Với những phần mềm được bảo vệ bởi GNU GPL (GNU General Public License), bạn có thể lấy được mà không mất tiền, chỉ vì GNU GPL cho phép bạn một
khi đã mua hay xin được phần mềm, thì nghiễm nhiên có quyền sửa đổi, sao chép, cho tặng, bán lại phần mềm ấy mà không cần xin phép cũng như trả phí bản quyền cho tác giả.
Ở đây "tác giả" xin hiểu là "người giữ bản quyền". Tác giả có thể bán phần mềm với giá 1 triệu USD, nhưng khi anh đã mua, anh được quyền đem phần mềm "với mã nguồn" công bố cho toàn thế giới. Đấy là khác biệt chính giữa "phần mềm tự do" (tức là "phần mềm nguồn mở tuân theo GNU GPL" với phần mềm độc quyền (proprietary software, chẳng hạn MS Office). Bởi thế, tác giả phần mềm, một khi đã quyết định đặt nó dưới sự bảo vệ của GNU GPL, thường cho không. Tuy nhiên, chính Richard Stallman, khi cung cấp phần mềm tự do của mình cho khách hàng, cũng yêu cầu khách hàng trả các khoản chi phí sao chép, vận chuyển, và "tiền công" phát triển phần mềm. Khách hàng vẫn trả tiền, vui vẻ mà trả, vì Stallman xứng đáng được hưởng số tiền đó.
Những license như GNU GPL cũng đảm bảo cho người dùng rằng, một khi anh sử dụng phần mềm tự do, tác giả sẽ không thể đòi tiền anh về sau này vì việc sử dụng ấy, bất luận anh lấy được phần mềm từ chính tác giả hay từ một nguồn nào khác. GNU GPL cũng bắt buộc các sản phẩm dẫn xuất từ một phần mềm được nó bảo vệ, phải tuân theo GNU GPL.
Có nhiều license cho phần mềm mã mở, có những license cho phép người dùng xài miễn phí, sửa miễn phí, đem bán lại thoải mái, có license lại không cho bán lại, có license lại bắt mình phải mua mới được xài. Đừng nghĩ cứ mã mở là miễn phí. Ở đây có một vấn đề cần lưu ý, đó là khía cạnh pháp lý của việc sử dụng phần mềm mã mở. Hầu hết các nhà phát triển phần mềm ở VN đều nghĩ rằng dùng phần mềm mã mở là "đứng trên vai người khổng lồ", là "lấy của người ta về làm của mình", và họ hiểu thô kệch đến mức đem phần mềm mã nguồn mở về sửa đi một tí, thêm tiếng Việt vào, rồi bán tá lả, có hoặc không có kèm theo một câu "nếu bạn cần mã nguồn của chương trình, xin liên hệ với chúng tôi". Liệu hồn cho khách hàng nào đã mua phần mềm của họ mà lại đem mã nguồn đi bán hoặc cho người khác. Không phải lúc nào
việc ngăn cấm này cũng là sai trái, nhưng tôi xin nói rằng trong phần lớn trường hợp việc ngăn cấm này là sai trái, bởi vì đa số phần mềm mã mở mà các nhà phát triển phần mềm của chúng ta sử dụng lại là "phần mềm tự do". Và việc ngăn cấm người dùng phổ biến mã nguồn, hay việc không cung cấp mã nguồn cho người dùng "theo cùng một cách phân phối mã nhị phân của chương trình" là "vi phạm GNU GPL". Ví dụ, nếu anh cho phép download bản binary từ website của mình, nhưng không cho download bản mã nguồn, như thế là vi phạm GNU GPL.
Và như thế, thay cho nguy cơ trả vài triệu USD tiền bản quyền cho Microsoft, ta có thể sẽ phải trả vài triệu khác cho việc vi phạm các license của phần mềm mã mở.