Theo Yousif và cộng sự [11] thành phần của chất hấp thu UV trong mẫu được dùng trong giới hạn từ 0,25 đến 3% khối lượng mẫu vật liệu. Do những hạn chế về độ tương thích, tính kết dính và hàm lượng chất hấp thu UV trong mẫu quá lớn sẽ ảnh hưởng đến độ bền và thẩm mỹ của vật liệu nên hàm lượng chất hấp thu UV không thể sử dụng nhiều hơn 1% so với tổng khối lượng mẫu. Do đó thành phần chất hấp thu UV được pha trộn vào PE theo tỉ lệ 0,5% về khối lượng.
Ảnh SEM trên hình 3.2 cho thấy rằng hiệu quả bảo vệ của chất ổn định UV salicyliden anilin đối với polyetilen sau khi chiếu bức xạ cực tím. Hình 3.2 (a) là ảnh chụp bề mặt của mẫu polyetilen không có trộn chất hấp thu UV sau khi chiếu xạ. Trên bề mặt polyetilen xuất hiện nhiều vết nứt chứng tỏ bức xạ UV đã tác động đến cấu trúc liên kết trong mẫu, làm rạn nứt bề mặt của vật liệu. Điều này được thể hiện rõ hơn thông qua kết quả của mục 3.1.3, lực kéo đứt của mẫu giảm đi đáng kể so với mẫu có pha trộn chất hấp thu UV.
Hình 3.2: Ảnh chụp SEM của mẫu polyetilen (a) và polyetilen có trộn salicyliden anilin (b) sau khi chiếu xạ UV
Trong khi đó, hình 3.2 (b) chứng tỏ rằng sự có mặt của chất hấp thu UV, phần nào đã bảo vệ được sự phá hủy của bức xạ cực tím khi được chiếu trực tiếp liên tục lên vật liệu trong thời gian 60 ngày. Bề mặt của mẫu trong hình (b) ít vết nứt hơn và những vết nứt tương đối nhỏ. Ngoài ra, mẫu polyetilen được pha trộn theo tỷ lệ 0,5% khối lượng salicyliden anilin, sự phân tán chất hấp thu tương đối đồng đều trên bề mặt do áp dụng phương pháp khuếch tán chậm trong dung môi etanol và sự làm bay hơi dung môi chậm qua việc để bay hơi qua đêm và sấy nhẹ.
Tuy nhiên, một nhược điểm của sự phối trộn mẫu đó là sự gắn kết giữa chất hấp thu UV và vật liệu (PE) có hạn chế do bản chất đào thải của quá trình vật lý sẽ làm thành phần chất hấp thu UV bị giảm đi theo thời gian. Khi mẫu được phơi dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian 60 ngày, chính yếu tố thời tiết và sự đào thải vật lý đã làm lượng chất hấp thu UV giảm đáng kể. Tuy nhiên hiệu quả bảo vệ không chênh lệch nhiều so với mẫu được chiếu bằng đèn bức xạ UV trong phòng thí nghiệm. Về phương diện màu sắc thẩm mỹ, mẫu chiếu bức xạ trong phòng thí nghiệm hầu như không thay đổi so với mẫu nguyên thủy. Tuy nhiên, mẫu phơi dưới nắng mặt trời do sự rửa trôi của nước mưa và sự đeo bám của rong rêu nên phần nào ảnh hưởng vật lý đến bề mặt thẩm mỹ, nhưng màu sắc của mẫu hầu như không có sự thay đổi đáng kể so với mẫu nguyên thủy.