Với ngôn ngữ độc thoại

Một phần của tài liệu vai trò của yếu tố linh cảm trong bi kịch shakespeare (Trang 40 - 49)

7. Cấu trúc của đề tài

1.3.2Với ngôn ngữ độc thoại

Từ điển thuật ngữ phê bình hiện đại giải nghĩa độc thoại là “một dạng thức kỹ thuật được tạo ra bởi một nhân vật kịch, một mình trên sân khấu, qua lời nói bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình và hướng tới khán giả” [77.227]. Còn độc thoại nội tâm, theo Từ điển thuật ngữ văn học là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [62.122]. Cũng về độc thoại nội tâm, theo Vương Trí Nhàn, biện pháp độc thoại nội tâm làm cho trạng thái tâm lý nhân vật “hiện lên rất rõ, nhưng lại hình như không có đầu có cuối gì cả, rất khó nắm bắt…trạng thái tâm lý ấy như đang sinh thành trước mặt ta, nó có cái run rẩy của một cái gì đang sống, ta chỉ có thể lần theo sự trôi nổi của nó, chứ không bao quát được đầy đủ và cũng không phân đoạn được theo lối nguyên nhân kết quả thông thường”[24.13]. Ý kiến của Vương Trí Nhàn chủ yếu bày tỏ quan điểm về hiệu quả của biện pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm với việc thể hiện “trạng thái tâm lý” của nhân vật. Tuy nhiên, thông qua đó, chúng ta có thể nhận ra ông đặc biệt đề cao một đặc điểm của biện pháp nghệ thuật này: tính chất đang hình thành, đang diễn ra, tính chất “trôi nổi”, không theo lối “nguyên nhân kết quả thông thường”.

Motilova lại xác định độc thoại nội tâm thông qua các đặc điểm hình thức: “Nó xuất hiện như diễn từ không biểu đạt thành lời của các nhân vật hoặc như diễn từ của tác giả, nhân danh mình mà nói, nhưng có thể coi như đã mượn từ vựng và giọng điệu của nhân vật; hoặc như đối thoại bên trong ở đó giọng nói của nhân vật bị xẻ làm đôi thành hai giọng phân biệt và đối nghịch; nó xuất hiện dưới hình thức một chuỗi kết luận có tổ chức cũng như qua những ý kiến mơ hồ và hỗn loạn” [16.70]. Ngoài ra đây còn là quan niệm của tác giả về tính logic của

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 37

lời độc thoại nội tâm. Theo Motilova, lời độc thoại nội tâm có thể có “tổ chức”- có đầu có cuối, theo một logic (như lời độc thoại nội tâm trong các tiểu thuyết truyền thống- chúng tôi chú thích), cũng có thể “mơ hồ và hỗn loạn”- không đầu không cuối, không theo một logic (như lời độc thoại nội tâm trong các tiểu thuyết hiện đại- chúng tôi chú thích).

Bên cạnh đó, trong phạm vi tư liệu mà chúng tôi bao quát được, chúng tôi nhận thấy tác giả Đặng Anh Đào là người phân biệt độc thoại với độc thoại nội tâm một cách công phu và hiệu quả. Trong công trình Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, bà đưa ra quan niệm về độc thoại nội tâm của các nhà nghiên cứu và đặc biệt đồng tình với quan niệm: “Nó không cho phép thông báo cho chúng ta những sự kiện, mà thông báo một ý nghĩ giữa lúc ý nghĩ đó đang hình thành” của P.Lièvre [13.76]. Bà nhận xét: “Quả vậy, sức mạnh của phương tiện nghệ thuật này chính là tính chất tức thì của dòng tâm tư” [13.76], và coi đó là nét đặc thù của độc thoại nội tâm, làm cho nó hoàn toàn khác với độc thoại của kịch vì “Đặc trưng của phản kịch như vậy đã nằm ở tính chất phi logic và rời rạc” [13.83].

Qua việc hệ thống lại một số khái niệm về độc thoại nội tâm, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau về một đặc điểm quan trọng, có khả năng khu biệt độc thoại nội tâm với các dạng thức ngôn ngữ khác. Đó là tính chất “tức thì”, tính chất “đang hình thành”. Và chính vì độc thoại nội tâm ghi lại “tức thì” những suy nghĩ “đang hình thành” nên nó thường gấp khúc, nhảy cóc, “phi logic và rời rạc”.

