Khái niệm “hiệu quả” trong dạy học TPVC

Một phần của tài liệu dạy học văn tế nghĩa sĩ cần giuộc của nguyễn đình chiểu ở sgk ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại (Trang 75 - 77)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.3.1.Khái niệm “hiệu quả” trong dạy học TPVC

Dạy học nói chung và dạy học văn nói riêng là một quá trình sư phạm phức tạp. Tham gia vào hoạt động dạy học là các nhân tố có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, như: người dạy, người học, tài liệu học tập, định hướng của xã hội,…Mục đích của quá trình dạy học là phát triển toàn diện người HS về các mặt nhân cách, tri thức, kĩ năng, thái độ,... Hiệu quả chủ yếu được xem xét ở sự tương tác giữa hai hoạt động dạy và học, ở mức độ đạt tới của hoạt động học, ở sự phát triển người HS theo các thang bậc nhận thức và kĩ năng,

ở sự hoàn thiện thái độ và nhân cách mà bài học đó mang lại. Hiệu quả chính là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để khẳng định sự thành công của một nhà trường, của một nền giáo dục.

Hiệu quả nhận thức trong dạy học văn bắt nguồn từ chức năng phản ánh đời sống bằng hình tượng của những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Văn học đem lại những khám phá về thế giới hiện thực, những chân trời mới và thế giới tâm hồn tình cảm của con người. Qua những giờ học văn, HS được tiếp cận với những hình tượng con người và cuộc sống mà nhà văn luôn mong muốn người đọc hãy biết đồng cảm, rung động bằng tấm lòng nhân ái, vị tha. Hiệu quả biểu hiện ở khả năng bộc lộ quan điểm, có những nhận xét hợp lí, phù hợp với giá trị cơ bản của tác phẩm, với nhu cầu của thời đại, với thị hiếu thẩm mĩ của thế hệ trẻ. Từ đó, phát huy tính chủ động tích cực học tập của HS, tự rút ra bài học nhân sinh thấm thía hữu ích. Hiệu quả của giờ dạy TPVC đã đem đến khả năng thưởng thức, nhập cuộc và đồng sáng tạo của người học. Hiệu quả học văn của HS phụ thuộc phần lớn vào chất lượng cảm thụ TPVC của các em. Chất lượng ấy phụ thuộc một phần vào phương pháp giảng dạy của GV, nếu sử dụng phương pháp tích cực thì phải dựa trên cơ sở nội dung tác phẩm được tái hiện trong trí tưởng tượng và trở thành một sự kiện trong tâm hồn các em. Và giờ lên lớp phải là thầy trò cùng nỗ lực làm việc thực sự với các hình tượng đang sống lại trong tâm trí mình. Giờ giảng văn như thế mới hấp dẫn, sôi nổi và hứng thú đối với HS.

Hiệu quả dạy học cũng rất khó đo lường bởi học tập là một quá trình xuyên suốt cuộc đời của mỗi người. Hiệu quả dạy học là một sự thẩm thấu lâu dài, âm thầm mà sâu lắng bên trong người học trong suốt cuộc đời. Nó bồi dưỡng tình yêu văn học, hứng thú đối với tác phẩm, với thể loại, với những tài sản tinh thần vô cùng quý giá của nhân dân, và điều quan trọng là tất cả các nội dung trên phải được chuyển hóa thành cảm xúc của bản thân chủ thể. Bởi

vậy, mức độ rung động, những xúc cảm văn chương trong sáng của người học cũng chính là một phần làm nên hiệu quả của giờ học ấy. Xét ở khía cạnh này, giờ dạy học một tác phẩm cần tạo ra hứng thú cho HS, phát huy khả năng tự học, biết thắc mắc và nêu ý kiến riêng của mình, nỗ lực tham gia vào giờ học,…đều là những biểu hiện của hiệu quả dạy học.

Trong những năm gần đây, việc yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học được đặt ra như một yêu cầu cấp bách. Người GV phải áp dụng những phương pháp dạy học tích cực để giúp HS có thể tự học một cách chủ động, tự giác, khuyến khích HS học tập có suy luận, tập rèn luyện kĩ năng tư duy, độc lập sáng tạo trong việc chiếm lĩnh tri thức. Việc nâng cao hiệu quả dạy học là một đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là ở giai đoạn hiện nay. Để làm được điều đó, trước hết và bắt đầu từ phía những người trực tiếp làm công tác giáo dục.

Một phần của tài liệu dạy học văn tế nghĩa sĩ cần giuộc của nguyễn đình chiểu ở sgk ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại (Trang 75 - 77)