Kết quả thực nghiệm (qua việc kiểm tra, đánh giá bài làm của

Một phần của tài liệu dạy học văn tế nghĩa sĩ cần giuộc của nguyễn đình chiểu ở sgk ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại (Trang 111 - 115)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.2.3.Kết quả thực nghiệm (qua việc kiểm tra, đánh giá bài làm của

những ý kiến nhận xét của GV tham gia thực nghiệm sư phạm):

* Về phía GV:

Tổ chức quá trình thực nghiệm dạy học bằng việc vận dụng đặc trưng thể loại văn tế theo hệ thống các biện pháp đề xuất của luận văn đã giúp GV có một điểm tựa về mặt lí thuyết, từ đó đưa HS đến với tác phẩm, lĩnh hội chiều sâu nghệ thuật mà nhà văn đã gửi gắm vào đó.

Trong khi dạy học, chúng tôi đã áp dụng các phương pháp dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng HS nhằm giúp các em tự mình biết đọc, hiểu, nắm bắt được nội dung nghệ thuật của tác phẩm; cố gắng hướng HS chủ động, tự giác tìm đến kiến thức cho mình ở các bước: trước, trong và sau giờ học. Vì thế, giờ dạy học được các em tham gia tích cực, hào hứng.

Tiếp cận tác phẩm dưới góc độ thi pháp thể loại, giờ học thực nghiệm đã thể hiện tinh thần đổi mới phương pháp dạy học văn, phát huy vai trò chủ động, tích cực của người học. Để có được kết quả như vậy, GV phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ vào việc nghiên cứu sâu về thể loại, về tác phẩm, thiết kế giáo án, tìm tài liệu tham khảo liên quan đến tác phẩm. Đồng thời, hướng dẫn HS tự học, tự nghiên cứu ở nhà, ôn lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trong các giờ ôn tập kiến thức cuối kì, cuối năm sau đó. Quá trình dạy học còn đạt hiệu quả tác động đến tâm lí, tình cảm sâu xa của người học đối với con người và cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm.

Bằng việc áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học bài văn tế trên theo đặc trưng thể loại, chúng tôi đã giúp các em có ý thức vận dụng thi pháp thể loại khi đọc hiểu một tác phẩm. Những đặc trưng của thể loại văn tế chi phối khá rõ nét tác phẩm trên nhiều phương diện, từ bố cục đến nội dung và ngôn ngữ nghệ thuật. Ngoài ra, chúng tôi giúp các em hiểu thêm những

sáng tạo độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu về mặt thể loại văn tế biểu hiện ở cách lựa chọn đối tượng phản ánh, giọng văn bi tráng, ngôn ngữ giản dị mà sinh động, mang hơi thở cuộc sống. Đây là những kiến thức văn học bổ ích, cần thiết đối với các em HS.

* Về phía HS:

Theo quan sát của chúng tôi, không khí trong giờ học thực nghiệm khá sôi nổi, hứng thú. HS đã có ý thức chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt hơn. Các em được hướng dẫn chuẩn bị bài công phu, chu đáo theo tinh thần độc lập và hợp tác nên các nhóm và các cá nhân đã làm việc tích cực. Các em đã đọc kĩ tác phẩm, đọc các chú thích, tập giải nghĩa của các câu văn khó, trả lời các câu hỏi gợi mở của GV, vì thế, “khoảng cách tiếp nhận” của HS cũng được thu hẹp dần. Trong giờ học thì các em đã chủ động tìm kiếm và tiếp thu kiến thức, phát biểu xây dựng bài học, tạo được bầu không khí học tập tốt.

Thước đo cuối cùng của quá trình dạy học chính là khả năng tiếp thu bài học của HS, là hiệu quả thu hoạch của HS về tri thức và kĩ năng.Vì vậy, ngay sau khi kết thúc tiết dạy thực nghiệm và thực nghiệm đối chứng, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tự luận ngắn (5- 7 phút) để nắm bắt khả năng tiếp thu kiến thức của các em. Câu hỏi và kết quả cụ thể như sau:

*Câu hỏi : Em hãy viết cảm nhận về một câu văn tế trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” làm em xúc động nhất?

