Giá trị nghệ thuật

Một phần của tài liệu dạy học văn tế nghĩa sĩ cần giuộc của nguyễn đình chiểu ở sgk ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại (Trang 72 - 75)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2.2Giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật xây dựng hình tượng nghĩa sĩ Cần Giuộc:

Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” có giọng điệu bi hùng khác hẳn giọng điệu sầu thảm, thê lương của lối văn tế thông thường. Thực chất đây là bản anh hùng ca của văn học Việt Nam cận đại. Những lời văn tế sôi sục như tuôn trào từ trái tim cháy bỏng của nhà nho yêu nước. Nhà thơ không chạm trổ đẽo gọt mà tác phẩm vẫn rất nghệ thuật. Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ do Nguyễn Đình Chiểu xây dựng nên là một trong những hình tượng đẹp nhất của văn chương cổ điển, đánh dấu thành công xuất sắc về bút pháp hiện thực- trữ tình của một nhà nho. Để biểu hiện hình tượng nghĩa sĩ với tinh thần tự giác cao độ, anh dũng vô song làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía, tác giả đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc.

Trước hết là thủ pháp so sánh để khẳng định sự hy sinh của các nghĩa sĩ đã tạo nên tiếng vang, mặc dù rất khiêm tốn: “tiếng vang như mõ”, Lối so sánh ở đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Bởi vì ở làng quê, nơi dân ấp, dân lân sống trong các đồn điền, tiếng mõ vô cùng quen thuộc và gần gũi. Mõ làm bằng tre hoặc bằng gỗ cũng mộc mạc, giản dị như những người nông dân chân lấm tay bùn vậy. Nhưng dù là tiếng mõ ở làng quê thôi cũng đủ sức vang động tới lòng dân, từ thế hệ này đến thế hệ khác, vang vọng cho tới hôm nay và cả mai sau.

Ngay từ đoạn mở đầu, nhờ cách dùng từ, đặt câu và nhất là triệt để lợi dụng lối đối của văn biền ngẫu, tác giả đã gây cho người đọc, người nghe ấn

tượng tốt đẹp ban đầu về sự hy sinh của những người nông dân mộ nghĩa trong lúc vận nước lâm nguy. Cùng với ấn tượng ấy, không khí thiêng liêng và cảm xúc bi hùng của đoạn văn cũng được truyền tới người đọc, người nghe một cách thấm thía.

Tác giả cũng sử dụng lối so sánh để thể hiện thái độ của người nông dân đối với giặc ngoại xâm trong các vế câu, như :“Trông tin quan như trời hạn trông mưa”, “Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”. Đối với những người nông dân chỉ quen việc cày cấy, sống côi cút ở những đồn điền hẻo lánh, thì trước tin dữ kẻ thù tới xâm lược, họ chỉ biết trông mong ở quân đội triều đình. Nhưng kết quả là “Trông tin quan như trời hạn trông mưa”, đó là một nỗi mong đợi, khát khao cháy bỏng mà vô vọng. Kẻ thù đến giày xéo quê hương yêu dấu, giẫm đạp lên mồ mả tổ tiên khiến họ không thể chịu đựng được: “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.” Đây là lối so sánh cụ thể và sát hợp biết bao. Tình cảm ghét là một khái niệm trừu tượng được ví với một sự việc đơn giản, tự nhiên hàng ngày. Nhà nông vốn ghét cỏ dại, vì chúng có hại cho việc trồng cấy và việc diệt cỏ cũng là lẽ sống còn của họ. Thái độ ấy gắn liền với hành động, chứ không hề mơ hồ, ảo tưởng như vua quan nhà Nguyễn trước loài cỏ độc ngoại xâm.

Thủ pháp đối lập (đối ý, đối thanh): Chưa quen cung ngựa- Chỉ biết ruộng trâu; tay vốn quen làm- mắt chưa từng ngó; nào đợi- chi nài; mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn- chín chục trận binh thư, không chờ bày bố,… Thủ pháp nghệ thuật này đã tạo ra sự so sánh giữa yêu cầu và khả năng, chính quy và thô sơ trong cuộc chiến đấu. Người lính nông dân không được tập luyện, trang bị, không có chiến bào ra trận mà chỉ có lòng yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Bằng những chi tiết đối lập trên, tác giả đã khẳng định và ca ngợi ý chí quyết tâm giết giặc của các nghĩa sĩ.

