Điều kiện xuất hiện yếu tố linh cảm

Một phần của tài liệu vai trò của yếu tố linh cảm trong bi kịch shakespeare (Trang 25 - 28)

7. Cấu trúc của đề tài

1.2.1Điều kiện xuất hiện yếu tố linh cảm

Từ những năm cuối của thế kỷ XV, sự đổ vỡ của trật tự phong kiến cũ mà đỉnh cao là các cuộc nội chiến của các tập đoàn phong kiến đã chấm dứt ở Anh với sự lên ngôi của Henri VII (1485-1509), vị vua đầu tiên của dòng họ Tiudo. Tiếp theo Henri VII là Henri VIII. Những ông vua đầu tiên của dòng họ Tiudo đã tạo ra những cuộc cải cách vĩ đại như: thủ tiêu sức mạnh chính trị của các hầu tước phong kiến cát cứ, tập trung quyền lực vào tay chính quyền phong kiến trung ương. Đặc biệt hơn, họ còn tuyên bố quyền làm chủ, không còn phụ thuộc vào quyền lực và ảnh hưởng của nhà thờ cơ đốc giáo. Họ trở thành người nắm quyền lực cao nhất ở nước Anh. Ngoài ra, họ còn liên minh với giai cấp tư sản đang lên để chống lại chế độ phong kiến cơ đốc giáo và khát vọng khôi phục lại địa vị tinh thần tối cao của các giáo hoàng La Mã.

Việc một ông vua nhân danh một con người tuyên bố rằng bản thân mình là nơi tập trung quyền lực cao nhất và duy nhất, cao hơn cả các giáo hoàng La Mã- người đại diện cho Chúa Trời, cho Đấng sáng tạo, người xưa nay có vai trò giao nối giữa Chúa Trời và con người như niềm tin của các con chiên trong đất Chúa, có ý nghĩa gì? Việc chấm dứt sự cấu kết giữa người có quyền lực chính trị cao nhất với người cha tinh thần của con người chứng tỏ đã đến lúc người có

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 22

quyền lực chính trị cao nhất tự nhận thấy ông ta có đủ khả năng và quyền lực để hoạt động độc lập, không cần núp dưới cái bóng của các giáo lý tôn giáo để cai trị nhân dân. Đây chính là một thời điểm quan trọng đánh dấu sự lớn mạnh của các nhà vua tạo nên chế độ quân chủ chuyên chế.

Về kinh tế, ngay từ cuối thời Trung cổ, các du khách nước ngoài đã phải công nhận sự giàu có của nước Anh. “Một phái viên người Venice đã thốt lên: “Nước Anh giàu hơn bất cứ nước nào khác ở châu Âu” bởi “…Một chủ đất hạng thường thôi, mà vẫn là một chàng hưởng lạc thoải mái, vui vẻ trong cuộc sống, hầm rượu đầy đủ rượu ngon, bàn ăn không thiếu gà gô béo, không thiếu cá măng tươi, còn đầu bếp cũng là một kẻ có tay nghề đáng kể. Huy hiệu của những người thợ dệt và thợ nhuộm đúc bằng bạc” [33.127]. Đến thời Phục Hưng, chính những cuộc cải cách vĩ đại của các vị vua đầu tiên dòng Tiudo đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước Anh.

Với những bước tiến kì vĩ về kinh tế, Anh là một trong những nước đầu tiên có điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa tư bản nảy sinh. Chính sự phát triển về kinh tế đã làm nảy sinh nhu cầu nhận thức lại về vai trò và sức mạnh của con người. Họ nhận thức được rằng chính con người tạo ra sự phát triển vượt trội về kinh tế. Tài năng của con người quyết định năng suất lao động. Bởi con người sử dụng trí tuệ tạo ra máy móc, cải tạo điều kiện sản xuất. Chính vì vậy con người cần được đề cao, đặc biệt con người cần được giải phóng để phát huy mọi năng lực tiềm tàng trong bản thân mình.