Câu hỏi tuy đơn giản song giúp HS phát huy được năng lực cảm thụ văn chương, năng lực phân tích, bình giá tác phẩm, năng lực diễn đạt ngôn ngữ,…Bài tự luận ngắn nhưng cũng kiểm tra được mức độ tác động của tác phẩm tới trí tuệ, tâm hồn, nhân cách của HS. Bài làm của các em sẽ được đánh giá trên các tiêu chí đó.

Lớp Tổng số HS

Điểm yếu, kém (hiểu đề nhưng chưa biết diễn

đạt) Điểm trung bình (hiểu đề nhưng diễn đạt chưa rõ ràng) Điểm khá, giỏi (hiểu đề, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc) Lớp thực nghiệm 11A2 43 8 14 21 Tỉ lệ % 18,6 % 32,6 % 48,8 % Lớp thực nghiệm đối chứng 11A5 46 15 23 8 Tỉ lệ % 32,6% 50% 17,4%

Như vậy, so sánh kết quả dạy học ở lớp thực nghiệm và lớp đối chứng, ta thấy kết quả điểm khá, giỏi đã tăng lên rõ rệt, điểm trung bình và điểm yếu kém đã giảm đi rất nhiều. Kết quả trên đã cho thấy các biện pháp đưa ra đã bước đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt là phát huy được tính tích cực học tập của HS.

Có nhiều em đã bộc lộ trong bài viết cảm nhận tinh tế về một câu văn. Chẳng hạn, em Nông Thị Nhung, lớp 11A2 đã viết “Em xúc động nhất với câu văn nói về cuộc sống của người nông dân trước khi ra trận, đó là “Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Họ là những người nông dân của một nước phong kiến lạc hậu, nghèo nàn. Đó là những người chịu thương, chịu khó làm ăn mà cả đời vẫn khổ cực, chưa bao giờ được hưởng sự sung sướng. Hình ảnh đó khiến em liên tưởng đến cha mẹ em cũng vất vả suốt đời làm lụng để nuôi sống gia đình”

Em Lý Thu Trang, lớp 11A2 viết “Người lính nông dân đã chiến đấu dũng cảm phi thường: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”. Họ chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn nhưng với lòng yêu nước, họ đã biến công cụ sản xuất thành vũ khí sắc bén lợi hại. Tượng đài nghệ thuật về người chiến sĩ Cần Giuộc hiện lên trước mắt chúng ta thật sinh động”

Em Hoàng Thu Uyên, lớp 11A2 viết “Nỗi đau của những người thân trước cái chết của những nghĩa sĩ được diễn tả thật thấm thía: “Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”. Người mẹ đã già yếu mà phải ngồi khóc con bên ngọn đèn khuya trong túp lều tranh. Người vợ chạy tìm chồng trong mệt mỏi, cô đơn, não nùng.”

Như vậy, sau giờ học, HS đã có được những cảm xúc tích cực về tác phẩm. Đặc biệt ở một số em thích học văn tỏ ra yêu thích tác phẩm, đã có những dòng văn đẹp đẽ giãi bày những cảm nhận sâu sắc về tác phẩm. Dù còn nhiều em chưa tích cực trong giờ học, chưa diễn đạt được rõ ràng cảm nhận của mình về tác phẩm nhưng kết quả trên cũng chứng tỏ giờ dạy thực nghiệm của chúng tôi đã đạt được thành công nhất định. Chúng tôi nhận thấy rằng, áp dụng phương pháp dạy học TPVC theo đặc trưng thể loại trong dạy học văn tế đòi hỏi rất lớn ở tài năng, nghệ thuật sư phạm của người GV và hoạt động tích cực để chủ động tiếp thu kiến thức của HS.

Một phần của tài liệu dạy học văn tế nghĩa sĩ cần giuộc của nguyễn đình chiểu ở sgk ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại (Trang 111 - 115)