Thủ pháp đặc tả cuộc chiến đấu với các chi tiết tả thực: “Đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không”, “Xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”. Bằng những động từ gợi tả và xác thực, với nhịp điệu mạnh mẽ, dứt khoát của câu văn, với những âm thanh náo động, tác giả đã cung cấp đầy đủ những chất liệu và cảm hứng để một họa sĩ có thể vẽ nên một bức tranh công đồn tuyệt diệu. Đó là một chiến trường sôi động với những nghĩa quân đạp, lướt , xô, xông với những cánh tay vung lên để đâm ngang, chém ngược…Các nghĩa sĩ xông vào trận đánh như những người anh hùng khiến cho quân giặc phải hồn kinh, phách lạc. Khí thế của họ là khí thế đạp lên đầu kẻ thù xốc tới, không quản ngại bất kì sự gian khổ, hi sinh nào, rất tự tin và đầy ý chí quyết thắng. Hình ảnh đó oai phong lẫm liệt như hình tượng các dũng sĩ trong những thiên anh hùng ca thuở xưa, nhưng lại vô cùng gần gũi sống động, tưởng như họ vừa “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”( Nguyễn Đình Thi)

Một yếu tố nữa làm nên sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế là cảm xúc chân thành sâu nặng mãnh liệt của tác giả được thể hiện qua giọng văn bi tráng, thống thiết. Giọng điệu thay đổi theo dòng cảm xúc: đoạn Thích thực sôi nổi, hào hứng như reo vui cùng chiến thắng của nghĩa quân, đoạn Ai vãn chuyển sang trầm lắng, thống thiết, có lúc như nức nở, xót xa, có lúc như tiếng kêu thương ai oán, còn đoạn kết trang nghiêm như một lời khấn nguyện thiêng liêng.

Các thủ pháp nghệ thuật trên- đặc biệt là thủ pháp nghệ thuật đối lập- đã góp phần khắc họa nổi bật vẻ đẹp tinh thần của người nghĩa sĩ. Hiếm có một bài văn nào trong văn học Trung đại lại được xây dựng toàn bằng những chi tiết chân thực, được cô đúc từ thực tế đời sống nên có tầm khái quát cao, không sa vào vụn vặt, tản mạn như bài văn tế này. Hình tượng người anh hùng áo vải được đặt trong một kết cấu chặt chẽ, hợp lí. Ngòi bút hiện thực ấy lại kết hợp thật nhuần nhuyễn chất trữ tình sâu lắng, ẩn chứa trong từng câu

chữ, từng hình ảnh là nỗi cảm thông, niềm kính phục và tự hào của tác giả. Từ ngữ bình dị mà có sức biểu hiện tinh tế, chính xác, gợi cảm. Nhiều biện pháp tu từ được sử dụng thành công, tạo được hiệu quả nghệ thuật cao.

Như vậy, tác phẩm đã đạt được những thành tựu xuất sắc về mặt ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, sự kết hợp nhuần nhuyễn tính hiện thực và giọng điệu trữ tình bi tráng, tạo nên giá trị sử thi của bài văn tế này. Tác phẩm đã đạt đến nghệ thuật cổ điển của thể loại, bởi lần đầu tiên trong lịch sử văn tế, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo ra loại văn tế- anh hùng ca này. Bài văn tế viết bằng máu và nước mắt trong chiến bại mà không hề bi lụy, làm nản lòng người mà trái lại, cổ vũ, động viên, khích lệ mọi người tiếp tục công cuộc chống Pháp còn dang dở.

Tóm lại, khi dạy học bài văn tế trên, GV cần giúp HS tập trung làm sáng tỏ những phương diện kiến thức trọng tâm: đó là vẻ đẹp hiên ngang, bi tráng mà giản dị của hình tượng nghĩa sĩ nông dân tự giác đứng lên đánh giặc; thái độ cảm phục, xót thương của tác giả đối với các nghĩa sĩ và giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài văn tế.

Một phần của tài liệu dạy học văn tế nghĩa sĩ cần giuộc của nguyễn đình chiểu ở sgk ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại (Trang 72 - 75)