cảm nhận được rằng đó là một đôi vợ chồng thật hạnh phúc. Nhưng bên trong sự hạnh phúc ấy vẫn ngầm chứa những điều bất trắc, khó lí giải. Dưới sự quan sát của Duy khi anh ngồi ở bên quán trước cửa nhà Hoàng, Duy thấy khi Hoàng đi làm về, người con gái áo đỏ ra mở cửa. Họ gặp nhau nhưng “không hề chào nhau, chỉ liếc nhìn

nhau rất nhanh”. Trong tác phẩm, người con gái áo đỏ không hề lên tiếng một

lần nào. Nàng luôn “câm lặng” dõi theo những hành động của chồng mình, là điểm tựa vững chắc để người chồng thăng tiến trên con đường quan lộ thênh thang. Có lẽ, sự thành đạt của người chồng chính là một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, phút giây quý báu nhất đối với nàng.

Có thể thấy giữa mẹ Duy và người con gái áo đỏ có một điểm tương đồng rõ nét. Họ tự ý thức được vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ: luôn câm lặng, nín nhường vì một mái ấm gia đình. Nếu xưa kia, trong thời chiến, người phụ nữ khẳng định được vị trí của mình trong xã hội “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thì ngày nay, người phụ nữ hiện đại không chỉ “giỏi việc nước” mà còn phải “đảm việc nhà”, trở thành hậu phương vững chắc để phái mạnh yên tâm công tác, thực hiện khát vọng “chí

tang bồng hồ thỉ” của họ trên con đường sự nghiệp, công danh.

Hiện lên trong những giấc mơ của M đó là hình ảnh N - người bạn trai thuở thiếu thời của cô. Họ đã từng thích nhau và hẹn nhau sẽ sống chung với

nhau nếu như họ chưa có người yêu vào năm 25 tuổi. Gặp lại N tại Hà Nội, M rất vui. N không được Phan Việt tập trung khắc hoạ. Anh chỉ được nhắc đến với những nét vẽ hết sức đơn sơ, giản dị: “người kia cao, mảnh khảnh, hai tay

rất dài. Anh ta mặc một cái áo khoác màu xanh nhạt, gần giống áo bảo hộ lao động. Anh ta bước vội vã, chân như không chạm đất... Khi anh ta cười, vẻ nghiêm nghị trên khuôn mặt vẫn không biến mất. Đấy là khuôn mặt của một người có tự trọng” [35; 199]. Chỉ qua vài nét đặc tả, N hiện lên là người tự ý

thức được mối quan hệ của anh và M lúc này, họ đơn thuần chỉ là những người bạn lâu ngày không gặp lại.

Tóm lại, khi xây dựng kiểu nhân vật tự ý thức, Phan Việt đã đi sâu vào những tâm tình, suy nghĩ, hành động, qua nhận xét và suy nghĩ của nhân vật này đối với nhân vật khác từ đó giúp độc giả phát hiện và khám phá được những nét đẹp trong tâm hồn mỗi nhân vật, hiểu hơn về cá tính, tính cách của các nhân vật từ đó có cái nhìn đa chiều, nhất quán hơn khi đánh giá nhân vật.

Một phần của tài liệu Khóa luận Tìm hiểu về nhà văn Phan Việt và Tiểu thuyết Tiếng người (Trang 64 - 68)