Dưới đây xin đề cập quyền và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm trong trường hợp họ đồng thời là người được bảo hiểm.
2.4.2.1. Quyền.
- Người tham gia bảo hiểm có quyền hưởng số tiền bảo hiểm mà bên bảo hiểm bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo qui định của pháp luật. Đây là quyền chủ yếu của người tham gia bảo hiểm.
- Trong một số hợp đồng bảo hiểm tài sản, người tham gia bảo hiểm còn có một quyền quan trọng đó là quyền từ bỏ đối tượng bảo hiểm. Quyền này được thực hiện trong trường hợp nguy cơ đối tượng bị tổn thất toàn bộ là không tránh khỏi hoặc chi phí cứu chữa sẽ quá cao so với giá trị của đối tượng bảo hiểm. Nếu việc từ bỏ đối tượng bảo hiểm được bên bảo hiếm chấp nhận thì người tham gia bảo hiểm có quyền được bồi thường tổn thất toàn bộ.
Điều 234 Bộ luật hàng hải qui định về từ bỏ đối tượng bảo hiểm như sau:
1. Người được bảo hiểm có quyền tuyên bố từ bỏ đối tượng bảo hiểm và chuyển cho người bảo hiểm quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến đối tượng bảo hiểm để được nhận tiền bồi thường tổn thất toàn bộ nếu việc đối tượng bị tổn thất toàn bộ là không thể tránh khỏi hoặc việc ngăn ngừa tổn thất đó sẽ gây ra các chi phí quá cao so với giá trị của đối tượng bảo hiểm.
2. Quyền từ bỏ đối tượng bảo hiểm có thể được áp dụng trong trường hợp tàu biển bị mất tích, bị cưỡng đoạt, bị hư hỏng do tai nạn mà không thể sửa chữa được hoặc chi phí sửa chữa, phục hồi, chuộc tàu là không có hiệu quả kinh tế.
2.4.2.2. Nghĩa vụ.
- Người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho bên bảo hiểm. Phí bảo hiểm phải đóng đủ và đúng thời hạn, nếu không bên bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì quan hệ hợp đồng và là điều kiện để được hưởng tiền bồi thường bảo hiểm.
- Người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm theo yêu cầu của bên bảo hiểm. Việc cung cấp thông tin phải đảm bảo sự trung thực, kịp thời, đầy đủ. Nếu thực hiện không tốt nghĩa vụ này thì người tham gia bảo hiểm có thể phải gánh chịu những chế tài nhất định theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo qui định của pháp luật. Chẳng hạn bên bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ hợp đồng, hoặc có quyền không bồi thường tiền bảo hiểm hoặc giảm tiền bồi thường.
- Khi xuất hiện sự kiện bảo hiểm người tham gia bảo hiểm phải thông báo kịp thời cho bên bảo hiểm biết và thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại (Điều 579 Bộ luật dân sự). Trong qui tắc bảo hiểm trộm cướp (do Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam ban hành) qui định: “Khi phát sinh bất kỳ sự cố nào có thể dẫn đến việc khiếu nại theo hợp đồng này, người tham gia bảo hiểm có trách nhiệm:
1. Thông báo cho công an và dành cho họ sự hợp lý để họ tìm ra, trừng phạt kẻ có tội và tìm ra tài sản bị mất cắp.
2. Thông báo cho Bảo Việt bằng văn bản và trong vòng 7 ngày, sau đó gửi cho Bảo Việt hồ sơ khiếu nại bồi thường cùng với tất cả những bằng chứng chi tiết và cụ thể.
- Người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại. Điều 578 Bộ luật dân sự qui định:
1. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện ghi trong hợp đồng, các qui định của pháp luật có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên được bảo hiểm có lỗi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng và sau một thời gian được bên bảo hiểm ấn định để thực hiện biện pháp phòng ngừa mà vẫn không thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm.
Nghĩa vụ này nhằm nâng cao trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm bởi vì bảo hiểm không có nghĩa là trút mọi trách nhiệm cho người bảo hiểm.
- Những trường hợp tổn thất xảy ra do lỗi của người thứ ba gây ra, người tham gia bảo hiểm còn có nghĩa vụ trao cho bên bảo hiểm quyền truy đòi người gây thiệt hại và giúp bên bảo hiểm có thể thực hiện tốt quyền này. Tại điều 14 qui tắc bảo hiểm hoả hoạn có qui định “Trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm do người thứ ba gây ra, người tham gia bảo hiểm có trách nhiệm báo ngay cho Bảo Việt và làm những thủ tục pháp lý cần thiết để bảo lưu quyền khiếu nại của Bảo Việt, hỗ trợ