Thông qua những nghiên cứu và báo cáo, ta có thể nhận biết được tầm quan trọng của vật liệu polyme trong cuộc sống cũng như hiệu quả bảo vệ của các hợp chất hấp thu UV đối với polyme. Do đó để bảo vệ vật liệu polyme khỏi sự hủy hoại của tia UV, rất nhiều loại hợp chất ổn định UV đã được thêm vào trong vật liệu polyme bằng phương pháp vật lý (phối trộn, lớp màng lọc UV…). Tuy nhiên phương pháp này lại mắc phải khá nhiều khuyết điểm. Khi phối trộn sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, độ đa phân tán của chất ổn định UV kém và do đó hiệu quả đạt được không cao và ảnh hưởng đến tính chất cơ lý của vật liệu.
Do đó mục tiêu đề tài là khảo sát khả năng chống UV cho polyetilen của một số chất hấp thu UV nhằm khẳng định lại hiệu quả bảo vệ vật liệu trước tác hại của tia UV của các hợp chất này, đồng thời điều chế polyme có khả năng hấp thu tia cực tím từ hợp chất 4-aminophenol nhằm mục đích nâng cao độ bền của vật liệu trước sự hủy hoại của tia cực tím. Điểm mới và nổi bật của đề tài này là điều chế được monome có khả năng ổn định UV để có thể tiến hành trùng hợp và đồng trùng hợp nhằm đưa nhóm ổn định UV vào mạng lưới polyme bằng phương pháp hóa học.
Nội dung đề tài bao gồm hai phần:
Phần 1: Khảo sát khả năng chống tia UV cho polyetilen của ba hợp chất salicyliden anilin; 2,2’-dihydroxy-4-metoxybenzophenon và etyl salicilat.
Phần 2: Tổng hợp polyme ổn định UV, bao gồm:
Điều chế monome -(4-(metacryloxypropan-2-oloxy)phenylimino)-o- Cresol từ 4-aminophenol, salicilaldehid và glycidyl metacrylat.
Trùng hợp polyme -(4-(metacryloxypropan-2-oloxy)phenylimino)- o-Cresol từ monome.