Đạo Thiên Chúa giáo dạy cho con người biết xưng tội. Chính hành động xưng tội tạo cho con người thói quen tự vấn lương tâm, thói quen nhìn sâu vào thế giới tâm linh của con người. Và họ nhận ra rất nhiều điều kỳ diệu của thế giới tâm linh. Họ biết rằng, thật ra khi xưng tội, có thể các con chiên vẫn không miêu tả đầy đủ và thành thực mọi tội lỗi của mình, hành động đó chỉ có tác dụng làm lành những vết thương tinh thần, chỉ có tác dụng đối với thế giới tinh thần.

Những phát kiến về lĩnh vực địa lý cũng có ảnh hưởng quan trọng đến nhận thức của con người thời Phục Hưng về vị trí, vai trò của con người trong vũ trụ. Vào thời kỳ này, nhiều nhà thám hiểm “thực hiện thành công chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới đã phát hiện ra nhiều lục địa và hòn đảo mới. Những

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 23

thành quả này đã mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho người châu Âu. Họ khao khát khám phá, tìm tòi. Trong quá trình khám phá những vùng đất mới, họ đồng thời khám phá về năng lực của chính con người” [87.6].

Trong lĩnh vực khoa học, Newton phát hiện ra “Định luật vạn vật hấp dẫn”. Các nhà thiên văn học phát hiện ra thuyết Nhật tâm với nội dung: Mặt trời là trung tâm của vũ trụ. Trái Đất cũng chỉ là một hành tinh trong hệ Mặt Trời. Trái Đất xoay quanh Mặt Trời và tự xoay quanh trục của nó. Rõ ràng nội dung của thuyết Nhật tâm hoàn toàn trái ngược với thuyết Địa tâm của giáo lý Nhà thờ Thiên Chúa giáo và những luận điệu bịp bợm của các giáo hoàng La Mã: Trái Đất là trung tâm, Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Galile và Copernich đã quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình và chống lại sự bảo thủ của các giáo hoàng La Mã dù phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Chính sự xả thân của các nhà khoa học chân chính đã làm cho nhà thờ và các giáo hoàng La Mã phần nào bị giải thiêng, bị hạ bệ. Và con người bắt đầu băn khoăn về tính đúng đắn của các giáo lý Nhà Thờ, băn khoăn về một hệ hình tư duy đã ngự trị trong đời sống tinh thần của con người suốt thời kỳ Trung Cổ.

Bên cạnh những điều kiện khách quan là những tiền đề mang tính chủ quan. Bản thân Shakespeare và sự thành đạt của ông cũng là một sự kỳ diệu. Từ một người giữ ngựa đến một diễn viên nhắc vở, với cố gắng nỗ lực, sự kiên nhẫn và tài năng thiên bẩm, ông đã “Vung ngọn giáo, náo động kịch trường”. Chính sự thành đạt của bản thân Shakespeare làm cho ông có niềm tin mãnh liệt vào con người, vào khả năng kỳ diệu của con người. Do quan niệm mới về vai trò và khả năng của con người, Shakespeare để cho con người sử dụng linh cảm của mình để biết trước những chuyện chẳng lành sẽ xảy ra, thay thế cho quan niệm con người hoàn toàn phụ thuộc vào thần linh hoặc phụ thuộc vào Chúa Trời như tư tưởng cơ bản trong giáo lý của Nhà thờ Thiên Chúa giáo. Hơn thế nữa, Shakespeare cho rằng số mệnh của con người do chính xã hội loài người tạo ra. Thời đại đen tối, tàn ác là nguyên nhân cơ bản làm cho con người đau khổ đến tận cùng. Và Shakespeare để cho các nhân vật tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình, góp phần tạo ra số mệnh cho chính mình.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 24

Có thể khẳng định rằng chính những điều kiện khách quan của thời đại và điều kiện chủ quan của bản thân Shakespeare là tiền đề quan trọng khiến cho Shakespeare có quan niệm mới về con người và khả năng của con người. Với Shakespeare, con người toàn năng, hoàn thiện và ngang hàng với Chúa Trời. Cũng chính vì vậy, ông trao cho họ linh cảm, như một năng lực tinh thần đặc biệt, để họ có khả năng tự định đoạt cuộc sống, định đoạt số mệnh của mình.

Một phần của tài liệu vai trò của yếu tố linh cảm trong bi kịch shakespeare (Trang 25 - 28)