Chúng tôi đề cập đến cả hai khái niệm về độc thoại và độc thoại nội tâm vì chúng tôi nhận thấy do sự xuất hiện của yếu tố linh cảm, trong bi kịch của Shakespeare, độc thoại của nhân vật bi kịch có xu hướng gần gũi với dạng thức của độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết hiện đại. Thật ra, lời độc thoại trong bi kịch của Shakespeare chưa đạt đến độ “phi logic và rời rạc”. Phần lớn các câu của lời thoại vẫn tập trung xoay quanh một chủ đề, theo một logic nhất định. Và nếu có sự tham gia của yếu tố linh cảm, lời độc thoại sẽ có một vài câu lạc đề. Những câu lạc đề đó chưa thể làm cho toàn bộ lời thoại rời rạc, lộn xộn, mơ hồ về nghĩa mà chỉ

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 38

tạo ra sự lạc điệu, tạo những khúc gấp trong dòng chảy đang thuận chiều, thuận hướng của ngôn từ.

Lời độc thoại của Juliet khi chờ Romeo ở hồi III cảnh 2 là một ví dụ. Bao trùm lên toàn bộ lời thoại là lòng mong mỏi bóng đêm và ẩn giấu đằng sau đó là nỗi mong chờ Romeo vì sự xuất hiện của Romeo song hành với sự xuất hiện của bóng đêm: “Nào, hỡi đêm tối, hãy lại đây. Romeo anh, hãy lại với em!” [48.96]. Với nỗi mong chờ ấy, trong toàn bộ lời thoại, nàng bốn lần dịu dàng cất lời ngọt ngào, khẩn khoản gọi đêm tối. Trong bốn lần đó, ở cả nguyên bản và bản dịch của Đặng Thế Bính, để thể hiện lòng yêu quý bóng đêm, nàng thường dùng những mỹ từ định ngữ đi kèm với từ bóng đêm: “love-performing night” - “Hỡi đêm tối dành cho tình yêu” [48.95], “Come, civil night” - “Hỡi đêm tối trang trọng” [48.96], “Come, gentle night” - “Hỡi đêm hiền dịu” [48.96], “come, loving, black-brow’d night” - “Hỡi nàng tiên trìu mến có đôi mày đen láy” [48.96].

Bên cạnh đó, nàng nhận ra bao nhiêu đặc ân mà bóng đêm có khả năng dành cho nàng. Bóng đêm che chở cho người nàng yêu, là thầy dạy của nàng, giúp nàng che giấu sự ngượng ngùng. Bóng đêm mang Romeo đến cho nàng, giúp tình yêu thăng hoa trong hạnh phúc ân ái. Và Romeo sẽ là vật trang trí khiến cho bóng đêm thêm lộng lẫy. Nàng kết thúc lời thoại bằng nỗi khắc khoải mong chờ hạnh phúc và nỗi phấp phỏng trước sự chảy trôi chậm chạp của thời gian.

Tuy nhiên, trong mạch cảm xúc hạnh phúc đang dạt dào tuôn chảy ấy, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp bóng dáng của thảm họa và cái chết. Bóng dáng của thảm họa thấp thoáng qua giả định: “Giá phải tay chàng đánh xe Phaethon thì chắc chàng đã ra roi đưa các ngươi về tới phương Tây, khiến đêm tối đến ngay tức khắc” [48.95]. Giả định này nói tới cuộc phiêu lưu của Phaethon- một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy, làm khô cháy cả thế gian và cuối cùng Phaethon cũng bị chết cháy. Trong tâm trạng háo hức chờ đợi hạnh phúc, tại sao Juliet lại nói tới cuộc phiêu lưu gắn liền với thảm họa này? Hơn thế nữa nàng còn nói tới cái chết của Romeo: “Và khi chàng chết, hãy cắt xương thịt chàng ra thành muôn vàn ngôi sao bé nhỏ, chàng sẽ làm cho bầu trời tươi đẹp đến nỗi trần gian ai cũng sẽ say sưa đêm tối mà thờ ơ với ánh dương rạng rỡ”. Người ta thường nói rằng, trong tình yêu con người sẽ được sống đầy đủ các

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 39

trạng thái cảm xúc vì tình yêu có hai mặt. Nó vừa có sức mạnh hủy diệt vừa có sức mạnh hồi sinh. Tuy nhiên, thông thường khi tình yêu thăng hoa, những đôi lứa yêu nhau thường nghĩ tới sự sống. Còn Juliet, trong bản đàn ca ngợi sự thăng hoa của tình yêu trong hạnh phúc ân ái của nàng, lại như vô tình có một vài nốt nhạc lạc lõng, liên quan đến thảm họa và cái chết.

