Lịch sử, các phương pháp điều trị bệnh lý TNDD-TQ

Một phần của tài liệu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản theo phương pháp nissen (Trang 26 - 28)

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (TNDD-TQ) là hiện tượng trào ngược của dịch vị từ dạ dày lên thực quản đã được biết tới từ cuối thế kỷ 19 khi Quinck mô tả tình trạng loét ở phần thấp thực quản nhưng ông không biết đó là do trào ngược. Tới mãi năm 1935, Winkenstein đã viết một bài báo giới thiệu và lưu ý một thuật ngữ gọi là “ viêm thực quản pepsin”. Bài viết này đã mô tả khá rõ về các triệu chứng lâm sàng của nhiều bệnh nhân được nghĩ là viêm thực quản thứ phát do hiện tượng trào ngược của acide HCl và pepsin [18,44].

Một vài năm sau đó, trào ngược dạ dày thực quản được coi là đồng nghĩa với “hiện tượng thoát vị khe hoành (hiatal hernia )” gây ra một sự nóng rát gặp ở một số bệnh nhân được phẫu thuật sữa chữa các thương tổn ở cơ hoành.

Năm 1950 Berenberg và Newhauser mô tả về bệnh TNDD-TQ, sinh lý và cơ chế, tuy nhiên, khi đó vai trò của cơ vòng thực quản dưới (LES) còn được hiểu biết rất hạn chế.

Năm 1951 Allison là người đầu tiên đặt vấn đề phải mổ đặt lại vị trí của tâm vị nhằm chống hiện tượng trào ngược [14,28,30,92]. Tuy nhiên phẫu thuật của Allisson và một vài tác giả khác chủ trương sửa khiếm khuyết giải phẫu như Lortat-Jacob, Hill và Belsey (1967) - cố định tâm vị vào phía sau

hay như Dor (1962) - tạo van bán phần phía trước cũng không mang lại kết quả như mong muốn [3,14,28,29,30].

Các phương pháp mổ mở tạo van chống trào ngược bằng phình vị lớn được các phẫu thuật viên trên toàn thế giới ưa thích và áp dụng nhiều nhất trong các can thiệp chống trào ngược ngay từ khi mới được áp dụng (phẫu thuật Nissen 360°-1956 , phẫu thuật Toupet 270°- 1963, Nissen/Rosetti – 1977). Tuy vậy, nhược điểm của các phẫu thuật mở vùng thực quản tâm phình vị là đều phải thao tác trong một không gian sâu và hẹp, do đó khó tiếp cận [3,14,13,29,54,69,83].

Năm 1958 Berstein và Backer dùng X-Quang để chẩn đoán bệnh TNDD- TQ [17].

Năm 1962 người ta bắt đầu áp dụng nội soi mềm trong chẩn đoán bệnh TNDD-TQ [18,44,87,96].

Năm 1986 Wiener dùng phương pháp đo độ pH thực quản trong 24 giờ, qua hơn 20 năm đây vẫn được coi là test “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán tất cả các hình thái TNDD-TQ [34,72,107,111,119,121].

1989 Meltzer, Mosher và Jackson mô tả giải phẫu của các hiện tượng hẹp, viêm, loét thực quản qua nội soi [121], tuy người ta vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân của bệnh TNDD-TQ.

Theo các y văn trên thế giới từ 3 thập kỷ nay trào ngược dạ dày thực quản được coi là bệnh lý mang tính toàn cầu vì tỷ lệ bệnh gia tăng nhanh và tính chất rất phong phú của bệnh học [1,18,31,33,44,54,61,67,89,97, 110,114,120].

Theo dòng phát triển của y học, trong những năm gần đây nhờ những tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật, với những ưu điểm của phương pháp nội soi thực quản sinh thiết, đo độ pH thực quản, đo áp lực đường tiêu hóa (gastrointestinal manometry),

chụp xạ hình thực quản (scintigraphy), chụp thực quản có uống thuốc cản quang, mổ nội soi tạo van chống trào ngược đã giúp các nhà lâm sàng nghiên cứu và đưa ra những hiểu biết một cách chắc chắn hơn về bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cũng như điều trị một cách có hiệu quả bệnh lý này [14,18,33,44,61,67,91,97].

Một phần của tài liệu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản theo phương pháp nissen (Trang 26 - 28)