Theo Điều 4 Luật Thủy sản năm 2017 quy định: “Nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.”
Về nguyên tắc, nguồn lợi thủy sản có nguồn gốc từ tự nhiên thuộc sở hữu của toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo Điều 10 Luật Thủy sản năm 2017, quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 điều này, cụ thể là các điều kiện sau:
- Thành viên là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó;
- Đăng ký tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một khu vực địa lý xác định chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác;
- Có phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
Như vậy, song song với Nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức cũng là chủ thể có quyền tham gia vào việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện trên.
Sở hữu nhà nước (sở hữu toàn dân)
Nhà nước sở hữu đối với nguồn lợi thủy sản sống ở các vùng nước tự nhiên và nguồn lợi thủy sản được nuôi trồng bằng nguồn vốn Nhà nước.
Cách thức thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đối với nguồn lợi thủy sản: Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua việc điều tra, đánh giá trữ lượng thủy sản; thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng bằng cách cho phép tổ chức, cá nhân khai thác nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước tự nhiên cấp giấy phép khai thác.
Sở hữu của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức
Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu đối với nguồn lợi thủy sản do hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bỏ vốn ni trồng trên vùng đất có mặt nước hoặc vùng biển được Nhà nước giao hoặc cho thuê.