Không phải do nhà viết kịch non tay, sơ ý làm cho “đặc trưng phản kịch” xuất hiện trong khi đang cố gắng tạo kịch tính. Theo chúng tôi, Shakespeare làm như vậy để “thể hiện trung thành ý nghĩ của nhân vật” [13.77], để phản ánh chân thực diễn biến nội tâm của Juliet trong khi chờ đợi Romeo. Có một sự thực là khi ngồi một mình, con người thường khó tập trung vào một chủ đề, tâm tư con người luôn trôi chảy trong những ý nghĩ lộn xộn, lan man từ chủ đề này sang chủ đề khác, có khi những chủ đề đó không hề liên quan đến nhau nhưng đều là những sự việc con người đã từng va chạm trong quá khứ. Để Juliet ngồi một mình và đôi lúc suy diễn, tưởng tượng lung tung, có khi lạc đề một chút chính là do Shakespeare nhận biết được quy luật trôi chảy của tâm tư con người, của dòng ý thức khi có sự can thiệp, tác động đồng thời của trực giác, của vô thức.

Ngoài ra, lời độc thoại của nhân vật trong bi kịch Shakespeare còn giống với lời độc thoại nội tâm bởi “tính chất kìm hãm hành động”, bởi “độc thoại vẫn gắn liền với hành động hơn, nhất là ở kịch” [13.74]. Trong bi kịch của Shakespeare, do sự xuất hiện của yếu tố linh cảm, có những lời độc thoại không hướng tới hành động, hơn thế nữa còn “kìm hãm hành động như lời độc thoại nổi tiếng của Hamlet ở hồi III cảnh 1 trong vở kịch cùng tên của Shakespeare.

Chúng ta đều biết rằng đã có nhiều cách hiểu khác nhau về đoạn độc thoại này và ý nghĩa của hình tượng Hamlet. Trước hết chúng tôi muốn làm rõ vấn đề tại sao đoạn độc thoại này chứa linh cảm của Hamlet về những chuyện chẳng lành. Mở đầu lời thoại Hamlet đặt ra vấn đề “Sống hay không nên sống”. Có lẽ mỗi chúng ta đều đặt ra câu hỏi này ít nhất một lần trong cuộc đời. Và câu hỏi này thường được đặt ra khi con người cảm thấy trống rỗng, cô đơn, khi không gì có thể làm cho họ đau đớn hơn, chỉ thấy trống hoác đáng sợ từ bốn phía, khi người ta không thể bấu víu vào bất kỳ cái gì kể cả sự tuyệt vọng. Hamlet của Shakespeare cũng cô đơn nhưng vẫn còn có cảm xúc, còn biết đau đớn. Hơn thế

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 40

nữa, quan trọng hơn cả, chàng còn lý tưởng sống, cho dù lý tưởng ấy cất lên từ sự đổ vỡ lòng tin, tình yêu. Chàng vẫn còn mơ ước và nỗ lực thực hiện mơ ước ấy. Mơ ước của chàng là “dẹp yên mọi sự bất bằng” [48.194] và chàng rất nỗ lực thực hiện mơ ước đó cho dù phải chấp nhận mất mát. Chàng đã chịu đựng được việc tự tay mình bóp chết tình yêu chân thành trong trái tim mình và trái tim người mình yêu. Nhận biết được tình thế “đơn thương độc mã” của mình, chàng sẵn sàng giả điên, sẵn sàng xóa bỏ hình ảnh một hoàng tử trẻ trung, vui tươi, thông minh, hào hoa trước đây để trá hình trước kẻ thù. Với nỗ lực đó, chàng đã có thành công bước đầu, thành công trong việc đánh lạc hướng kẻ thù. Dưới những con mắt gian ngoan, cáo già, lọc lõi của Polonius và Claudius, hành động giả điên của chàng không bị lật tẩy. Hơn thế nữa, chàng còn được chúng ủng hộ trong việc thực hiện kế hoạch để nhìn thấu bộ mặt thật của vua chú. Chỉ có điều, trong khi nỗ lực thực hiện kế hoạch, trong khi đang thành công, chàng vẫn không ngừng linh cảm thấy thất bại. Và chàng thành thật thừa nhận rằng chính linh cảm về thất bại, về cái chết đã ngăn cản chàng hành động: “Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo lắt của ý nghĩ đó, bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng phải xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành động” [48.226].

