II. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất
8. Gây hậu quả nghiêm trọng
Trong Thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp số 02/2001/TTLT - VKSNDTC - BCA - BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số qui định tại chương XIV: “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999, tại Mục 3 Chương I Thông tư có qui định: “Hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra (có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả). Hậu quả đó có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội)”. Đối với tội quy định tại Điều 136 BLHS 1999 thì thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt, cho nên không xem xét các thiệt hại này một lần nữa. Để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nguyên tắc chung phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả xảy ra.
Ví dụ:
Anh A cướp giật túi tiền của chị B làm chị B ngã xe với thương tích là 11%. Nhưng do chị B bị ngã bất ngờ dẫn đến nhiều người khác đang đi xe máy, ô tô bị tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, hậu quả của vụ án là: ngoài tỷ lệ thương tích của chị B do hành vi cướp giật của anh A gây ra còn có những thiệt hại khác - là hệ luỵ từ hành vi phạm tội của anh A. Vì vậy, việc
xác định hậu quả này đòi hỏi phải được đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ.
Như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng được hiểu là gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe nhiều người khác mà tỷ lệ tật mỗi người dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả từ 11 – 30% hoặc có thể là gây tổn hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu nhưng không phải là giá trị tài sản người phạm tội cướp giật hoặc là những thiệt hại phi vật chất gây ảnh hưởng xấu như: ảnh hưởng đến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng - Nhà nước; an ninh trật tự...
Đối với những thiệt hại phi vật chất này rất khó xác định được vì vậy, cần phải thận trọng để giải quyết vụ án một cách đúng đắn.