Vấn đề đầu tiên chàng đặt ra trong lời độc thoại là “Sống, hay không nên sống…đằng nào cao quý hơn?” [48.225]. Có lẽ chính vì quan niệm nhân vật có tư tưởng vĩ đại mang tầm nhân loại như Hamlet thì lúc nào cũng phải băn khoăn để có lựa chọn “cao quý” nên chúng ta cho rằng toàn bộ lời thoại xoay quanh lý giải của Hamlet về sự “cao quý” mà chàng lựa chọn. Theo chúng tôi thì đây chỉ là một lời dẫn khéo léo. Điều chàng thật sự băn khoăn là “cái chết là gì” và “đằng sau cái chết là gì”? Bởi nếu chỉ dừng lại ở chuyện “Sống, hay không nên sống…đằng nào cao quý hơn?” có lẽ Hamlet không cần băn khoăn phía sau cái chết là gì. Bởi nếu cái chết vinh cao quý hơn sự sống nhục thì việc đặt ra câu hỏi phía sau cái chết là gì không cần thiết nữa. Bản thân cái chết vinh đã làm cho người lựa chọn cao quý rồi.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 41

Trong lời độc thoại này, Hamlet dễ dàng trả lời câu hỏi “chết là gì” bởi những quan niệm: “Chết, là ngủ. Không hơn”; “Chết, ngủ. Ngủ, có thể chỉ là mơ” [48.225]. Theo khoa học logic, a = b, b = c thì a = c. Vận dụng nguyên tắc trên vào quan niệm của Hamlet thì có thể hiểu theo Hamlet: Chết là mơ. Đến đây có thể coi Hamlet không băn khoăn về “chuyện chết là gì” nữa. Phần còn lại của lời thoại từ nỗi băn khoăn “khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới” [48.225] chính là băn khoăn “đằng sau cái chết là gì” rồi. Nhưng Hamlet không thể tự trả lời câu hỏi này. Chàng chỉ biết rằng phía sau cái chết là “một cái gì mênh mang”, “một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại”, có thể là “bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới” [48.225-226]. Chính sự không thể biết đó làm chàng “sợ”. Chàng thừa nhận: ““Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo lắt của ý nghĩ đó, bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng phải xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành động” [48.226]”. Rõ ràng đây là lời chàng tự giải thích với chính mình vì sao chàng chậm trễ trong hành động một cách thành thực nhất. Theo chúng tôi, lời giải thích này không làm cho chàng bớt cao quý đi. Bởi tuy nói nhiều đến cái chết nhưng thật ra chàng là người luôn hướng đến sự sống. Khi không thể chắc chắn sẽ thành công thì cân nhắc trước khi hành động là việc làm thực sự cần thiết.

Như vậy, lời độc thoại của Hamlet không miêu tả một cuộc đấu tranh nội tâm để đi đến lựa chọn, và sự thực cuối cùng chàng không lựa chọn và đi đến quyết định hành động. Chàng chỉ trải lòng mình như một hình thức tự an ủi sau khi đã nhiều lần tự hành hạ, sỉ vả, mắng mỏ mình. Với những người cô đơn như Hamlet, việc tự biết an ủi, động viên mình trong những phút yếu lòng là việc nên làm, vì chàng không thể nương tựa vào ai khác ngoài chính bản thân mình. Rõ ràng, việc không đi đến một lựa chọn, mà chỉ trải lòng mình khiến cho xung đột kịch không tiếp tục bị đẩy lên bởi một hành động hoặc dự kiến hành động khiến cho lời độc thoại giống với lời độc thoại nội tâm bởi “tính chất kìm hãm hành động”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy lời độc thoại trong bi kịch của Shakespeare có chứa đối thoại hoặc tiềm ẩn khả năng đối thoại. Có lẽ dạng độc

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 42

thoại này đã xuất hiện từ trong Thần thoại Hy Lạp. Người thợ cạo của vua Midas trong câu chuyện thần thoại Pan thi tài với Apollon đã sử dụng dạng độc thoại

Một phần của tài liệu vai trò của yếu tố linh cảm trong bi kịch shakespeare (Trang 40 - 49)